Cập nhật: 06/08/2010 22:01:23 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sự thành công của khoa học trong việc giải mã gen di truyền đã tạo nên một bước tiến mới cho y học hiện đại. Từ việc đọc mã gen giúp tìm ra nguyên nhân gây bệnh, cho tới việc dự báo nguy cơ mắc bệnh di truyền và tình trạng sức khoẻ trong tương lai... công nghệ gen đã mang lại cho con người những điều kỳ diệu mà chúng ta chưa từng lý giải được.

Chứng hói đầu - một trong những bệnh có tính di truyền cao

 

Mặc dù chứng hói đầu xuất hiện khá phổ biến ở nam giới, song các nhà khoa học cũng xác nhận rằng hói đầu chịu sự chi phối không nhỏ của yếu tố di truyền. Chỉ cần ở bố hoặc mẹ có mang gen quy định đặc tính này, thì ở thế hệ sau cũng có tỉ lệ di truyền chứng hói đầu rất cao. Thậm chí, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng ở một số người có mang gen "hói" hoặc ít lông, thì trên cơ thể họ cũng có các đặc tính này được biểu hiện rất rõ.

 

Chứng nổi mụn trên da do di truyền

 

Mụn trứng cá không chỉ là sự thay đổi của yếu tố nội tiết trong cơ thể hay do tác động của môi trường. Hiện tượng da bị nổi mụn thường xuyên còn là do yếu tố gen di truyền. Nếu trong gia đình bạn có tiền sử bị nổi mụn trên da, đặc biệt là bệnh mụn trứng cá, thì những thành viên trong gia đình cũng có thể mắc phải chứng bệnh này. Đó là do yếu tố gen di truyền quyết định lượng nội tiết tố trong cơ thể hoặc quyết định việc làn da nhạy cảm với môi trường.

 

Sinh đôi

 

Mặc dù hiện tượng sinh đôi khá hiếm khi xảy ra, song các gia đình có con sinh đôi thì hiện tượng sinh đôi vẫn thường lặp lại ở các thế hệ sau. Một người mẹ mang thai và sinh đôi có thể di truyền lại gen này cho con trai và con gái của mình. Người con trai đó có thể mang gen sinh đôi, song anh ta có thể không có con sinh đôi mà thường di truyền gen này lại cho con gái và có thể sẽ có những đứa cháu ngoại sinh đôi. Đó chính là lý do hiện tượng sinh đôi có thể bị ngắt quãng, chứ không liên tục ở các thế hệ.

 

 Bệnh tim - căn bệnh có tính di truyền cao

 

Khoa học thường nhắc tới các căn bệnh có liên quan tới yếu tố tiền sử gia đình như: bệnh tim, tiểu đường, đột qụỵ hay cao huyết áp... Đó là vì tất cả những bệnh này đều bị chi phối bởi yếu tố gen di truyền. Đứa trẻ được sinh ra bởi những ông bố, bà mẹ bị mắc bệnh tim mạch có tỉ lệ mắc bệnh này rất cao.

 

Bệnh béo phì

 

Béo phì là một trong những bệnh có tính di truyền cao và kéo dài nhiều thế hệ nhất trong số các chứng bệnh di truyền. Những ông bố, bà mẹ từng mắc chứng béo phì, thì con cái của họ cũng có tỉ lệ mắc béo phì rất cao. Một điều khá dễ nhận thấy là nếu bố mẹ là những người có khả năng hấp thụ dinh dưỡng và ăn uống tốt hoặc có tính phàm ăn, thì những đứa con của họ cũng thường được thừa hưởng lại những đặc tính này.

 

Tính côn đồ

 

Sự dễ nổi nóng, mất bình tĩnh cũng là một đặc điểm có tính di truyền rất cao. Nhiều nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng trong con người cũng có gen quy định "tính côn đồ". Đây chính là gen khiến cho nhiều người luôn ở trong tình trạng dễ nóng nay, hoặc dễ có các hành vi bạo lực hơn so với những người khác. Sự di truyền này thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn phụ nữ. Tuy nhiên, nếu người phụ nữ thừa hưởng loại gen này, tính "táy máy" hay trộm vặt cũng thường xuất hiện nhiều hơn. Các chuyên gia tội phạm học đã từng đưa ra ý tưởng dựa vào cách phân tích gen di truyền để xác định nguy cơ gia tăng tội phạm liên quan đến bạo lực ở một số quốc gia phát triển trên thế giới, trong đó có Mỹ.

 

Bệnh mù màu

 

Trên thế giới, hơn 10 triệu người không thể phân biệt được màu đỏ và màu xanh. Chứng mù màu này từng xuất hiện với số lượng bệnh nhân ban đầu rất ít, song đã phát triển và bùng nổ theo cấp số nhân, đó là bởi tỉ lệ di truyền bệnh mù màu là rất cao. Và phần lớn số bệnh nhân tập trung vào nam giới. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng gen quy định khả năng tiếp nhận và phân biệt màu sắc đỏ, xanh có vị trí nằm trên chuỗi Chromosome X. Ở nam giới chỉ có một chromosome X do thừa hưởng từ người mẹ, do đó tỉ lệ mắc bệnh và biểu hiện bệnh ra bên ngoài là khá cao. Trong khi đó ở  phụ nữ, thường tồn tại hai chromosome X, nên họ có thể mang gen di truyền gây bệnh mù màu và truyền lại cho đời sau dù bản thân họ không có biểu hiện của bệnh.

 

Ung thư vú

 

Nguyên nhân nào gây ra bệnh ung thư vú, cho tới nay vẫn còn là một điều bí ẩn, tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng sự đột biến gen có tên gọi BRCA1 và BRCA2 có thể là một trong những yếu tố làm gia tăng ung thư vú. Những người phụ nữ có mang gen di truyền BRCA1 và BRCA2 có xu hướng mắc bệnh cao hơn nhiều so với bình thường. Trong khi đó, nam giới có mang gen di truyền BRCA1 có xu hướng mắc ung thư tiền liệt tuyến gia tăng.

 

Nghiện rượu

 

Các nghiên cứu tại Mỹ cho thấy: khoảng 50% số người nghiện rượu tại Mỹ có tiền sử gia đình từng có người mắc chứng nghiện rượu. Mặc dù nghiện rượu phần lớn là do thói quen xấu của mỗi người, song cũng có ảnh hưởng một phần từ yếu tố di truyền trong gia đình.

 

 

Theo SK & ĐS Online

 

 

Tệp đính kèm