Củ gấu biển còn gọi là hải hương phụ, hương phụ biển. Theo YHCT, củ gấu biển có vị đắng, tính ấm, vào kinh tỳ vị can đởm. Có tác dụng hành khí giảm đau, khai uất điều kinh, kiện vị tiêu thực, thanh can hỏa. Cách dùng: ngày 8 - 12g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, thuốc hoàn.
Người ta thu hoạch các thân rễ của củ gấu, đốt cho cháy hết các rễ phụ, phơi hoặc sấy khô. Trước khi dùng, đem giã, tán với vỏ trấu hoặc dùng máy xát để loại rễ phụ và làm bong lớp vỏ ngoài, sàng sảy cho sạch rồi chích với một hoặc nhiều phụ liệu như gừng, giấm, rượu… Về mặt hóa học, trong thân rễ củ gấu biển chứa tinh dầu, trong đó có cyperen, β- caryophylen, selinen… Ngoài ra còn có flavonoid, tanin, các hợp chất acid phenol, alcaloid, glycosid tim, protein, vitamin C, chất béo, các loại đường, nhiều nguyên tố vi lượng.
Củ gấu biển được dùng làm thuốc trong các trường hợp:
Kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng, khó sinh nở, khí hư bạch đới: hương phụ, bạch đồng nữ, ngải cứu, ích mẫu (mỗi vị đều 8-10g). Sắc uống.
Chậm kinh, đau bụng dưới: hương phụ 5g, đương quy, bạch thược (mỗi vị 10g), xuyên khung 5g, ô dược 7g, ngải diệp 3g. Sắc uống.
Băng huyết, rong kinh: hương phụ sao đen, tán bột, mỗi lần uống 6g, ngày 2 lần, có thể kèm theo tông lư thán (bẹ cây móc, sao đen), chiêu với nước cơm.
Kinh sớm, màu thẫm, do huyết nhiệt: hương phụ tứ chế ngưu tất (mỗi vị 12g); cỏ nhọ nồi, rau má tươi (mỗi vị 30g); sinh địa, ích mẫu (mỗi vị 16g); cỏ roi ngựa 25g. Sắc uống.
Trị mắt đau, sung huyết đỏ: hương phụ 12g; chi tử 8g; cúc hoa, bạc hà (mỗi vị 6g). Sắc uống.
Sôi bụng, tiết tả: hương phụ, cao lương khương - riềng (mỗi thứ 12g). Sắc uống.
Đau dạ dày, ợ hơi: hương phụ, can khương, mộc hương (mỗi vị 3g); khương bán hạ 10g, dùng dạng bột.
Tiêu hóa kém, bụng đầy trướng, ăn không biết ngon: hương phụ 20g; hậu phác nam, trần bì, chỉ xác (mỗi vị 12g), nam mộc hương 16g. Sắc uống.
Chú ý: Những người âm hư huyết nhiệt không nên dùng.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh
Theo SK & ĐS Online