Cập nhật: 25/09/2012 16:16:09 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khi đánh tiết canh không đông, nhiều cơ sở đen để trong tủ lạnh để làm đông, sau đó bán cho khách. Đây là việc làm rất nguy hiểm bởi cơ chế đông của tiết canh khác với các loại thực phẩm từ dung dịch nước.

Tiết canh là 1 món ăn khoái khẩu của rất nhiều người, nhưng hiện nay các cơ quan chức năng đang khuyến cáo không nên sử dụng vì nó là môi trường chứa rất nhiều mầm bệnh mà khi ăn vào người dùng rất dễ mắc phải. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều cơ sở vẫn bày bán tiết canh, nhiều gia đình vẫn làm tiết canh từ máu của lợn, vịt, ngan, ngỗng, ngựa… Khi đánh tiết canh, quy trình đầu tiên là hãm tiết bằng cách cho 1 muỗng súp nước mắm và 2 muỗng súp nước (nên dùng nước đun sôi để nguội) vào 1 cái tô. Cắt tiết vào tô dung dịch, lấy muỗng quậy lên cho đều, để đó hãm đông trước khi đánh tiết canh. Tuy nhiên, nhiều cơ sở do làm ẩu khiến tiết không đông lại được ở công đoạn cuối cùng, họ dùng cách đông tiết canh bằng cho vào tủ lạnh.

 

Theo chuyên gia nấu ăn Dương Văn Hùng, trưởng khoa nấu ăn Trường Trung cấp nghề Nấu ăn và nghiệp vụ khách sạn, đó là việc làm hoàn toàn ngớ ngẩn và gây nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tiết canh. Bởi cơ chế đông của tiết là hoàn toàn khác với các loại dung dịch nước.

 

Chuyên gia nấu ăn Dương Văn Hùng cho biết, tiết được chế biến theo cơ chế đông máu, được hình thành khi một loại protein hòa tan của huyết tương và fibrinogen có trong máu động vật được biến thành các chuỗi fibrin không hòa tan. Các chuỗi fibrin này tạo nên một tấm lưới giữ lại tất cả các thành phần hữu hình của máu, biến chúng từ dạng dung dịch chảy tự do sang loại gel cứng. Tiết sau khi được hãm đông và để đông và các nguyên liệu dùng để chế biến món này hoàn toàn sạch thì việc bảo quản tiết canh trong ngăn mát tủ lạnh 2-3h là hoàn toàn được. Đây chỉ là phương pháp bảo quản sau khi tiết đã đông và được phủ kín bởi các vật đựng hợp vệ sinh.

 

Chuyên gia Dương Văn Hùng khuyến cáo, không nên bảo quản trong tủ lạnh quá lâu vì món ăn này rất giàu các chất dinh dưỡng, chúng cũng rất dễ phân hủy trong điều kiện không khí bình thường và là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn có hại phát triển gây ngộ độc (cấp tính) cho người dùng.

 

 

 Theo HNM Online

Tệp đính kèm