Hiện nay, bệnh tay - chân - miệng (TCM) không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ mà người lớn cũng bị nhiễm bệnh này. Mặc dù chưa phải là đỉnh của mùa dịch năm nay nhưng 61/63 tỉnh, thành phố đã có ca nhiễm TCM với tổng số ca tích lũy từ đầu năm đến nay là 66 nghìn ca mắc, 119 ca tử vong. Bộ Y tế cũng vừa có công văn hỏa tốc gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống dịch và giảm tử vong do TCM.
Căn nguyên gây bệnh là các virut đường ruột thuộc nhóm Coxsackievirus và Enterovirus 71 (EV71), trong đó nhóm EV71 thường gây các biến chứng thần kinh và dễ bùng phát thành dịch, còn nhóm Coxsakieviruses từ B1 đến B5 thường gây các biến chứng đau ngực và viêm cơ tim. Các biến chứng này thường gây tử vong cao và diễn tiến rất nhanh, có thể trong 24 giờ.
Cần giáo dục cho trẻ thói quen vệ sinh tay để phòng ngừa bệnh TCM.
Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện tại, thầy thuốc chỉ có thể điều trị triệu chứng: theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị tích cực biến chứng. Do vậy, để ngăn chặn, phòng tránh bệnh lây truyền, biện pháp chính vẫn là phòng bệnh. Vệ sinh tay và tích cực thực hiện vệ sinh tay vì một cuộc sống tốt đẹp và thiết thực ngăn ngừa bệnh TCM trong mùa dịch như thông điệp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Vì sự sống, hãy vệ sinh tay.
Trên bàn tay có các vùng mà nếu không để ý khi vệ sinh tay chúng ta hoàn toàn có thể bỏ qua như các kẽ ngón tay, các đầu ngón tay hay ngón tay cái. Vệ sinh tay đúng nhằm không để sót các vùng “kín đáo” trên bàn tay. Quy trình vệ sinh tay thường quy do Bộ Y tế ban hành đang được các cơ sở y tế áp dụng là quy trình có tính ưu việt có thể khắc phục được nhược điểm mà việc rửa tay thông thường có thể gặp.
Phát động chiến dịch vệ sinh tay như thế nào?
Từ hộ gia đình, cơ quan, trường học, cơ sở y tế, khu vực công cộng cần được trang bị đầy đủ và sẵn có các phương tiện vệ sinh tay. Các phương tiện vệ sinh tay bao gồm: bồn rửa/chậu rửa được thiết kế phù hợp (vừa tầm cho trẻ em nếu ở trường học, nhà trẻ); nước sạch; xà phòng (dung dịch xà phòng nếu có điều kiện); khăn khô sạch hoặc giấy lau tay; hộp đựng giấy/khăn sạch; thùng/sọt thu gom khăn/giấy sau khi sử dụng. Phương tiện vệ sinh tay đầy đủ, sẵn có là điều kiện tiên quyết để kêu gọi hưởng ứng việc vệ sinh tay.
Phổ biến quy trình, phát động các chiến dịch hưởng ứng vệ sinh tay. Các cơ sở y tế tiếp tục thực hiện chiến dịch tuân thủ vệ sinh tay theo tinh thần Thông tư 18/TT-BYT ngày 14/10/2009 của Bộ Y tế và chiến dịch vệ sinh tay toàn cầu do WHO phát động. Các cơ quan trường học tập huấn, phổ biến quy trình vệ sinh tay, có chương trình, nội dung và quy chế kêu gọi hưởng ứng vệ sinh tay. Các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, hướng dẫn và kêu gọi vệ sinh tay trong cộng đồng. Bằng các hoạt động đồng bộ, vệ sinh tay sẽ sớm trở thành một nét văn hóa đẹp có ý nghĩa thực tiễn trong cộng đồng.
Các biện pháp phòng ngừa
tăng cường cùng với vệ sinh tay
Cùng với vệ sinh tay để tối đa hiệu quả phòng ngừa bệnh TCM, các biện pháp phòng ngừa tăng cường đóng vai trò hết sức quan trọng như đề cập dưới đây:
Nhận biết sớm, điều trị kịp thời và quản lý tốt ca bệnh TCM nhằm hạn chế thời gian người bệnh “thải” căn nguyên gây bệnh ra môi trường, hạn chế tạo phơi nhiễm mới. Các biện pháp cụ thể bao gồm tích cực điều trị, chăm sóc, dinh dưỡng cho người bệnh; xử lý tốt chất thải, xử lý chất thải người bệnh trong các cơ sở y tế theo quy định; cho bệnh nhân mang khẩu trang khi ho, hắt hơi.
Vệ sinh tốt các bề mặt, sàn nhà khu vực bệnh viện, trường học, nơi công cộng bằng dung dịch xà phòng có chất sát khuẩn.
Vệ sinh thường xuyên đột xuất các dụng cụ, đồ chơi của trẻ ở các nhà trường bằng dung dịch xà phòng có chất sát khuẩn.
Hiện nay, bệnh TCM vẫn chưa có vaccin phòng bệnh, cách tốt nhất để không mắc bệnh là phòng bệnh thật tốt. Vệ sinh cá nhân, đặc biệt là rửa tay với xà phòng có chất sát khuẩn là biện pháp đơn giản, kinh tế nhưng hiệu quả nhằm ngăn ngừa lây truyền bệnh.
Ths. Lê Anh (BV Nhi TW)/ SK&ĐS