Cập nhật: 02/11/2010 15:45:42 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau lũ, lụt rất nhiều bùn lầy, đất, cát và vô số chất thải từ con người đến các loại động vật làm cho môi trường hết sức bị ô nhiễm kèm theo sức đề kháng của con người cũng bị giảm sút do dinh dưỡng thiếu hụt làm cho bệnh tật xuất hiện.

Trong vô vàn các loại bệnh có thể xuất hiện thì cần đề phòng bệnh uốn ván do giẫm phải đinh, gai, xây xước, tai nạn trong cứu hộ và lao động. Uốn ván là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có tỷ lệ tử vong rất cao do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván cực kỳ mạnh. Tuy vậy bệnh uốn ván có thể đề phòng được.

 

Một số yếu tố nguy cơ cao gây bệnh uốn ván trong vùng bão lụt

 

Vi khuẩn uốn ván đặc biệt là nha bào của vi khuẩn uốn ván có khắp nơi trong đất cát, bụi, phân gia súc (trâu, bò, ngựa, cừu...) và cả phân của các loại gia cầm. Vi khuẩn uốn ván và nha bào của chúng cũng có khả năng tồn tại một thời gian dài trong bùn và các loại rác thải có trong bùn (đinh, gai, mảnh kim loại...). Những người khi lao động, cứu hộ ở vùng lũ lụt nếu bi xây xước cơ thể gây chảy máu nhất là vết  thương sâu, kín, có nhiều ngóc ngách hoặc dập nát nhiều thì càng nguy hiểm bởi vì đó là môi trường hết sức thuận lợi cho vi khuẩn uốn ván phát triển (do vi khuẩn uốn ván là vi khuẩn kỵ khí tuyệt đối nghĩa là không cần không khí chúng vẫn phát triển rất tốt). Mọi người đều có thể mắc bệnh uốn ván không phân biệt tuổi tác, giới tính, đặc biệt là những ai chưa có miễn dịch (kháng thể) chống vi khuẩn uốn ván, ví dụ như những người chưa được tiêm vaccin phòng chống bệnh uốn ván bao giờ hoặc đã quá thời gian tiêm nhắc lại vaccin phòng bệnh uốn ván (nguyên tắc là sau từ 5 - 10 năm cần tiêm nhắc lại một liều) mà chưa tiêm nhắc lại.

 

Biểu hiện lâm sàng điển hình của bệnh uốn ván

 

Bệnh uốn ván là bệnh thuộc hệ thần kinh trung ương do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván sau khi vào máu chúng đến gắn chặt vào thần kinh trung ương nhất là hệ thần kinh vận động. Bệnh thường khởi phát sau từ 3 - 14 ngày, trung bình khoảng 7 ngày kể từ khi có vết thương (vết thương sâu, kín thì có thể nhanh hơn). Biểu hiện toàn thân là tăng trương lực cơ và gây co cứng. Lúc đầu thể hiện nói khó, cứng  hàm, co kéo các cơ mặt làm cho bộ mặt biến dạng (dạng mặt khỉ). Tiếp đến là cứng hoặc co các cơ cổ, vai, lưng rồi đến các cơ bụng, các chi tạo nên một tư thế người bị uốn cong, gót chân, mông, bả vai và gáy thì tì mạnh xuống giường  trong khi đó thì ngực, bụng uốn cong lên. Mỗi một khi có sự kích thích là lên cơn co cứng (tiếng động, tiếng ồn hoặc tác động tinh thần...). Người bệnh có thể bị gãy xương sườn do co kéo cơ liên sườn hoặc chết do nghẹt thở, suy hô hấp do liệt cơ hô hấp. Loại bệnh thể vừa thì thường có cứng hàm, khó thở. Loại nhẹ có thể chỉ biểu hiện cứng hàm, khó nói. Người bệnh cũng có thể bị tăng huyết áp, loạn nhịp tim, sốt cao, vã mồ hôi. Ở thể nặng có thể xuất hiện ngừng tim đột ngột. Những trường hợp nặng, nằm lâu có thể bị loét các vị trí bị tì nhiều mỗi lúc lên cơn co cứng như mông, gót chân, gáy, bả vai...

 

 Biện pháp phòng ngừa bệnh uốn ván trong mùa mưa, lũ

 

Trong mưa lũ nhất là sau mưa lũ, lụt, môi trường sẽ hết sức mất vệ sinh do chất thải đủ các loại làm cho vi khuẩn uốn ván và nha bào của chúng có điều kiện phát tán và gây bệnh mỗi khi có điều kiện. Vì vậy trong lao động, trong công tác cứu hộ phải hết sức tránh không để bị tổn thương nhất là các loại tổn thương sâu, kín, bẩn như giẫm phải đinh, gai, chấn thương phần mềm ở nơi bùn lầy của chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhà vệ sinh, hố xí... Nếu bị tổn thương cần vệ sinh ngay vết thương và rửa sạch vết thương bằng xà phòng nhiều lần, sau đó sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn (nếu có), tránh băng kín vết thương. Người bị nạn hay nhân viên cứu hộ cần đến ngay hoặc gọi cán bộ y tế  để có sự can thiệp kịp thời  như rửa sạch vết thương, cắt lọc vết thương và sát khuẩn bằng các dung dịch như cồn 70 độ hoặc dung dịch bêtadin... Những vết thương sâu, kín, bẩn nếu có điều kiện nên được tiêm kháng huyết thanh chống vi khuẩn uốn ván (SAT) và cho người bị nạn uống thuốc kháng sinh hoặc tiêm kháng sinh theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Những vùng có nguy cơ lũ, lụt thường hay xảy ra cần đặc biệt quan tâm đến việc tiêm phòng vaccin uốn ván cho các đối tượng theo đúng lịch (trẻ em, phụ nữ đang mang thai) và cần tuyên truyền, phổ biến cho  mọi người  tiêm nhắc lại vaccin phòng bệnh uốn ván  nếu đã đến thời gian tiêm nhắc lại từ khoảng 5 - 10 năm sau khi đã tiêm vaccin lần thứ nhất, đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc bệnh uốn ván. Những vùng đã có lũ lụt đang hoặc đã xảy ra cán bộ y tế cơ sở nên nhắc nhở thường xuyên mọi người dân không được chủ quan với bệnh uốn ván vì khi đã mắc bệnh uốn ván thì có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được chẩn đoán sớm và chữa trị kịp thời. Cần vệ sinh sạch sẽ môi trường sống như  nạo vét các chất thải, chất bùn, khơi thông cống rãnh để tránh ứ đọng không cho vi khuẩn và nha bào uốn ván phát triển.    

 

 

 

Theo SK & ĐS Online

Tệp đính kèm