Cập nhật: 28/08/2013 15:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mới đây, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị khu vực lần thứ 2 Dự án ASEAN về tăng cường chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật trong khu vực ASEAN. Hội nghị do Tổ chức Hỗ trợ phát triển người khuyết tật Châu Á – Thái Bình Dương và Quỹ Hội nhập ASEAN của Nhật Bản phối hợp tổ chức. 

Hội nghị khu vực lần 2 của APCD-TAIF về tăng cường chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật trong ASEAN

Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 6.700.000 người khuyết tật, chiếm gần 8% dân số và đang có xu hướng tăng lên do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động tích cực ở cấp quốc gia và cấp khu vực nhằm tăng cường sự tham gia của người khuyết tật vào các lĩnh vực của đời sống và thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ cho người khuyết tật. Cụ thể, đã xây dựng và triển khai đề án trợ giúp người khuyết tật; tham gia và thực hiện các sáng kiến của quốc tế và khu vực cũng như tăng cường sự tham gia của người khuyết tật và bảo vệ quyền của người khuyết tật. Đặc biệt, Việt Nam đã triển khai thực hiện chiến lược In-chơn về Thập kỷ Châu Á-Thái Bình Dương vì Người khuyết tật 2013-2022; tuyên bố của các nhà Lãnh đạo ASEAN về tăng cường sự tham gia của người khuyết tật...

Tuy nhiên, hiện Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc thúc đẩy, tăng cường sự tham gia cũng như nguồn phúc lợi dành cho người khuyết tật. Các chương trình, dự án, phúc lợi xã hội cho hàng triệu người khuyết tật được triển khai song kết quả đạt được chưa cao do nguồn lực hạn chế. Ngoài những rào cản hiện hữu như nhận thức, thái độ của xã hội đối với những người khuyết tật, một trong những khó khăn lớn nhất mà Việt Nam đang gặp phải là việc tiếp cận người khuyết tật trong Cộng đồng và trong xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: “Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin tái khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác trong khu vực nhằm thúc đẩy và hiện thực hoá quyền của người khuyết tật, tăng cường phát triển hoà nhập vào cộng đồng trong nước nói riêng và trong ASEAN nói chung, góp phần hiệu quả vào sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, cho khu vực và cho toàn thế giới. Việt Nam cũng sẽ nỗ lực hoạt động để có thể phê chuẩn Công ước Quyền của người Khuyết tật của Liên Hợp quốc trong thời gian sớm nhất, chúng tôi rất mong có được sự hỗ trợ tích cực của Trung tâm APCD, các bạn bè ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và của các nước đối tác./.”

Theo Thy Hạt - Vân Anh/VOV.VN

Tệp đính kèm