Mùa hè, thời tiết nóng nực, quá trình chuyển hóa của nhân thể vượng thịnh, mồ hôi vã ra nhiều để điều hòa thân nhiệt nhưng cũng khiến cho cơ thể dễ mỏi mệt, mất nước và điện giải, điều mà y học cổ truyền gọi là "hao khí thương tân" do tác động phối hợp của hai nhân tố là nhiệt (nóng) và thử (nắng).
Bởi vậy, về mặt ẩm thực, việc lựa chọn các thực phẩm và món ăn có công dụng thanh nhiệt giải thử, bổ khí dưỡng âm, sinh tân chỉ khát là rất cần thiết. Bài viết này xin được giới thiệu 5 món canh thanh nhiệt giải thử để bạn đọc có thể tham khảo và vận dụng.
Canh tây qua hà diệp: hà diệp (lá sen tươi) 1 lá, vỏ tây qua (dưa hấu) 500g, ý dĩ 10g, khiếm thực 10g, gà nhỡ 1 con (sau khi làm thịt, bỏ lông và phủ tạng còn chừng 500g), thịt lợn nạc 100g, gia vị vừa đủ. Có thể thay gà bằng chim bồ câu hoặc chim sẻ. Hà diệp rửa sạch, thái vụn; vỏ dưa hấu cắt đoạn (chú ý không bỏ vỏ xanh); ý dĩ và khiếm thực đãi sạch; thịt gà và thịt lợn chặt miếng. Tất cả cho vào nồi, chế đủ gia vị, đổ lượng nước vừa phải rồi hầm lửa nhỏ chừng 2 giờ là được, dùng làm canh ăn trong ngày. Tác dụng: thanh nhiệt giải thử, kiện tỳ ích khí, dưỡng âm sinh tân.
Canh hà diệp nhị đậu: hà diệp 1 lá, biển đậu 25g, xích tiểu đậu 25g, trần bì (vỏ quýt) 12g, phụ trúc 50g, vịt 1 con (sau khi làm sạch còn chừng 400g là vừa), thịt lợn nạc 100g, gia vị vừa đủ. Hà diệp rửa sạch, thái nhỏ; biển đậu, xích tiểu đậu và phụ trúc rửa sạch; trần bì thái chỉ; thịt vịt và thịt lợn chặt miếng. Tất cả cho vào nồi, chế đủ gia vị, đổ vừa nước rồi dùng lửa nhỏ hầm chừng 3 giờ là được, dùng làm canh ăn trong ngày. Thanh nhiệt giải thử, sinh tân chỉ khát, kiện tỳ dưỡng âm.
Canh cát căn đại táo trư nhục: cát căn (củ sắn dây) 500g, đại táo 4 quả, trư nhục (thịt thăn lợn) 150g, xương ống chân lợn 150g, nước và gia vị vừa đủ. Cát căn bỏ vỏ, rửa sạch, thái con chì; thịt thăn thái to bằng 1/3 bao diêm; xương ống đập vỡ; đại táo rửa sạch. Tất cả cho vào nồi, chế đủ nước hầm nhừ trong 2 giờ, chế thêm gia vị, dùng làm canh ăn. Trong bài, cát căn có công năng thanh nhiệt giải cơ, sinh tân chỉ khát, trừ phiền. Đại táo bổ tỳ ích khí, dưỡng huyết an thần. Thịt lợn tư âm, nhuận táo, bổ huyết. 3 thứ phối hợp với nhau tạo nên công dụng thanh nhiệt trừ phiền, bổ khí dưỡng huyết của món ăn.
Canh sa căn thuần điểu trư nhục: sa căn (củ đậu) 500g, thuần điểu (chim cút) 500g, thịt lợn nạc 100g, một chút trần bì (vỏ quýt), nước và gia vị vừa đủ. Sa căn bóc vỏ rửa sạch, thái con chì; chim cút làm sạch, để nguyên con; thịt lợn thái mỏng. Tất cả cho vào nồi, chế đủ nước, hầm nhỏ lửa chừng 2,5 giờ cho thật nhừ, chế thêm gia vị, dùng làm canh ăn. Trong bài, chim cút vị ngọt tính bình, có công dụng bổ tỳ ích khí, thanh nhiệt trừ thấp, làm mạnh gân cốt. Củ đậu vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch và làm hết khát. Món canh này có thể cho thêm một chút đậu đỏ và vài lát gừng tươi để tăng tác dụng thanh nhiệt trừ thấp, đồng thời thêm phần hấp dẫn.
Canh hiện nhục việt qua: hiện nhục (hến) 1kg, việt qua (quả bầu) 500g, thì là, hành hoa, mỡ và gia vị vừa đủ. Hến ngâm nước gạo, rửa sạch, cho vào nồi với một bát con nước, đun sôi, thấy hến há miệng thì trút ra rổ, hứng lấy nước, gỡ thịt hến đem rửa sạch, để ráo; bầu gọt vỏ, rửa sạch, băm nhỏ theo chiều dọc quả, thái vát thành sợi, bỏ ruột; hành, thì là rửa sạch, thái nhỏ; củ hành thái mỏng để riêng. Phi thơm hành mỡ, cho hến vào xào qua, nêm ít nước mắm, xúc ra bát. Nước luộc hến bỏ cặn, đun sôi, cho bầu vào, đun sôi tiếp rồi đổ hến vào, chế thêm gia vị vừa đủ, dùng làm canh ăn nóng. Trong bài, hến vị ngọt mặn, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp, rất thích hợp cho những người bị mụn nhọt, lở loét ngoài da do nhiệt độc, tiểu tiện vàng đỏ, đái buốt, đái rắt, đái tháo đường. Bầu vị ngọt, tính mát, có công dụng giải nhiệt độc, lợi tiểu tiện, làm hết khát, rất thích hợp cho những người bị viêm đường tiết niệu, mụn nhọt do nhiệt độc, đái tháo đường. Tuy nhiên, nếu tỳ vị hư yếu, đại tiện hay lỏng loãng thì không nên ăn loại canh này
BS. Nguyễn Đức Kiệt
Theo suckhoedoisong.vn