Cập nhật: 06/07/2011 19:04:18 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vàng da không đơn thuần chỉ là da có màu vàng mà niêm mạc hoặc kết mạc mắt cũng có thể bị vàng theo. Vàng da tuy không phải là bệnh, nó chỉ là một triệu chứng, tuy vậy khi có dấu hiệu vàng da có thể liên quan đến nhiều loại bệnh khác nhau. Vàng da không chỉ gặp ở trẻ em mà có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Trong bài này chỉ đề cập đến vàng da do bệnh lý gan mật ở người trưởng thành.

Bệnh gan, mật nào gây vàng da?

 

Người trưởng thành bị vàng da trong các bệnh về gan, mật là do cản trở sự bài tiết sắc tố mật (bilirubin), làm cho lượng sắc tố mật trong máu tăng lên. Như vậy khi gan hay đường dẫn mật bị viêm hoặc có những bất thường khác của tế bào gan và đường dẫn mật (bao gồm cả túi mật) đều làm cho lượng sắc tố mật trong máu tăng lên gây nên hiện tượng  da, niêm mạc (kể cả kết mạc mắt) nhuộm màu vàng của sắc tố mật vì vậy chúng có màu vàng. Đối với gan, mọi tác động vào tế bào gan dù là viêm gan cấp tính hay mạn tính, xơ gan hay ung thư gan đều làm tổn thương tế bào gan. Các bệnh viêm gan cấp tính do virut (virut viêm gan A, B, C, E, D…) thường có biểu hiện vàng da rất điển hình. Ngoài hiện tượng vàng da thì niêm mạc lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc lưỡi và kết mạc mắt cũng vàng. Đi kèm với hiện tượng vàng da là phân bạc màu (nhiều trường hợp phân trắng như phân cò), nước tiểu ít và sẫm màu (giống màu nước vối). Khi gan bị viêm cấp tính thường bị to ra. Khám lâm sàng có thể sờ thấy gan to và siêu âm, chụp Xquang sẽ thấy gan to ra rõ rệt). Đặc biệt là xét nghiệm máu sẽ thấy lượng bilirubin trong máu tăng cao cả 3 loại (bilirubin toàn phần, trực tiếp, gián tiếp) và men gan cả hai loại (AST và ALT) đều tăng cao (trên gấp đôi). Ngoài viêm gan cấp tính do virut còn có các trường hợp viêm gan cấp do rượu, do ngộ độc thuốc (rifamixin, INH, paracetamol…) cũng làm cho tế bào gan bị tổn thương nặng và tăng bilirubin gây vàng da, niêm mạc. Bên cạnh các bệnh làm tế bào gan tổn thương gây vàng da thì nhiều bệnh về đường mật cũng gây vàng da. Các bệnh như sỏi mật, viêm đường mật, u đường mật. Bệnh u đường mật ngoài gan  thường làm cho vàng da tăng dần (vàng da tăng theo tỷ lệ thuận với hiện tượng tắc mật), còn bệnh u đường mật trong gan thì thường vàng da tăng một cách từ từ. Trong các trường hợp sỏi đường mật, viêm đường mật cấp tính thường xuất hiện 3 triệu chứng tương đối tuần tự: đau, sốt, vàng da. Trong các loại nguyên nhân của gan và đường mật làm tổn thương tế bào gan, làm cản trở sự lưu thông của sắc tố mật thì bệnh về tụy tạng, tuy không thuộc hệ thống gan mật nhưng đôi khi cũng làm cản trở sự lưu thông của bilirubin và cũng làm cho hiện tượng vàng da tăng lên có khi vàng da ngày càng đậm như u đầu tụy, đặc biệt là ung thư đầu tụy. Trong các trường hợp vàng da nghi do bệnh về tụy tạng thường phải siêu âm, chụp cắt lớp (CT scanner), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp mật… Bên cạnh đó xét nghiệm sinh hoá máu để xác định bilirubin, men gan và đặc biệt là xác định men amylase.

