Cập nhật: 22/02/2013 10:05:51 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mới đây, bác sỹ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, từ đầu tháng 1/2013 đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận tới 16 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 2 trường hợp tử vong do nhập viện quá muộn.

Hai trường hợp tử vong trên là nam giới, ở huyện Ý Yên và huyện Vụ Bản của tỉnh Nam Định. Cả hai người đàn ông này đều đã nhiều lần ăn tiết canh và có tiền sử nghiện rượu.

 

Nguyên nhân nhập viện muộn là do bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác có cùng biểu hiện. Các cơ sở y tế tuyến dưới chưa có đủ khả năng chẩn đoán, phát hiện bệnh liên cầu khuẩn lợn.

 

Theo bác sỹ Nguyễn Hồng Hà, cứ vào dịp trước và sau Tết, nguy cơ nhiễm liên cầu lợn lại tăng lên. Nguyên nhân là tại các địa phương, vào dịp Tết Nguyên đán, người dân thường có thói quen mổ lợn. Vài gia đình lại chung nhau mổ một con lợn để ăn Tết. Ngoài việc chia đều phần thịt thì hầu hết mọi người đều không thể bỏ món tiết canh khoái khẩu.

 

Nếu bị mắc liên cầu khuẩn lợn, bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao, sau đó bệnh nhân sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da, lan nhanh, buồn nôn, đau đầu dữ dội. Đặc biệt, khi đã nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng, dẫn đến suy đa phủ tạng. Nếu bệnh nhân được đưa đến bệnh viện muộn thì cơ hội cứu chữa rất thấp.

 

Người bị bệnh liên cầu khuẩn từ lợn thường mắc ở hai thể. Ở thể nhiễm khuẩn huyết, bệnh nhân bị nhiễm trùng máu, sốt cao, xuất huyết và hoại tử toàn thân, suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy chức năng gan, thận... và tử vong rất nhanh. Ở thể viêm màng não mủ, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, nôn mửa và hôn mê, nếu không điều trị sớm bệnh nhân sẽ có di chứng thần kinh như ngớ ngẩn, mất trí nhớ, liệt.

 

Một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng.

 

Ngoài gây bệnh lý nguy kịch tính mạng, căn bệnh này cũng để lại nhiều di chứng. Đến 40% bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn có biểu hiện giảm thính lực. Việc phục hồi thính lực là khác nhau ở từng người, thậm chí có người bị điếc vĩnh viễn.

 

Để phòng bệnh liên cầu lợn, bác sỹ Hà khuyến cáo, người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi (với cả thịt lợn cũng như các loại thịt động vật khác); không nên tiếp xúc, sử dụng các chế phẩm từ lợn ốm, chết; không ăn nem chạo, tiết canh lợn và các loại tiết canh của động vật khác vì chúng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh. Khi tiếp xúc với lợn nghi ốm hoặc mắc bệnh liên cầu cần phải đeo khẩu trang, găng tay, mặc quần áo bảo hộ lao động.../.

 

 

Theo Đỗ Thoa/ Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm