Nguy cơ xuất hiện phản ứng có hại của thuốc (Adverse Drug Reaction - ADR) là hậu quả không thể tránh khỏi khi dùng thuốc, có rất nhiều nguyên nhân làm xuất hiện ADR, trong đó có một nguyên nhân cần phải nhắc tới đó là tương tác giữa các thuốc với nhau. Đặc biệt là loại thuốc bổ sung hàng ngày lại đang ít được quan tâm.
Vitamin A
Vitamin A là dạng vitamin tan trong dầu, có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể giúp tế bào thực hiện hoạt động sao chép bình thường, cần thiết cho sức khỏe thị giác, giúp các tế bào trong một loạt cấu trúc của mắt luôn khỏe mạnh. Ngoài ra, nó còn rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển bình thường của phôi thai và thai nhi, cần thiết cho chức năng sinh sản.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nếu như sử dụng không đúng cách, chúng ta sẽ gặp phải những tác dụng bất lợi của vitamin A mà điển hình là tình trạng viêm gan cấp hoặc mạn do dùng liều cao kéo dài, đặc biệt với trẻ em. Ở trẻ em, có hai lý do dễ dẫn tới ngộ độc vitamin A, đó là trẻ đang uống sữa công thức (bởi vì bản thân trong sữa công thức mà bé đang dùng đã có một lượng vitamin A phù hợp) và trẻ được bà mẹ cho uống các loại vitamin bổ sung khác mà không biết trong thuốc bổ sung này cũng có lượng vitamin A. Tất cả tình huống này nếu tiếp tục bổ sung mà không có ý kiến của bác sĩ sẽ dẫn tới tình trạng tích tụ vitamin A trong gan.
Cần lưu ý một số tương tác thuốc có thể xảy ra như dùng vitamin A với các thuốc hạ huyết áp có thể làm tăng tác dụng của các thuốc này và dẫn tới hạ huyết áp quá mức; dùng vitamin A cùng thuốc tránh thai sẽ làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai; dùng vitamin A với thuốc chống đông sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu.
Vitamin D
Vitamin D là một vitamin có vai trò hết sức quan trọng đối với cơ thể người. Tuy vậy, uống nhiều vitamin D quá không tốt cho cơ thể, thậm chí là gây nguy hại. Dùng vitamin D liều cao dài ngày gây tích lũy thuốc, làm tăng calci trong máu, gây mệt mỏi, chán ăn, nôn, tiêu chảy, đau nhức xương khớp. Ngoài ra còn có thể gây tổn thương thận, tăng huyết áp.
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ rất nhạy cảm với sự thừa vitamin D. Trẻ em dưới 1 tuổi cho ăn các hỗn hợp thay thế sữa mẹ có bổ sung vitamin D ở liều không thích hợp với lứa tuổi có thể bị thừa vitamin này. Việc bổ sung thường xuyên vitamin D với liều> 400 IU/ngày cho trẻ dưới 1 tuổi khỏe mạnh làm tăng canxi trong máu, thậm chí còn có thể gây suy thận và tử vong. Trẻ nhỏ bị ngộ độc vitamin D sẽ biếng ăn, buồn nôn và ói mửa. Trẻ luôn khát nước và tiểu nhiều. Ngộ độc vitamin D ở trẻ thường do cha mẹ tùy tiện cho uống dài ngày các loại thuốc bổ sung vitamin và chất khoáng, trong đó có chứa vitamin D liều cao hoặc cho trẻ uống cùng lúc các loại thuốc có chứa vitamin D.
Ngoài ra cần lưu ý, vitamin D có thể làm giảm hiệu quả của thuốc làm hạ cholesterol khi cùng sử dụng. Dùng vitamin D liều cao cùng với một loại thuốc lợi tiểu có thể dẫn đến tăng đào thải calci qua nước tiểu dẫn tới sỏi thận.
Calci
Calci là chất cần thiết cho sự phát triển của bộ xương. Tuy nhiên, khi bổ sung calci cần lưu ý: để calci hấp thụ tốt cần phải có vitamin D, vitamin D có nhiều trong bơ, sữa, trứng, gan... tắm nắng là nguồn cung cấp vitamin D quan trọng cho cơ thể.
Bên cạnh các ưu điểm, khi bổ sung calci cần hết sức lưu ý, chia nhỏ liều và uống với nhiều nước; nếu sử dụng cùng các thực phẩm bổ sung khác cũng có calci sẽ dễ dẫn tới nguy cơ gây táo bón hoặc dễ kết tủa gây sỏi thận. Đặc biệt với những người đang bổ sung calci mà có chế độ ăn nhiều đạm sẽ làm gia tăng lượng bài tiết calci qua nước tiểu và do đó dẫn tới sỏi thận. Ngoài ra, nếu uống calci mà có sử dụng cafein và nicotin cũng là một tác nhân làm tăng lượng thải calci qua đường nước tiểu.
Lưu ý: Calci có thể làm giảm sự hấp thu của cơ thể đối với nhiều loại thuốc, bao gồm cả thuốc theo toa loãng xương được gọi là bisphosphonates, thuốc kháng sinh tetracycline fluoroquinolone và levothyroxine.
Nếu không cẩn thận khi dùng calci chung với các loại thuốc khác, bạn có thể bị sỏi do các thuốc tác dụng với nhau gây kết tủa.
Chính vì sự “lợi bất cập hại” như trên, nên khi sử dụng thuốc để điều trị, phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của thuốc để lựa chọn thuốc phù hợp với đặc điểm bệnh nhân và tình trạng bệnh tật. Nếu hiểu biết đầy đủ về thuốc sử dụng, đặc điểm người bệnh và các yếu tố ảnh hưởng làm tăng nguy cơ ADR thì có thể hạn chế được ADR. Tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc, chỉ dùng thuốc khi có ý kiến của bác sĩ.
Theo ThS.Nguyễn Bạch Đằng
SK&ĐS Online