Cập nhật: 04/05/2013 14:02:28 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mất ngủ là một chứng bệnh hay gặp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và công việc hằng ngày. Mất ngủ do nhiều nguyên nhân: do thay đổi môi trường sống đột ngột; uống chè, cà phê, hút thuốc trước khi đi ngủ; do cơ thể quá mệt mỏi hoặc mắc bệnh mạn tính; do áp lực công việc,... Nữ bị mất ngủ nhiều hơn nam nhất là ở tuổi gần mãn kinh và càng lớn tuổi càng dễ bị mất ngủ.

Dấu hiệu khi bị mất ngủ

 

Thông thường, cơ thể cần ngủ khoảng 8 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, vẫn có một số người chỉ cần ngủ 4 giờ suốt đêm mà vẫn khỏe và không cảm thấy bị mất ngủ. Mất ngủ không chỉ về thời gian ngủ không đủ mà còn thiếu về chất lượng giấc ngủ: khó vào giấc, hay thức giấc ban đêm hoặc ngủ nhiều nhưng hay mơ thấy ác mộng. Mất ngủ kéo dài dễ dẫn đến suy nhược thần kinh, trầm cảm, từ đó càng làm tình trạng mất ngủ nặng thêm, ngoài ra còn ảnh hưởng đến chức năng của các tạng phủ gây ra hàng loạt các bệnh như tim mạch, tiêu hóa ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt.

 

Cách nào để có giấc ngủ ngon?

 

Các thuốc an thần thường dùng: thuốc an thần nhóm benzodiazepine, barbiturates và nhóm phi barbituric. Nhưng các thuốc này thường dễ gây phụ thuộc thuốc, độc với gan, thận nếu dùng kéo dài nên thận trọng dùng với người cao tuổi, người có tiền sử bệnh gan, thận. Do vậy, tốt nhất nên áp dụng tâm lý liệu pháp, vật lý liệu pháp và ẩm thực liệu pháp.

 

Ẩm thực liệu pháp: Dùng các trà loại thảo dược như chè ngó sen, trà long nhãn bách hợp, trà dương sâm linh chi, trà long nhãn liên tử, trà ngũ vị tử linh chi... kết hợp với các món ăn như canh tim lợn, canh thiên ma, canh long nhãn liên tử...

 

Tâm lý liệu pháp: Thiết lập tính tự tin, không nên quá căng thẳng, quá bị kích động; Thư giãn vứt bỏ mọi ưu phiền, buồn bực trước khi lên giường ngủ; Hãy cho rằng mất ngủ không phải là bệnh gì nghiêm trọng, một ngày hay vài ngày ngủ ít vài tiếng không có gì nghiêm trọng. Thông thường sau khi điều trị được căn nguyên, tâm lý và cơ thể được thư giãn thì chứng mất ngủ cũng được hồi phục.

 

Vật lý liệu pháp: Buổi tối trước khi đi ngủ nên ngâm chân nước nóng khoảng 30 phút, lau khô sau đó mát-xa lòng bàn chân có tác dụng an thần, thư giãn toàn thân giúp ngủ ngon.

 

Ngoài ra, giấc ngủ tốt hay không còn liên quan chặt chẽ với hoàn cảnh, môi trường xung quanh, phòng ngủ thoáng mát, sạch sẽ, không quá sáng, yên tĩnh, đặc biệt có mùi thơm nhẹ nhàng của hoa có tác dụng nâng cao chất lượng giấc ngủ. Đệm cứng quá hay mềm quá, gối quá cao cũng ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ, tư thế ngủ tốt nhất lên nằm thoải mái, không co quắp, không nằm sấp; người có bệnh tim tốt nhất nên nằm nghiêng phải; thời gian ngủ không lên quá dài, tốt nhất từ 6-8 tiếng một ngày; khi ngủ đầu quay hướng Bắc, chân hướng Nam có thể tránh được ảnh hưởng của từ trường cũng khiến giấc ngủ được sâu hơn, thoải mái hơn. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, vitamin; thường xuyên tập thể dục, tập thái cực quyền, khí công… nâng cao chất lượng sống, điều tiết cuộc sống, sinh hoạt có quy luật, đi ngủ và thức dậy đúng giờ, không ăn quá no trước khi ngủ, bỏ thói quen uống các chất kích thích như rượu, trà, cà phê, thuốc lá trước khi ngủ…       

 

BS. Thảo Dương

 

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm