Mỗi năm vào mùa tựu trường, hàng triệu trẻ em trên cả nước bắt đầu ngày đầu tiên đi học. Bên cạnh những mừng vui đưa con trẻ đến trường, nhiều bậc phụ huynh còn những băn khoăn về những bệnh trẻ có thể mắc phải khi đi học. Các chuyên gia y tế dành cho quý phụ huynh những lời khuyên bổ ích để bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho các con.
Bệnh nhiễm trùng tiểu
Bệnh nhiễm trùng tiểu rất thường gặp ở trẻ em lứa tuổi bắt đầu đi học. Theo thống kê chung, bệnh đứng hàng thứ ba sau bệnh nhiễm trùng hô hấp và bệnh tiêu hóa. Nhiễm trùng tiểu xảy ra ở trẻ gái nhiều hơn trẻ trai khi đi học, nguyên nhân thường do lạ chỗ làm trẻ nín tiểu, uống ít nước, không vệ sinh sạch sẽ sau khi đi tiểu. Do thường tái phát nhiều lần, nên bệnh có thể đưa đến những biến chứng nặng nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng tiểu thường mơ hồ và dễ bị bỏ qua như: sốt kéo dài, biếng ăn, nôn ói, tiêu chảy hay chỉ là chậm lớn, không tăng cân. Nếu để ý sẽ nhận thấy trẻ có tình trạng rối loạn đi tiểu như: tiểu đau, tiểu lắt nhắt, tiểu dầm, tiểu khó hay tiểu són trong quần kéo dài. Màu sắc nước tiểu thay đổi trở nên đỏ, đục hoặc có mùi hôi. Khi phát hiện các dấu hiệu này cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và làm xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán bệnh.
Để phòng ngừa nhiễm trùng tiểu ở trẻ đi học, cần có sự phối hợp giữa các bậc phụ huynh và nhà trường để trẻ có thể đi vệ sinh thoải mái như ở nhà. Các bậc phụ huynh và cô nuôi dạy trẻ cần khuyến khích trẻ uống nhiều nước và không nhịn tiểu. Cho trẻ mặc quần áo có độ rộng vừa phải, chọn vải thấm nước để tránh ẩm ướt. Hướng dẫn trẻ vệ sinh đường tiểu đúng: trẻ gái lau rửa vùng hậu môn – sinh dục theo kiểu từ trước ra sau để tránh đưa những vi khuẩn gây bệnh từ hậu môn vào đường tiểu. Trẻ trai thường xuyên vệ sinh bao da quy đầu.
Về phía nhà trường, Ban Giám hiệu cần quan tâm xây dựng đủ nhà vệ sinh, sạch sẽ, thông thoáng, thân thiện, ở vị trí thuận lợi để trẻ không cảm thấy sợ hãi, xa lạ. Các cô nuôi dạy trẻ cho phép đi tiểu bất kỳ lúc nào khi trẻ mắc tiểu, giúp trẻ được thay tã lót thường xuyên, đảm bảo vệ sinh đường tiểu cho trẻ tại trường.
Bệnh viêm đường hô hấp trên
Viêm hô hấp trên là bệnh phổ biến nhất ở trẻ em tuổi nhà trẻ - mẫu giáo. Bệnh bắt đầu đột ngột sốt trong vài ngày, kèm theo chảy nước mắt, chảy nước mũi, ho nhẹ, có khi kèm theo đau họng, nuốt khó, nuốt đau nhưng trẻ vẫn chơi bình thường. Viêm họng do siêu vi thường tự khỏi trong vòng 1 tuần. Biến chứng thường gặp là viêm tai giữa. Bệnh do siêu vi lây lan qua dịch mắt, mũi, họng trước khi có triệu chứng nên rất khó kiểm soát lây lan trong trường học. Cần chăm sóc trẻ thích hợp để mau hồi phục và tránh bị biến chứng.
