Quai bị là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do Paramyxovirus gây nên, làm viêm tuyến nước bọt mang tai. Bệnh xuất hiện trên toàn thế giới và chỉ thấy ở người, thường phát vào mùa đông xuân, trong các tập thể như trường học, nhà trẻ...
Bệnh quai bị lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt, hoặc các giọt chất tiết mũi họng của người bệnh văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi. Bệnh nhân quai bị có khả năng lây truyền virut 3 ngày trước khi có biểu hiện lâm sàng (trước khi sưng tuyến nước bọt) cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh. Thời gian ủ bệnh là 12 - 25 ngày. Tất cả mọi người chưa từng bị quai bị lúc còn nhỏ hoặc chưa được tiêm phòng vaccin ngừa quai bị đều có khả năng bị nhiễm bệnh, tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Đối tượng dễ nhiễm bệnh là trẻ em trong lứa tuổi đi học và tuổi vị thành niên. Nhưng ít gặp quai bị ở trẻ dưới 2 tuổi, độ tuổi từ 10-19 mắc nhiều nhất. Quai bị gây miễn dịch bền vững nên ít khi bị quai bị lần 2.
Sau khi nhiễm virut quai bị khoảng 12-25 ngày, bệnh nhân có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, có khi rét, đau họng và đau góc hàm. Sau đó, tuyến nước bọt mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Có thể sưng một hoặc hai bên, nếu sưng cả hai bên thì thường không sưng cùng lúc, hay gặp tuyến thứ hai bắt đầu sưng khi tuyến thứ nhất đã giảm sưng. Có thể sưng tuyến nước bọt dưới hàm và dưới lưỡi. Bệnh nhân thấy đau ở vùng tuyến bị sưng nhưng da trên vùng sưng không nóng và không đỏ. Nhìn vào trong miệng thấy lỗ ống Stenon ở má bên sưng đỏ, có khi có giả mạc. Bệnh nhân khó nói, khó nuốt, đôi khi phù thanh môn gây khó thở. Thời gian bệnh tiến triển và tự khỏi trong vòng 10 ngày nếu không xảy ra biến chứng. Trên thực tế có khoảng 25% người bị nhiễm virus quai bị nhưng không có triệu chứng bệnh, họ là những nguồn bệnh lây truyền cho người khác mà chúng ta lại không biết để phòng tránh.
Phòng bệnh quai bị
Bệnh quai bị cần phân biệt với một số bệnh sau: sỏi tuyến nước bọt mang tai; viêm tuyến nước bọt do vi khuẩn sinh mủ như tụ cầu vàng, do các virut khác như Coxackie, Influenza...; viêm tinh hoàn còn có thể do lao, leptospirose, lậu cầu...
Phòng bệnh quai bị chủ yếu là dùng vaccin, thường kết hợp với phòng sởi và rubeon trong vaccin Trimovax, MMR. Không được dùng vaccin này cho các đối tượng: phụ nữ có thai, người bị tổn thương miễn dịch như đang dùng thuốc gây giảm miễn dịch corticoid, thuốc điều trị ung thư, điều trị với tia phóng xạ. Phòng bệnh thụ động dùng globulin miễn dịch cho người tiếp xúc với virut quai bị.
Bệnh gây biến chứng gì?
Bệnh quai bị ở người lớn thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em. Có thể xảy ra các biến chứng như sau:
- Viêm tinh hoàn : khoảng 20-35% bệnh nhân nam sau tuổi dậy thì bị viêm tinh hoàn. Biến chứng này xảy ra trước, trong hoặc sau khi viêm tuyến nước bọt. Biểu hiện: tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thừng. Bệnh nhân bị viêm đau, sốt kéo dài 3-7 ngày, tinh hoàn bị teo dần và có thể dẫn đến vô sinh nhưng ít gặp.
- Viêm buồng trứng: tỷ lệ biến chứng là gần 7% bệnh nhân nữ sau tuổi dậy thì, nhưng ít khi dẫn đến vô sinh. Đau vùng bụng dưới, buồng trứng to là các dấu hiệu gợi ý viêm buồng trứng nhưng chẩn đoán khá khó khăn.
- Viêm tụy: biến chứng này chiếm khoảng từ 3%-7%, là một biểu hiện nặng của quai bị. Bệnh nhân có triệu chứng: đau bụng phần trên rốn, buồn nôn hoặc nôn, có khi tụt huyết áp. Quai bị là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tuỵ ở trẻ em.
- Viêm màng não: bệnh nhân quai bị có biểu hiện cổ cứng, đau đầu, ngủ lịm, sốt cao là gợi ý nghĩ đến viêm màng não. Tuy nhiên chỉ có gần 0,5% bệnh nhân có biến chứng này.
- Một số biến chứng khác có thể gặp là : viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm thần kinh thị giác gây giảm thị lực tạm thời từ 10-20 ngày, viêm tủy sống cắt ngang; viêm đa rễ thần kinh, viêm phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu. Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu mắc quai bị có thể gây sảy thai hoặc sinh con dị dạng; mắc bệnh trong 3 tháng cuối của thai kỳ dễ sinh non hoặc thai chết lưu.
Điều trị và phòng bệnh
Bệnh nhân phải được cách ly 2 tuần kể từ lúc phát hiện bệnh, cho đến khi tuyến nước bọt hết sưng. Giai đoạn sốt, bệnh nhân cần nghỉ ngơi hoàn toàn tại giường; giữ vệ sinh răng miệng, ăn những thức ăn mềm lỏng dễ nuốt, giảm đau bằng cách đắp ấm vùng sưng, dùng thuốc giảm đau hạ sốt.
Nếu viêm màng não vô khuẩn chủ yếu điều trị triệu chứng. Trường hợp viêm não phải chú ý chống phù não, giữ thông suốt đường thở, bảo đảm hô hấp và tuần hoàn.
Viêm tinh hoàn: nâng cao bìu bằng khăn mềm, chườm lạnh bằng nước đá. Dùng thuốc giảm đau, chống viêm bằng corticoid đúng liều, giảm dần trong 7-10 ngày.
Viêm tuỵ cần điều trị triệu chứng và bôi phụ dịch khi cần thiết.
Theo SK& ĐS Online