 

Khi nghi bị vàng da nên làm gì?

 

Khi nghi bị vàng da nên đi khám bệnh, tốt nhất là khám ở cơ sở y tế có đủ điều kiện với lý do là nếu vàng da nhẹ thì rất khó đánh giá, bởi vì người Việt Nam là người “da vàng”. Đánh giá da có bị vàng hay không cũng không nên dùng ánh sáng đèn mà phải quan sát dưới ánh sáng tự nhiên (ánh sáng mặt trời). Đi khám bệnh ngoài khám lâm sàng còn được tiến hành các loại xét nghiệm và các kỹ thuật lâm sàng khác như siêu âm, chụp CT, MRI, chụp đường mật ngược dòng… mới có thể xác định được nguyên nhân để có chỉ định điều trị kịp thời. Tùy theo nguyên nhân sẽ có chỉ định điều trị khác nhau. Khi được điều trị đúng và kịp thời bệnh sẽ giảm và vàng da cũng thuyên giảm theo. Việc điều trị nguyên nhân gây nên vàng da cũng tùy theo từng bệnh, có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc) nhưng trong một số bệnh cần phải can thiệp bằng ngoại khoa (phẫu thuật) mới có thể giải quyết được căn nguyên gây vàng da. Song cũng có những trường hợp không thể điều trị bằng nội khoa hoặc ngoại khoa như viêm gan do virut. Mọi trường hợp viêm gan do virut cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu kể cả Tây y, Đông y và thuốc Nam. Vì vậy cần lưu ý rằng trong khi gan đang tổn thương nặng, tế bào gan đang bị virut tấn công lại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu dùng bất cứ thuốc gì không rõ nguồn gốc, người cho thuốc lại thiếu kiến thức về y học và không theo chỉ định của bác sĩ đều có thể làm tăng thêm sự tổn hại tế bào gan và bệnh sẽ trầm trọng thêm. Để phòng hiện tượng vàng da do bệnh gan, mật gây ra, tránh bị mắc các bệnh về gan thì cần tiêm phòng vaccin viêm gan, ăn uống hợp vệ sinh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không nên uống các loại rượu kém chất lượng như rượu tự nấu, rượu tự pha chế. Nếu mắc các bệnh về đường mật (kể cả bệnh túi mật) cần được điều trị dứt điểm. Để làm tốt việc này thì người bệnh cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ. Những vùng đang có bệnh sốt rét lưu hành cần đề phòng muỗi đốt (cần nằm màn một cách tuyệt đối, nếu màn được tẩm hoá chất diệt muỗi thì càng tốt); dùng mọi biện pháp để tiêu diệt bọ gậy (lăng quăng) và muỗi trưởng thành để tránh mắc bệnh sốt rét vì hậu quả của nó có thể đưa đến xơ gan. Nên tẩy giun định kỳ để tiêu diệt giun và trứng giun, nhất là loại giun đũa để tránh hậu quả sỏi mật do giun chui ống mật.

 

Sắc tố mật là gì?

 

Những sắc tố được tiết ra trong dịch mật là những sản phẩm phân huỷ của hemoglobin. Khi hemoglobin phân huỷ thì phần globin (tức phần protein) sẽ thành axit amin, phần pophirin (phần nhân hem) sẽ tạo ra các sắc tố mật. Sắc tố đầu tiên là biliveđin có màu lục, dễ bị khử thành sắc tố nâu đỏ bilirubin. Trong người, phần bilirubin là chủ yếu, còn biliveđin chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Biliveđin và bilirubin bị enzim biliverđinreductaza xúc tác, khử từ hem của các tế bào lưới nội mô trong gan, lách và tuỷ xương. Các sắc tố chuyển đến gan và tiết vào dịch mật. Ở ruột non, bilirubin bị biến đổi hoá học tiếp tục thải ra ngoài qua phân.

 

 

PGS.TS. Bùi Khắc Hậu

Theo SK & ĐS Online

Tệp đính kèm