Cập nhật: 18/09/2012 16:27:19 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và tàn tật vĩnh viễn. Theo kết quả Điều tra Thương tích đa trung tâm của Việt Nam thì TNTT là nguyên nhân gây ra gần 75% số trường hợp tử vong ở trẻ em trên một tuổi.

TNTT – nỗi lo của toàn xã hội

 

Có thể nói, TNTT đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em. Theo thống kê của UNICEF, trên thế giới mỗi năm có khoảng 830.000 trẻ tử vong do TNTT, tương đương với khoảng 2.000 trẻ em tử vong/ngày. Ở Việt Nam, mỗi năm hơn 7.300 em tử vong do tai nạn, trung bình 20 trẻ tử vong/ngày.

 

Các nguyên nhân chính dẫn đến TNTT có thể kể ra là: đuối nước, tai nạn giao thông, điện giật, ngã, ngộ độc, thương tích do các vật nhọn, sắc gây ra và bỏng. Một điều tra theo vùng do Liên minh Vì sự an toàn của trẻ em tiến hành năm 2007 cho biết, tương ứng với một trẻ tử vong thì có 12 trẻ nằm viện hoặc thương tật vĩnh viễn và 34 trẻ cần chăm sóc y tế hoặc không thể đi học/đi làm do TNTT.

Phần lớn các trường hợp TNTT trẻ em xảy ra ở môi trường gia đình, nhưng có những TNTT xảy ra đối với học sinh ngay trong trường học đã mang lại những nỗi lo lắng cho cả phụ huynh và phía nhà trường. BS.N.H.H – phòng y tế ở một trường tiểu học tại Hà Nội cho biết, ngoài các ốm đau thông thường ở học sinh như sốt do viêm họng, virut, rối loạn tiêu hóa… chị thường phải xử lý các vết thương nhẹ như rách phần mềm gây chảy máu ở chân, tay, đầu gối cho các em… Còn chấn thương nặng nề như gãy chân tay, vỡ đầu… thì ít gặp. Nhưng mỗi khi có tai nạn xảy ra, dù bất kể là nguyên nhân gì và chấn thương nhẹ hay nặng, cũng gây lo lắng cho cả phụ huynh và cô giáo, đồng thời gây sức ép không nhỏ đối với nhà trường.

 

 Những vết trầy xước xảy ra phổ biến ở trẻ em.

 

101 nguyên nhân khiến trẻ em bị thương tích

 

Chị N.T.T.H (Hà Nội) đưa con đến một phòng khám nha khoa để làm lại chiếc răng cửa vừa mới bị gãy. Chị cho biết, trong lúc nô đùa trong sân trường, con gái chị trượt chân ngã, miệng va vào cục gạch nên bị gãy mất nửa chiếc răng cửa. Ngồi bên cạnh là cậu con trai lớn của chị H., trên má cậu bé có một vết sẹo với 5 mũi khâu. Vết sẹo này dấu ấn trong một trận đá bóng do các bạn cùng lớp tổ chức trong sân trường vào cuối giờ học. Trong lúc mải mê tranh bóng, V.A. (tên của cậu bé) đã xô phải một bạn trong đội và chẳng may cái niềng răng của bạn đó đã khía lên mặt V.A. một vết rách dài…

 

Chị H. cũng như nhiều bậc phụ huynh khác, mỗi ngày đưa con đến trường buổi sáng và đón con về nhà sau buổi chiều là một niềm vui. Nhưng ẩn sau niềm vui đó là nỗi lo lắng thường trực trong lòng người cha, người mẹ. Ngoài nỗi lo về việc học tập của con thì họ luôn canh cánh trong lòng nỗi lo con sẩy chân sẩy tay… Có thể nói hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học, cũng là độ tuổi hiếu động nhất – đã bị một tai nạn nào đó ở ngay chính ngôi trường của mình. Nhẹ thì chỉ bị trầy xước phần mềm và không để lại dấu vết gì, nhưng nặng thì có thể để lại thương tích suốt đời. Các tình huống dẫn đến tai nạn cho trẻ là khó lường hết được, nó xảy ra ngay cả trong lúc trẻ nô đùa, trong tiết thể dục và ngay cả lúc các em chơi thể thao.

 

Tại Khoa Khoa chấn thương chỉnh hình BV Việt Đức, chúng tôi gặp  cậu bé L.Q.Đ. (8 tuổi – Khương Đình, HN), giơ bàn tay đang bị bó bột, Đ. hồn nhiên nói: “Cháu bị trật khớp tay cô ạ”. Mẹ Đ. kể, trong lúc chơi đá bóng cùng các bạn, Đ. bị quả bóng đập mạnh vào bàn tay dẫn đến trật khớp hai ngón tay ở bàn tay phải. Chấn thương của Đ. không nặng, chỉ sau khoảng hơn 1 tháng thì vết thương của em sẽ khỏi hoàn toàn.

