Mùi hơi đất nồng nồng, ngai ngái của mỗi cơn mưa rào bất ngờ do đâu mà có? Tại sao theo dân gian, khi trời đổ mưa rào, nhất là vào những lúc oi bức thì nên ở trong nhà?
Bệnh từ thời tiết
Ông Nguyễn Quang Hùng (thôn Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) đang xới đất ngoài vườn rau thì gặp trận mưa rào đột ngột, không kịp trú. Tối về thấy tay chân buồn mỏi, ông cũng tưởng chỉ là chuyện nhỏ, do tuổi cao lại gặp thời tiết bất thường nên đau mỏi người. Nhưng hôm sau, ông bắt đầu đau nhức các khớp, thậm chí sưng đỏ, phải đi bệnh viện khám mới biết là mình bị thấp khớp cấp.
Khi đang nắng bỗng có mưa xuống đồng nghĩa với việc độ ẩm sẽ tăng lên, thời tiết khó chịu ẩm thấp, bức bí. Người có tiền sử bệnh khớp sẽ dễ bị ảnh hưởng
Theo lương y Vũ Quốc Trung, hơi ẩm trong không khí là một trong 6 điều kiện môi trường tự nhiên mà con người bắt buộc phải sống chung, gồm: phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng nóng), thấp (ẩm), táo (khô), hỏa (nhiệt, nóng). Sáu khí này, trong Đông y coi là tà khí, khi biến đổi bình thường thì cơ thể thích nghi dễ dàng.
Nhưng khi các điều kiện môi trường này trở nên khắc nghiệt, quá sức chịu đựng của con người, các tà khí sẽ tấn công cơ thể và gây phát sinh bệnh tật. Những ngày nắng nóng, oi bức, những cơn mưa rào bất chợt có thể làm dịu khí trời, nhưng chính độ ẩm cao trong không khí kết hợp với khí nóng do nước bốc hơi lên gọi là hiện tượng thấp nhiệt sẽ gây bệnh phong thấp với các triệu chứng tê mỏi, sưng đau các khớp.
Hơi đất do phát tán vi sinh vật
PGS.TS Nguyễn Xuân Cự, Trưởng bộ môn Thổ nhưỡng - Môi trường đất, Đại học KHTN - ĐHQG Hà Nội cho hay, thời tiết mùa này lúc nắng lúc mưa, thậm chí có khi đang nắng gay gắt nhưng bỗng mưa rào xuống.
Chính thời điểm này, đất đang hấp thụ lượng nhiệt lớn bỗng bị dội nước làm lạnh, theo nguyên lý sẽ bốc hơi lên. Độ ẩm đẩy lên càng cao các khí này phát sinh càng mạnh. Hơi đất ở đây bao gồm cả khí nóng dưới đất lẫn với hơi nước bốc lên.
Theo các chuyên gia, các khí này là hiện tượng tự nhiên khó tránh khỏi nhưng cũng là khí độc. Vì trong hơi đất có phần nhiều các chất khí do quá trình phân hủy của vi sinh vật tạo nên các mùi hôi thối.
TS Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng Vi sinh vật đất, Viện Công nghệ Sinh học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phân tích thêm, ở trong đất có nhiều loài vi sinh vật khác nhau sinh sống và sinh sản. Thậm chí chỉ một nhúm đất nhưng có thể có hàng triệu vi sinh vật.
Khi đất bị khô, nhất là những nơi chứa nước cống, đất trồng, nhiều loài sẽ chết đi hoặc chuyển sang sống dưới dạng bào tử, hay sống ở dạng nghỉ, tức không hoạt động. Tuy nhiên, khi mưa xuống, các loài vi sinh vật này sẽ tiếp tục sống lại, lúc này sẽ xảy ra quá trình phân hủy sinh học (hay còn gọi là quá trình phát tán). Quá trình này sản sinh ra các khí như SO2, H2S... có mùi khó chịu như mùi trứng thối, mùi mốc...
Khoa học & Đời sống Online