Cập nhật: 15/05/2009 22:07:42 Article Rating
Xem cỡ chữ

 Nhiều bậc phụ huynh phải chào thua trong “trận chiến” với con cái ở bàn ăn và không biết phải tìm câu trả lời ở đâu.Các chuyên gia y tế đã tìm hiểu và nghiên cứu về biếng ăn và cách điều trị, khuyến khích các thói quen ăn uống lành mạnh để có được tình trạng dinh dưỡng đầy đủ cho sự tăng trưởng và phát triển tối ưu của trẻ.

Kết quả nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia dinh dưỡng toàn cầu cho thấy tỷ lệ biếng ăn của trẻ em Việt Nam khá cao so với tỷ lệ 20%-45% đã được công bố trên thế giới.

 

Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Biếng ăn – chẩn đoán và điều trị” diễn ra từ ngày 13-14/05 tại tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của hơn 600 bác sỹ chuyên khoa nhi, các bác sĩ dinh dưỡng trong và ngoài nước.

 

Hội thảo có sự tham gia của 2 trong các thành viên của nhóm chuyên gia dinh dưỡng toàn cầu dành cho trẻ biếng ăn, gồm Giáo sư Benny Kerzner, Chủ tịch Khoa tiêu hoá và Dinh dưỡng Trẻ em, Trung tâm Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, và giáo sư tâm lý Irene Chatoor, Phó chủ tịch Khoa tâm thần học, Gám đốc điều hành Chương trình sức khoẻ tâm thần dành cho trẻ nhỏ và nhũ nhi thuộc trung tâm y học Quốc Gia dành cho trẻ em Hoa Kỳ.

 

Các chuyên gia trình bày các báo cáo mới nhất về tình hình dinh dưỡng toàn cầu, tình trạng biếng ăn ở trẻ em và phương pháp khắc phục nhằm giúp cho các cán bộ y tế, bác sĩ Việt Nam có được những thông tin mới nhất về phương pháp chuẩn đoán, cách tiếp cận một cách hệ thống về biếng ăn và cách điều trị đối với từng trường hợp khác nhau.

 

Biếng ăn là cụm từ được sử dụng rộng rãi để miêu tả những trẻ chỉ ăn được số lượng ít, chỉ ưa thích một vài loại thức ăn nhất định, hoặc tránh thử hoặc sợ, không muốn ăn món mới. Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn, bao gồm các yếu tố sinh lý như sự ngon miệng, khẩu vị, các vấn đề về di truyền và ảnh hưởng từ các giai đoạn tăng trưởng. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm các vấn đề tâm sinh lý như: trẻ luôn có xu hướng đấu tranh đòi tự chủ, thay đổi cảm xúc và tâm trạng, các mức độ tình cảm hoặc tương tác giữa mẹ và trẻ. Các bậc cha mẹ có thể không biết là hành vi, thái độ của chính họ – ví dụ như dỗ dành, dụ ngọt hay việc đe dọa, ép trẻ ăn, quan tâm hoặc thờ ơ thái quá đến chuyện ăn của trẻ - có thể vô tình làm vấn đề biếng ăn ở trẻ trở nên trầm trọng hơn.

 

Hầu hết các bà mẹ có con biếng ăn đều rất lo lắng về chế độ ăn và tình trạng dinh dưỡng của con mình. Dù rất nhiều nghiên cứu vẫn đang được tiến hành, tuy nhiên các nghiên cứu đến nay cũng đủ cho thấy biếng ăn có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như: chậm phát triển, rối loạn tăng trưởng, dễ mắc các bệnh mạn tính, và các rối loạn hành vi ăn uống sẽ tiếp tục tiến triển theo chiều hướng xấu hơn mặc dù đã được điều chỉnh các nguyên nhân thực thể ban đầu. Biếng ăn cũng có thể đưa đến sự thiếu hụt dinh dưỡng, và đôi khi có thể dẫn đến các vấn đề cảm xúc và tính thích nghi, ví dụ như không thích tiếp xúc, chậm chạp, thờ ơ và không có hứng thú trong học tập và vui chơi.

 

GS. Benny Kerzner
Giáo sư Benny Kerzner và Irene Chatoor đã cùng các đồng nghiệp Việt Nam thảo luận về việc chuẩn đoán đúng những trường hợp biếng ăn khác nhau, đa dạng của trẻ và những  giải pháp tiếp cận và điều trị tương ứng theo từng trường hợp cụ thể phụ hợp với nhu cầu thể chất của trẻ và sự mong đợi của phụ huynh. Trong đó hai giáo sư đều nhấn mạnh giải pháp tâm lý để điều trị những trẻ gặp khó khăn trong ăn uống.

 

GS. Kerzner cho biết: “Việc thay đổi hành vi, thói quen ăn uống xấu của trẻ biếng ăn cần nhiều thời gian và nỗ lực của cha mẹ, cũng như của các nhà chuyên môn. Trong khoảng thời gian này,  bố mẹ thường lo lắng con mình ăn uống không đầy đủ và thiếu hụt dưỡng chất, họ nên tham vấn các bác sĩ chuyên khoa và bổ sung cho trẻ công thức dinh dưỡng đầy đủ và cân đối hàng ngày giúp trẻ ổn định và tiếp tục hỗ trợ về quá trình phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ và điều này cũng giúp phụ huynh an tâm hơn, kiên nhẫn hơn để áp dụng đúng và đủ những phương pháp tiếp cận và điều trị phù hợp cho bé.”

 

Trong phần trình bày của mình, GS. Irene Chatoor, đã đưa ra bài phát biểu và thảo luận về vấn đề “Những

GS. Irene Chatoor
nguyên tắc và thực hành giúp khuyến khích trẻ tạo lập những thái độ ăn uống tích cực”, đồng thời tư vấn về phương pháp chăm ăn trẻ, những khó khăn của các bậc phụ huynh khi chăm trẻ và lời khuyên về cách thức xử lý đối với từng trường hợp.

 

Thay mặt hội Nhi Khoa Việt Nam, GS. Hoàng Trọng Kim và GS. Nguyễn Công Khanh cũng đã chỉ ra mối quan tâm của giới chuyên môn trong nước đối với tình trạng biếng ăn của trẻ. Hai giáo sư nhấn mạnh cần phải phổ biến rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng về tình trạng biếng ăn của trẻ để nâng cao nhân thức cộng đồng về chứng biếng ăn nhằm có những biện pháp điều chỉnh tâm lý và dinh dưỡng kịp thời. Hội Nhi Khoa Việt Nam cũng đã lập ra đường dây nóng tư vấn về biếng ăn qua điện thoại (08)2.2436.426 (TP. Hồ Chí Minh) và (04)2.2436.426 (Hà Nội) và tổ chức những ngày tư vấn miễn phí về biếng ăn cho cộng đồng.

 

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất trong tháng 12 năm 2008 cho thấy tỷ lệ biếng ăn ở trẻ dưới 8 tuổi là 27%. Trong đó, nhóm trẻ từ 1-6 tuổi có tỷ lệ biếng ăn cao nhất: 38%. Trên 40% những trẻ biếng ăn này đã có dấu hiệu biếng ăn ngay từ khi dưới 3 tuổi. Rất nhiều bằng chứng cho thấy biếng ăn không chỉ gây ra thiếu hụt dinh dưỡng ngắn hạn mà còn dẫn đến các biến chứng lâu dài về sau./.

 

 

 

Theo VOV

 

 

Tệp đính kèm