Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, (Bệnh viện Nhi Trung ương), những trẻ đến khám phần lớn mắc các bệnh về hô hấp, dị ứng và các bệnh lây truyền (như sốt, quai bị, thủy đậu…).
Từ đầu tháng 9-2010 đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận số trẻ đến khám tăng so với trước. Trước thời điểm trên mỗi ngày chỉ có khoảng 1.800 bệnh nhi đến khám thì nay tăng lên 2.000 bệnh nhi. Chủ yếu trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp…
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, (Bệnh viện Nhi Trung ương), những trẻ đến khám phần lớn mắc các bệnh về hô hấp, dị ứng và các bệnh lây truyền (như sốt, quai bị, thủy đậu…). Nhưng nhóm có số lượng đông hơn cả là mắc bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm họng, viêm thanh quản cấp, viêm tai giữa (50% trẻ viêm mũi họng là bị viêm tai giữa).
Bên cạnh đó là nhóm trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp dưới cũng chiếm số lượng lớn, biểu hiện là viêm thanh quản cấp, viêm phế quản, viêm phế quản phổi; thời tiết chuyển giao giữa mùa hè và mùa thu với hình thái ngày nóng, đêm mát, se lạnh cũng dễ khiến trẻ bị sốt vi-rút. Đây cũng là thời điểm dịch cúm vào mùa.
Đó là các bệnh thông thường ở trẻ nhưng nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng đáng tiếc. Ví dụ như bệnh cúm, thông thường chỉ sau 3-5 ngày sẽ khỏi. Tuy nhiên, cúm cũng có thể gây viêm phổi, viêm phổi bội nhiễm ở trẻ nếu như điều trị không đúng cách.
Đặc biệt, cũng có trường hợp do cha mẹ quá chủ quan khi nghĩ đây là bệnh thông thường nên tự điều trị bằng cách tự mua thuốc hoặc mượn đơn thuốc của trẻ khác, thậm chí khi thấy bệnh tình của trẻ không thuyên giảm thì… tăng liều thuốc kháng sinh lên gấp đôi so với liều bác sĩ đã kê với hi vọng trẻ sẽ nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến bệnh tình trở nên nặng hơn và việc điều trị lúc này gặp nhiều khó khăn-bác sĩ Nguyễn Văn Lộc cảnh báo.
Trường hợp một bệnh nhi vừa được điều trị khỏi tại Bệnh viện Nhi Trung ương là một ví dụ. Bệnh nhi này được bố mẹ cho dùng kháng sinh kéo dài cả tháng nhưng vẫn không thuyên giảm. Khi đến khám tại bệnh viện thì cơ thể bệnh nhi này đã kháng nhiều loại thuốc. Kết quả lấy xét nghiệm kháng sinh đồ từ dịch họng bệnh nhân cho thấy, chỉ có 2/20 loại kháng sinh còn tác dụng với phế cầu khuẩn này. Phải mất đến năm ngày được các bác sĩ truyền kháng sinh thích hợp, bệnh nhân mới dần thuyên giảm và phục hồi sức khỏe.
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh viêm đường hô hấp, cúm, sốt vi-rút đều có triệu chứng chung là sốt, ho, nôn, đau họng… nên rất khó phân biệt. Để tránh những biến chứng đáng tiếc, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám khi có các biểu hiện: Sốt, đau mỏi cơ thể, đau cơ, ho kèm chảy nước mũi. Nếu trẻ bị sốt, nước mũi chuyển sang màu xanh, nâu thì đó là biểu hiện của nhiễm trùng.
Đặc biệt, khi trẻ sốt cao li bì kèm theo ho và chảy nước mũi nhiều, nôn nhiều, bỏ ăn, đi ngoài phân lỏng/ra máu… cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần quan tâm đến các biện pháp phòng ngừa bệnh cho trẻ bằng cách giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt, ăn uống; thường xuyên vệ sinh đồ chơi, bàn ghế, phòng học. Hướng dẫn trẻ thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh… đảm bảo chế độ dinh đưỡng đầy đủ, cân bằng để tăng sức đề kháng cho trẻ. Khi ở lớp học có trẻ bị sốt, ho thì cho nghỉ học và cách li với những trẻ khác để tránh lây lan bệnh.
Theo Pháp luật & xã hội