Cập nhật: 03/03/2010 21:47:25 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tổ đỉa là một bệnh trong số các bệnh da liễu trong đời sống xã hội. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nhưng thường gặp nhiều nhất ở nông thôn, lứa tuổi từ 18-45. Bệnh khu trú ở lòng bàn chân, bàn tay.

 

Ở bàn tay, đông y gọi là “nga trưởng phong”. Ở bàn chân gọi là “thấp cước khí”. Nguyên nhân bệnh do phong nhiệt và thấp cước khí kết hợp với nhau. Nếu ở tay thì do phong là chủ yếu. Nếu ở chân thì do thấp là chủ yếu. Nếu bệnh kéo dài, bị bội nhiễm mãn tính thì do thấp và nhiệt phối hợp với nhau gây nên.

 

Biểu hiện của bệnh: Xuất hiện các bóng nước nhỏ dưới da. Vị trí xảy ra ở lòng bàn tay, các bờ của ngón tay và lòng bàn chân. Các mụn nước kích thước nhỏ màu trắng, đen hoặc vàng nhạt, rất ngứa, kèm theo nóng, rát, nước vàng rỉ ra thường xuyên. Hơn nữa bàn chân và bàn tay là những vị trí dễ bị bội nhiễm do phải sinh hoạt hàng ngày như đi lại, giặt đồ, rửa bát đũa. Nguyên nhân sinh ra bệnh hiện nay vẫn chưa được làm rõ. Những yếu tố sau đây thúc đẩy quá trình hình thành bệnh:

 

- Thời tiết: Bệnh rất nhạy cảm với khí hậu ẩm ướt kéo dài. Nóng ẩm là thời cơ phát triển bệnh.

 

- Môi trường: Bệnh tiến triển với những người làm việc tay chân, tiếp xúc nhiều với hóa chất: Xà phòng, các chất tẩy rửa, dầu mỡ, kim loại…

 

- Yếu tố di truyền: Bố mẹ nhạy cảm với môi trường, hay bị viêm mũi dị ứng, dị ứng với lông chó mèo, phấn hoa, nấm mốc… thì thế hệ con cái rất dễ mắc bệnh ngoài da: Chàm hóa, tổ đỉa, eczema… Về điều trị bệnh tổ đỉa cần tiến hành như sau:

 

Thuốc thoa tại chỗ: Nếu da chảy nước, nhiễm trùng có thể dùng thuốc tím pha loãng với nước ấm, nồng độ 1/10.000 (có màu cánh sen hoặc hồng nhạt). Nếu da khô, dày có thể dùng các chất làm bong vảy như Salysilic Acid 5%. Khi thật cần thiết có thể phối hợp giữa Salysilic và Corticoid để làm bong vảy mềm da.

 

Thuốc uống: Có thể dùng thêm sinh tố PP liều từ 0,5g đến 1g cho 1 ngày. Thuốc kháng Histamin Cholorpheniramin, loại ít gây ngủ: Rizin, Astenison. Nếu bị bội nhiễm có thể dùng thêm kháng sinh phổ rộng: Tetracilin, Docyxyclin, Triconazol…

 

Chế độ sinh hoạt: Cần kiêng ăn các chất gây ngứa nhất là nguồn từ biển như ghẹ, ốc, cua. Tránh chà xát xà phòng vào nơi thương tổn. Nếu bị ở bàn tay, khi cần lao động như rửa bát đĩa, cần mang găng tay nilon, cao su. Khi xong phải ngâm tay vào nước ấm 10-15 phút.

 

Có một phương pháp giải dị ứng giúp bệnh nhanh khỏi, ít tái phát bằng cách tiêm dưới da Histaglobin. Tuy nhiên còn phụ thuộc nhiều vào đáp ứng của người bệnh.

 

Điều trị bằng y học cổ truyền:

 

Trên lâm sàng chia làm 2 loại:

 

1. Nga trưởng phong (bệnh ở lòng bàn tay, ngón tay)

 

Pháp điều trị: Khu phong, thanh nhiệt, trừ thấp.

 

Bài thuốc: Ké đầu ngựa 20g, ý dĩ nhân 15g, cỏ nhọ nồi 20g, kinh giới 20g, tam lăng 15g, ích mẫu 20g, hoàng bá 15g, tỳ giải 20g, khổ sâm 20g, kim ngân hoa 20g. Sắc uống ngày 2 lần.

 

2. Thấp cước khí (gặp ở lòng bàn chân, ngón chân)

 

Pháp điều trị: Khu phong, thanh nhiệt, giải dị ứng, trừ thấp.

 

Bài thuốc: Kim ngân hoa 20g, ké đầu ngựa 20g, thổ phục linh 20g, tỳ giải 20g, ý dĩ nhân 20g, cam thảo 5g, sinh địa 15g, kinh giới 20g, khổ sâm 15g, hoàng bá 15g. Sắc uống ngày 2 lần.

 

Tóm lại: Tổ đỉa là một bệnh ngoài da, ít khi gây biến chứng bội nhiễm nguy hiểm. Nhưng là một bệnh rất dễ chuyển thành mãn tính nếu không điều trị tích cực. Bệnh làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm tự tin. Vì vậy khi mắc bệnh nên tìm đến các thầy thuốc chuyên khoa để có hướng điều trị đúng.

 

 

 

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tệp đính kèm