Viêm họng do vi trùng liên cầu thường sốt nhẹ, chảy mũi kéo dài, kèm theo sưng hạch cổ, và trẻ thường kém ăn. Những trẻ này thường phải nghỉ học 1-2 ngày đến khi đã uống kháng sinh thích hợp.
Cách chăm sóc trẻ tại nhà:
- Hạ sốt, giảm đau: khi trẻ sốt nhẹ, cho trẻ mặc quần áo mỏng và thoáng. Uống thuốc paracetamol liều 10mg/ kg mỗi 6 giờ trong 1-2 ngày hoặc khi sốt trên 380 C.
- Làm thông thoáng mũi. Dạy trẻ che miệng khi ho, khi hắt hơi nhảy mũi và không khạc nhổ bừa bãi.
- Tránh tiếp xúc với khói, bụi, thuốc lá, không khí lạnh sẽ kích thích trẻ ho.
- Cho trẻ uống nhiều nước. Tăng cường dinh dưỡng để làm tăng sức đề kháng cho trẻ.
Chăm sóc trẻ bệnh tại nhà phụ huynh cần lưu ý theo dõi nhịp thở, kiểu thở và các biểu hiện khó thở là những dấu hiệu bệnh trở nên nặng hơn. Khi có một trong các dấu hiệu sốt cao, không chịu ăn uống, mệt nhiều, hoặc thở bất thường cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được chăm sóc và điều trị kịp thời.
Phát hiện sớm sốt xuất huyết
Bệnh nhiễm siêu vi có đặc điểm nổi bật là sốt đột ngột, nhiệt độ cơ thể lên đến 390C hoặc cao hơn. Sốt liên tục ngày lẫn đêm. Khi dùng thuốc hạ nhiệt thì nhiệt độ cũng chỉ giảm một thời gian ngắn rồi lại tăng lên. Kèm theo sốt nhiều trẻ còn phát ban, đau bụng, ói mửa, tiêu chảy. Bệnh lý do siêu vi rất hay gặp và cần lưu ý vào mùa mưa là bệnh sốt xuất huyết. Triệu chứng xuất huyết biểu hiện chấm xuất huyết ở da dạng nhỏ li ti, khi căng da vẫn còn hay tự nhiên có vết bầm, mảng xuất huyết ở tay chân, thân mình, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu, tiêu ra máu.
Sau 3 - 5 ngày trẻ hết sốt, khỏe trở lại từ từ. Nếu sốt xuất huyết trở nặng, trẻ đột nhiên hết sốt và trở nên mệt nhiều, bứt rứt, vật vã, tay chân lạnh, đau bụng, ói nhiều, ói hay tiêu ra máu.
Để tránh nguy cơ mắc bệnh nhiễm siêu vi, cần giữ ấm cho trẻ. Không cho trẻ dầm mưa, chơi ngoài nắng. Đảm bảo vệ sinh ăn uống cho trẻ. Môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ. Phòng ngừa sốt xuất huyết bằng cách diệt muỗi, giữ nhà cửa thông thoáng, thu dọn các vật chứa nước cặn. Không cho trẻ chơi những nơi góc nhà, kẹt tủ, chỗ tối để trẻ không bị muỗi đốt. Khi trẻ bị sốt cao, sốt nghi ngờ sốt xuất huyết hoặc sau 2 ngày dùng thuốc hạ sốt mà trẻ vẫn còn sốt phải đưa trẻ đi khám bệnh ngay để phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết.
Chữa trị viêm amiđan cấp
Bệnh xảy ra khi thời tiết thay đổi đột ngột hay do môi trường bị ô nhiễm bởi bụi, khói, thuốc lá. Nguyên nhân do siêu vi hay vi trùng. Viêm amiđan hay gặp hơn ở trẻ có sức đề kháng kém hoặc có ổ viêm nhiễm ở họng như sâu răng, viêm lợi, viêm xoang.
