Cập nhật: 26/10/2011 16:00:28 Article Rating
Xem cỡ chữ

Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là bệnh khớp mạn tính thường gặp nhất trong số các bệnh khớp viêm. VKDT gây mất chức năng vận động của khớp, khiến bệnh nhân nhanh chóng trở nên tàn phế với nhiều biến chứng và ảnh hưởng đến tuổi thọ của bệnh nhân.

 Khoảng 0,3% - 1% dân số trưởng thành trên toàn thế giới bị viêm khớp dạng thấp, nữ có tần suất mắc cao hơn 2 - 3 lần nam và tăng theo tuổi. Ở Việt Nam, với đặc trưng khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều nên có nhiều người mắc VKDT.

 

Nguyên nhân và biểu hiện của VKDT

 

Nguyên nhân gây VKDT hiện vẫn chưa được xác định nhưng nhiều nghiên cứu cho rằng VKDT là bệnh tự miễn với nhiều yếu tố ảnh hưởng như môi trường, yếu tố cơ địa, di truyền, hoặc yếu tố hormon. Tuy nhiên các triệu chứng điển hình khi mắc bệnh đã được ghi nhận để giúp người bệnh nhận biết khi mắc bệnh. Cụ thể:

 

Người bệnh thấy sưng, đau các khớp nhỏ đối xứng ở tay và chân, thường đau nhiều về đêm hay gần sáng. Cứng khớp buổi sáng. Các hoạt động thường ngày như đánh răng, chải đầu có thể rất khó khăn vào sáng sớm và thường phải xoa bóp làm nóng để các khớp có thể cử động được. Cứng khớp thường kéo dài hơn một giờ. Tình trạng viêm khớp diễn biến kéo dài, có những đợt tiến triển cấp tính và có xu hướng tăng dần.

 

Bên cạnh đó là các triệu chứng toàn thân, gồm: Mệt mỏi, sụt cân, thỉnh thoảng sốt nhẹ, cũng như biểu hiện về tim mạch và các cơ quan khác

 

Bệnh làm giảm tuổi thọ...

 

Lâu nay, viêm khớp dạng thấp vẫn được coi là bệnh mạn tính, không ảnh hưởng đến tuổi thọ. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy, đời sống của những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp nặng thường bị rút ngắn khoảng 7 năm với nam và 4 năm với nữ. Nguyên nhân tử vong thường liên quan đến một số bệnh cùng mắc, như bệnh xơ vữa động mạch, nhiễm khuẩn và các bệnh ác tính.

 

…và tỷ lệ tàn phế cao

 

Đây là bệnh không gây tử vong ngay nhưng lại gây tàn phế rất cao. Sự giảm sút khả năng lao động xuất hiện ngay trong năm đầu tiên mắc bệnh. Sau 5 năm mắc bệnh thì chỉ 40% bệnh nhân còn chức năng bình thường, 16% bị mất chức năng nghiêm trọng, mắc bệnh trên 10 năm thì 40% - 60% số bệnh nhân mất khả năng làm việc. Nguyên nhân là do hiện tượng viêm màng hoạt dịch ăn mòn ở các khớp ngoại biên, đối xứng, diễn biến kéo dài, tiến triển từng đợt có xu hướng tăng dần, dẫn đến tổn thương sụn khớp, ăn mòn xương gây biến dạng khớp không hồi phục, dính khớp, mất chức năng hoạt động của khớp. Từ đó làm giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

 

Chưa nhận thức đúng về bệnh

 

VKDT là bệnh khớp nguy hiểm, nhiều người mắc, nhưng do chưa nhận thức đúng về bệnh, khi thấy đau khớp, người bệnh thường coi đó chỉ là các hiện tượng nhức mỏi khớp thông thường, do thời tiết, do lao động nặng... mà không đi khám để được phát hiện bệnh kịp thời. Chính điều này làm cho cơ hội có thể can thiệp điều trị nhằm bảo toàn chức năng vận động của khớp bị bỏ qua, khiến sụn khớp bị tổn thương, hiện tượng hủy xương dưới sụn gây dính khớp, biến dạng khớp không hồi phục, dẫn đến mất chức năng hoạt động của khớp.

 

Cần phát hiện sớm

 

Viêm khớp dạng thấp diễn biến từng đợt, ở giai đoạn đầu, nếu được phát hiện sớm và chữa trị tích cực, đúng cách, bệnh có thể diễn biến tốt. Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn hai, xuất hiện tổn thương ở sụn khớp và đầu xương, người bệnh có nguy cơ bị biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp và mất khả năng vận động của khớp.

 

Việc điều trị thuốc không đúng, đặc biệt là lạm dụng các thuốc điều trị triệu chứng như các chế phẩm có corticoid, khiến cho bệnh nhân có thể có rất nhiều tai biến (tổn thương dạ dày, tá tràng, tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, nhiễm khuẩn, suy thượng thận...).

 

Quan trọng nhất là phòng bệnh

 

Về điều trị, hiện vẫn chưa có biện pháp chữa trị bệnh VKDT. Vì vậy, mục đích cao nhất của điều trị hiện nay là đạt được sự lui bệnh về lâm sàng, giảm đau, giảm các triệu chứng khó chịu, ngăn ngừa các biến dạng và giữ gìn các chức năng bình thường của khớp, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

 

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý mạn tính và bị tác động nhiều bởi yếu tố thời tiết. Vào mùa đông - xuân, thời tiết lạnh và ẩm làm cho bệnh trầm trọng hơn, đặc biệt những hôm trời có mưa phùn, các khớp dễ bị sưng tấy, đau đớn. Những người bị viêm khớp dạng thấp tuyệt đối không được ra ngoài khi trời lạnh kèm theo mưa phùn.

 

Trong tình huống bắt buộc phải đi ra ngoài, phải đi tất ấm và dùng áo đi mưa để tránh bị nước mưa dính vào người. Khi về nhà, nếu quần áo bị ẩm, cần thay ngay và lau khô người, chân tay.

 

Người bệnh cũng nên phối hợp dùng thuốc và luyện tập, xoa bóp để khớp được vận động linh hoạt. Nhưng tuyệt đối không được tập quá cường độ, tác động mạnh đến khớp để tránh nguy cơ gây thoái hoá khớp do khớp đã có những tổn thương.

 

 

Theo Bác sĩ Trần Quốc Ninh/

SK & ĐS Online

Tệp đính kèm