Cập nhật: 10/09/2011 10:24:48 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ xương như một cái khung để nâng đỡ cơ thể, chịu lực khi vận động. Trong bộ xương, cột sống gồm các đốt hợp lại, dễ bị gù vẹo do thói quen xấu khi ngồi học hay sinh hoạt.

Nhân dịp khai giảng năm học mới, báo Sức khỏe và Đời sống giới thiệu bài viết dưới đây giải đáp giúp bạn đọc bí ẩn của cột sống và biện pháp tránh cho con em chúng ta khỏi bị gù vẹo cột sống.

 

Hậu quả do cột sống bị gù vẹo

 

Trọng tâm thân thể lệch thì ngồi lâu sẽ bị mệt mỏi, học khó vào. Gù vẹo cột sống gây biến dạng lồng ngực thì tim, phổi bị chèn ép dẫn đến cản trở tuần hoàn, hô hấp khó khăn nên trẻ bị thiếu oxy, chậm lớn, còi cọc, cơ lực bị giảm sút. Trẻ thường bị đau lưng, các đốt sống mòn vẹt, thoái hoá, xơ cứng. Lớn lên, các em bị lệch người, vừa yếu vừa có thân thể vẹo lệch không đẹp. Người bị gù vẹo cột sống thường yếu, không đủ sức khỏe công tác, lao động và học tập trong các ngành nghề ở bậc đại học.

 

Khám phá bí ẩn của xương sống

 

Cột sống vừa có chức năng nâng đỡ trọng lượng cơ thể, là điểm tựa cho đầu, mình và tứ chi, vừa phải bảo vệ an toàn bó dây thần kinh từ não đi xuống và tỏa ra từ các khe đốt sống để chỉ huy mọi hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Vì phải đảm bảo các chức năng quan trọng như thế nên cột sống phải được cấu tạo bởi nhiều đốt sống hợp lại. Xương sống được cấu tạo bởi 33 đốt sống, được đệm giữa bằng những đĩa sống có tính đàn hồi, có tác dụng chống ma sát và giảm xóc khi lao động, đi lại, chạy nhảy… Bình thường, sức nặng của cơ thể ở tư thế đứng thẳng tác động uốn cột sống cong theo chiều trước sau thành hình chữ S khi nhìn nghiêng (nếu nhìn chính diện thấy cột sống vẫn thẳng). Nhờ cột sống uốn cong như vậy nó trở nên mềm dẻo, cử động dễ dàng, chịu được trọng tải nặng, cường độ vận động mạnh. Ở trẻ sơ sinh, cột sống tương đối thẳng nhưng khi bé biết ngẩng đầu, đoạn cột sống cổ cong ra trước để đỡ đầu. Khi trẻ biết ngồi, cột sống lại hình thành đoạn cong ngực. Các đoạn cong ở cổ và ngực ổn định lúc 7 tuổi. Đến lúc trẻ biết đứng và đi, cột sống đoạn hông cong ra trước còn đoạn sống cùng - cụt cong ra sau. Đoạn cong thắt lưng đến 12 tuổi mới hoàn thành. Cột sống cong như vậy, gọi là đường cong sinh lý. Giống như hộp sọ bảo vệ bộ não, cột sống tạo thành cái ống xương rắn chắc bảo vệ tuỷ sống từ não đi xuống. Giữa khe các đốt sống, các rễ thần kinh chui ra tua tủa tạo thành một mạng lưới điều khiển mọi hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

 

Do đâu cột sống dễ vẹo?

 

Trẻ em đang lớn, các đốt sống và gân cơ, dây chằng còn non yếu nên cột sống rất dễ uốn vặn, vẹo, lệch. Bộ xương trẻ em đang trong quá trình phát triển, dần dần sụn mới đắp vôi thành xương cứng cáp. Vì vậy ở lứa tuổi này, xương dẻo nhưng mềm, dễ cong vẹo. Nếu trẻ không giữ tư thế ngay ngắn khi ngồi học, khuôn xương đang đúc sẽ cong vẹo theo tư thế xấu, đến khi lớn lên xương rắn lại rồi thì không sửa được nữa mà thành cố tật gù vẹo. Do dùng bàn ghế không hợp lứa tuổi vừa gây vẹo cột sống vừa gây cận thị mắt. Ở các trường học có tình trạng: cùng một loại bàn ghế học tập, sáng lớp 8 ngồi, chiều lớp 6 ngồi thì học sinh dễ bị tật cột sống. Học sinh nhỏ mà ngồi bàn ghế cao thì bị lút tận cổ, phải vươn lệch vai, phải dí sát mắt vào trang sách, có em đứng hay quỳ mà viết nên vừa vẹo xương sống, vừa cận thị. Ở nhà, bàn ghế cho các em học cũng đủ kiểu: có em ngồi học trên giường, có em phải ngồi bệt xuống đất, ngồi trên chõng tre, hoặc lấy ghế ngồi làm bàn học... Vì vậy dạng cong xương sống hình chữ S được gặp nhiều ở các em ngồi bàn cao và hay nghiêng ngó về bên trái. Một số bạn khác thì bị gù lưng vì ngồi bàn thấp quá, ngực bẹp do tì vào mép bàn. Do gồng gánh quá sớm, gánh không trở vai; do xách nước một bên tay thuận, do ảnh hưởng của các bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, bại liệt, lao cột sống, hen… cũng làm gù vẹo cột sống.

 

Làm gì để tránh tật gù vẹo cột sống?

 

Muốn tránh tật gù vẹo cột sống cho con em chúng ta, cần kết hợp nhiều biện pháp như sau: sử dụng bàn ghế phù hợp với từng lứa tuổi học sinh: bàn cao bằng 46% chiều cao cơ thể; ghế cao bằng 27%; ánh sáng trong lớp học phải từ 50lux trở lên. Thầy cô giáo cần hướng dẫn học sinh ngồi ngay ngắn: ngồi với 4 điểm tựa là hai bàn chân áp mặt đất, mông và 2/3 đùi đặt trên ghế, lưng thẳng tựa vào thành ghế, cẳng tay đặt trên bàn. Mắt cách mặt trang sách từ 25-30cm. Ngồi học như thế trọng lượng cơ thể phân phối đều ở các điểm tỳ tựa, bắp thịt được thư giãn, tuần hoàn và hô hấp thuận lợi, cơ thể thoải mái, trí tuệ tập trung chất lượng học tập sẽ tốt nhất. Các bậc phụ huynh cần tạo cho con em mình góc học tập với bàn ghế phù hợp theo lứa tuổi từng năm học, đủ ánh sáng, nhất là ánh sáng tự nhiên để bảo vệ cột sống và mắt cho các em. Cần tránh cho trẻ em phải lao động nặng sớm, nhất là gánh, xách  hay đội nặng. Các em cần tiêm chủng đầy đủ để phòng các bệnh lao, bại liệt… vừa ảnh hưởng sức khỏe và cột sống của các em. Học sinh cần tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, kết hợp các bài thể dục chính khóa để phát triển thể chất và nâng cao sức khỏe của cơ thể và cột sống làm cho cột sống mềm dẻo, vững chắc và có tác dụng chỉnh lại tư thế cong vẹo cột sống. 

 

 

Theo ThS.Phạm Phú Vinh/SK & ĐS Online

 

Tệp đính kèm