Trẻ bị viêm amiđan có triệu chứng đột ngột sốt cao, mệt mỏi, đau họng khi nuốt, hơi thở hôi. Hạch cổ thường sưng đau. Do bị đau họng nên trẻ chán ăn. Nếu viêm nhiễm lan xuống dưới trẻ sẽ ho đàm. Khi trẻ há to miệng sẽ thấy amiđan sưng to, đỏ, có chấm mủ trắng. Bệnh tái phát nhiều lần thành mãn tính. Viêm amiđan do vi trùng gây những biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận cấp, viêm khớp, viêm màng tim, nhiễm trùng huyết.
Khi bị viêm amiđan cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế. Nếu được điều trị thích hợp trẻ sẽ khỏi bệnh sau 1 tuần. Những chăm sóc tại nhà gồm có giữ ấm, hướng dẫn trẻ súc họng bằng nước muối loãng. Dùng thuốc hạ sốt đến khi trẻ hết sốt. Uống kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Phòng tránh bị viêm amiđan bằng cách điều trị sớm các bệnh vùng mũi họng như: sâu răng, viêm họng, viêm xoang.
Phòng ngừa cơn suyễn
Cơn suyễn hay gặp biểu hiện cơn khó thở. Trẻ kêu mệt, đột ngột ho nhiều, thở khò khè, thở rít, thở ngắn hơi, cổ co rút lại. Một số trẻ chỉ ho khan về đêm, làm trẻ ngủ không ngon giấc. Nếu không chữa trị hoặc chữa trị không đúng mức, cơn khó thở nặng lên làm trẻ tím tái, suy hô hấp hoặc tái phát nhiều lần. Trẻ thường xuyên nghỉ học do phải đi khám bệnh hoặc nhập viện.
Khi trẻ khó thở đưa ngay đến cơ sở y tế để được cắt cơn, hướng dẫn điều trị dự phòng để tránh bệnh tái phát.
Phòng ngừa cơn suyễn tái phát các bậc phụ huynh lưu ý thay, giặt khăn trải giường, áo gối hàng tuần để tránh nấm mốc bụi nhà. Tránh bụi, khói thuốc, khói nhang, hóa chất dạng xịt như thuốc diệt côn trùng, nước hoa. Không nuôi mèo, chó, chim trong nhà. Chữa trị tốt bệnh viêm nhiễm hô hấp trên.
Những chuẩn bị cần thiết để bảo vệ sức khỏe trẻ đi học
Quan trọng nhất vẫn là tạo cho trẻ hệ thống miễn dịch hoạt động tốt và đảm bảo an toàn cho môi trường học tập của trẻ. Vệ sinh môi trường phải được quan tâm thường xuyên bởi nhà trường và thầy cô giáo. Trẻ đi học phải đảm bảo yêu cầu về sức khỏe. Trẻ bị bệnh phải được khám và chăm sóc thích hợp, bệnh truyền nhiễm phải đảm bảo thời gian cách ly đúng quy định.
Tổ chức nuôi dạy trẻ đúng khoa học, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh. Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Đảm bảo vệ sinh thực phẩm để thức ăn uống không là nguồn lây bệnh.
Huấn luyện thói quen vệ sinh cho trẻ: các thầy cô dạy cho trẻ những hành động, cử chỉ văn minh và thói quen vệ sinh trong ăn uống. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, tắm rửa thường xuyên, đầu tóc gọn gàng sạch sẽ, móng tay chân cần được cắt ngắn, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Các bậc phụ huynh cần biết cách nhận biết sớm trẻ bị bệnh và cách chăm sóc tốt nhất ở nhà. Chủng ngừa đầy đủ trước khi cho trẻ đến trường. Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh hoặc khi trẻ có bất kỳ triệu chứng nào sau đây: sốt, khóc dai dẳng, tiêu chảy phân máu hoặc đàm, nôn ói trên 2 lần, loét miệng khó nuốt, hoặc phát ban kèm theo sốt, quấy khóc để trẻ được nghỉ ngơi và theo dõi cẩn thận hơn.
Theo Lộc Hà/GD&TĐ Online