Cập nhật: 14/04/2013 16:27:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sởi là bệnh truyền nhiễm lây theo đường hô hấp do virut sởi gây ra. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao và có khả năng gây dịch trên quy mô lớn.

Biểu hiện chính của bệnh là sốt, phát ban, ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc (mắt đỏ). Trẻ mắc sởi có thể bị các biến chứng như tiêu chảy, viêm phổi, mù lòa, suy dinh dưỡng, thậm chí có thể tử vong.

Bệnh sởi có thể phòng được. Cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi hiệu quả là tiêm vắc-xin sởi đầy đủ, đúng lịch. Trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi để phòng bệnh sởi.

Lịch tiêm chủng vắc-xin sởi trong tiêm chủng mở rộng:

Mũi 1: Khi trẻ 9 tháng tuổi.

Mũi 2: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

Vắc-xin sởi là vắc-xin có tính an toàn cao. Một số rất ít trường hợp sau tiêm có thể có phản ứng nhẹ như: đau nhức tại chỗ tiêm, sốt, nổi ban và sẽ tự khỏi sau vài ngày.

Cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế nếu sau tiêm chủng vắc-xin sởi trẻ có những biểu hiện như: sốt cao, quấy khóc kéo dài, tím tái, khó thở hay bú ít, bỏ bú.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã triển khai có kết quả các hoạt động tiêm chủng vắc-xin sởi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, góp phần làm giảm tỷ lệ mắc sởi trên phạm vi toàn quốc. Năm 2012, số mắc sởi giảm khoảng 1,3 lần so với năm 2011 và không xảy ra dịch trên quy mô lớn, kết quả trên cho thấy hiệu quả của việc triển khai vắc-xin sởi trên phạm vi rộng.

Tiêm vắc-xin sởi là cách tốt nhất để phòng bệnh sởi và tiến tới loại trừ bệnh sởi trong tương lai.

Để bảo vệ sức khỏe trẻ em phòng chống bệnh sởi, các bậc cha mẹ cần cho trẻ đi tiêm chủng đủ 2 mũi vắc-xin sởi.

Theo SK & ĐS Online

Tệp đính kèm