Trong số chị em chúng ta, ít ai khi mang thai mà lại không phải trải qua những khoảng thời gian ốm nghén, tưởng như là đang bệnh. Dưới dây là cách ngăn ngừa và điều trị tình trạng ốm nghén.
Thai phụ thèm những thức ăn gì?
Một nghiên cứu gần đây cho biết, khoảng 40% phụ nữ có thai thèm cái gì đó ngọt ngọt. Tiếp theo là những thức ăn mặn khoảng 33%. Số chị em nghén thèm các loại gia vị chiếm khoảng 17%. Số thèm các loại thức ăn chua chát như táo xanh, quýt chua chỉ chiếm khoảng 10%. Thèm ăn “thứ nọ thứ kia” là một triệu chứng rất rõ của hiện tượng nghén, lý do tại sao họ thèm thì cho đến nay vẫn chưa rõ. Một số cho rằng đó là những dấu hiệu thiếu dinh dưỡng trong quá trình thai nghén. Nhưng điều gì giải thích cho những hiện tượng nghén “ăn dở” và thích ăn những loại thức ăn kì cục, hoàn toàn rất ít dinh dưỡng? Loại thức ăn nhiều người thường thèm là các loại đồ ngọt như: đường, sữa, các thực phẩm có gia vị, các loại quả chua và các loại bánh mặn. Vì vậy, không lấy gì làm ngạc nhiên khi kem, các đồ muối chua, nước sốt cà chua, nước chanh, phomát và cả sô-cô-la là những thức ăn những người nghén hay thèm, nhất khi mang thai.
Tại sao?
Cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng tại sao phụ nữ có thai hay thèm ăn lung tung. Trong thực tế cũng có những phụ nữ không thèm ăn nghén. Đó có thể do:
Thay đổi hormone trong quá trình thai nghén có thể làm thay đổi sự cảm nhận mùi, vị của người phụ nữ làm cho họ có cảm giác thèm ăn những thứ mà trước đây họ không hề thích thú. Điều này cũng có thể giải thích tại sao những người mãn kinh cũng có cảm giác thèm ăn hoặc chán ăn. Thiếu dinh dưỡng tạm thời có thể gây thèm ăn, tuy nhiên lí do này không thể giải thích nổi tại sao một số người lại thèm ăn số lượng nhiều hơn mức dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên, việc thèm các món ngâm giấm có thể do lượng Na trong máu thấp, thèm sô-cô-la có thể là dấu hiệu báo thiếu vitamin nhóm B. Thèm thịt chứng tỏ thiếu protein, thèm đào, mơ, có thể thiếu -caroten.
Nhu cầu tình cảm cũng có liên quan đến chuyện ăn uống. Nhiều phụ nữ có thai có thể thèm ăn linh tinh, một cách có ý thức hoặc tiềm thức để đáp ứng nhu cầu tình cảm. Nhiều chị thèm những thức ăn quê nhà để nhớ thời thơ ấu, phong tục, tôn giáo, văn hóa, đặc biệt là khi họ ở xa “chùm khế ngọt”.
Để giảm bớt những khó chịu trong quá trình mang thai
- Ăn ít và ăn thường xuyên sau mỗi 2 giờ. Đói thường kèm theo cảm giác buồn nôn và ăn sẽ làm dịu biểu hiện khó chịu đó.
- Ăn bánh quy giòn, uống một cốc nước mát, ăn một ít quả khô trước khi bước chân xuống giường vào mỗi sáng.
- Tập luyện thường xuyên: đi bộ sẽ hỗ trợ cho tiêu hóa và ngăn chặn sự buồn nôn.
- Ăn ít chất béo, ăn nhạt: các loại cơm, khoai tây, mì ít dầu mỡ, bánh quy, ngũ cốc luộc, hấp. Hạn chế ăn các loại rau xào. Ăn các loại quả mềm (đặc biệt là chuối), trứng luộc, các món súp.
- Nhấm nháp gừng: uống nước gừng hay trà gừng (đun sôi vài lát gừng với nước rồi pha với mật ong) hoặc ăn mứt gừng.
- Bạc hà: ngửi hương bạc hà cũng giúp giảm buồn nôn.
- Vitamin B: một liều vitamin B6 bổ sung mỗi ngày cũng sẽ giúp giảm ốm nghén.
- Luôn rửa tay trước khi nấu, ăn uống, sau khi sờ vào thịt sống, đất cát.
- Chỉ ăn thịt đã nấu kỹ, tránh ăn thịt tái, xúc xích nướng.
Tránh các yếu tố kích thích:
- Mùi “nặng”: nên mở cửa sổ thường xuyên hoặc dùng quạt hút mùi khi nấu nướng để loại bỏ các mùi thức ăn.
- Thực phẩm béo ngậy: chúng sẽ gây đầy bụng, khó tiêu hóa.
- Thực phẩm cay nóng.
- Rượu hay thuốc lá.
- Căng thẳng: đây cũng được coi là yếu tố “chọc tức” ốm nghén. Vì vậy, cố gắng nghỉ ngơi thường xuyên. Nên ngủ trưa. Sự yên tĩnh cũng sẽ giúp giảm buồn nôn.
- Tránh chơi với mèo và tiếp xúc với phân mèo, vì trong ruột mèo có rất nhiều vi khuẩn gây bệnh.
Người chồng nên làm gì?
Những ông bố tương lai nên ủng hộ và thông cảm với các bà bầu.
Những công việc như: nấu ăn, cho đứa lớn ăn hay chăm sóc vật nuôi, không được ngủ trưa, đi chợ, cọ phòng tắm… đều có thể làm tình trạng ốm nghén của thai phụ thêm nặng nề. Vì vậy, hãy giúp đỡ vợ để giảm thiểu những mệt mỏi. Luôn khuyến khích vợ nghỉ ngơi.
Theo SK & ĐS Online