 

Không may mắn như Đ., cháu C. (Láng Hạ - HN) đã bị mất một ngón chân cái vĩnh viễn cũng chỉ do chơi đá cầu với bạn. Chị L.T.N. – mẹ của C. kể, khi nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm thông báo con đang được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Xanh-pôn Hà Nội, hốt hoảng lao vội đến bệnh viện chị mới biết con mình vừa bị chiếc ghế đá trong sân trường rơi vào bàn chân trái, ngón chân cái bị dập nát buộc phải tháo khớp.

 

Nguyên nhân là trong lúc C. chơi đá cầu cùng bạn, không may quả cầu rơi vào trong gầm ghế đá. Loay hoay tìm cách lấy quả cầu ra mà không được nên một bạn đã nâng ghế đá lên để C. chui vào nhặt, nhưng ghế đá quá nặng, bạn đó để tuột tay khiến ghế rơi vào chân C… Còn cháu M. – con của chị Đ.T.V (Hai Bà Trưng – HN) phải mang vết sẹo giác mạc vĩnh viễn bên mắt trái do một bạn học cùng lớp ném đĩa CD, không may quẹt phải mắt của M.

 

Theo PGS.TS.Ngô Văn Toàn – Chủ nhiệm Khoa chấn thương chỉnh hình BV Việt Đức, trong nhiều năm công tác, ông thường gặp các chấn thương ở học sinh cấp 1 như rách da phần mềm, gãy xương bàn chân, gãy tay, gãy chân. Hầu hết các chấn thương này đều do các em học sinh chơi các trò chơi nguy hiểm như kê bàn kê ghế để leo trèo, nhảy qua; trèo cây; đuổi nhau… dẫn đến ngã và bị thương.

 

Còn ở các lớp lớn hơn như cuối cấp 2 hoặc cấp 3 thì các chấn thương thường gặp là bong gân, trật khớp do chơi các môn thể thao như đá bóng, bóng rổ. Chấn thương có thể gặp ngay sau tiết thể dục, đặc biệt là môn chạy bấm giây, nếu không có sự khởi động tốt thì xảy ra tổn thương chi dưới; tổn thương điểm bám của đầu gân gây sang chấn tổn thương gân, tổn thương phần mềm.

Cần làm gì để phòng ngừa TNTT cho học sinh?

 

Trước tình trạng TNTT ở trẻ em xảy ra ngày một tăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trong trường phổ thông được ban hành kèm theo Quyết định số 4458/QĐ - BGDDT ngày 22 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục -  Đào tạo.

 

Tuy nhiên, trước khi quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được các trường học thực thi một cách hiệu quả thì việc cần làm ngay là trong gia mỗi đình, các bậc phụ huynh phải hướng dẫn, nhắc nhở con em mình các nguy hiểm có thể xảy ra và cách phòng tránh. Về phía nhà trường cần giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn cho học sinh; tại những nơi nguy hiểm có thể gây tai nạn thì phải đặt các biển báo nguy hiểm...

 

TNTT có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất cứ lúc nào... Để phòng tránh TNTT trong nhà trường, PGS.TS.Toàn đưa ra lời khuyên như sau:

 

- Các em học sinh không chơi các trò chơi nguy hiểm như chạy nhảy, leo trèo, xô đẩy, đánh lộn;

 

- Không cầm các vật sắc nhọn như dao, kéo, thước kẻ, bút… trong lúc chạy nhảy hoặc lúc vui đùa;

 

- Không dùng cặp sách, đồ dùng học tập hoặc các vật dụng khác để ném, lia vào nhau;

 

- Trong các tiết thể dục phải được trang bị đầy đủ. Học sinh phải đi giầy, mặc quần áo phù hợp với môn học.

 

- Các môn thể dục như nhảy cao, nhảy xa, chạy bấm giờ cần phải được chuẩn bị, khởi động chu đáo. Không cho học sinh tập nếu thiếu một trong các điều kiện.

 

- Nhà trường và phụ huynh cần phải giáo dục học sinh cách đề phòng TNTT.

 

Ngoài các biện pháp phòng ngừa TNTT trẻ em nói trên thì công tác sơ cứu tại chỗ cũng hết sức quan trọng. Do đó, giáo viên và cán bộ y tế của trường học cần phải được trang bị đầy đủ kiến thức và huấn luyện về kỹ năng sơ cứu tối thiểu.

 

 

Theo Trọng Nhân/SK & ĐS Online

 

Tệp đính kèm