Cập nhật: 21/09/2013 11:03:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các sự kiện giao lưu văn hóa giữa hai nước trong những năm gần đây góp phần xây dựng mối quan hệ “từ trái tim đến trái tim”.

Hoạt động Lễ hội là điểm nhấn trong năm 2013

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản đều nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa, giao lưu văn hóa nhằm nâng cao tầm ảnh hưởng của quốc gia ra thế giới, phục vụ lợi ích dân tộc.

Đối với Nhật Bản dựa trên giao lưu văn hóa dựa trên ba trụ cột là truyền bá, hấp thu và cộng sinh. Nghĩa là, dạng thức văn hóa tự thân “truyền bá” ra ngoài, “hấp thu” văn hóa ngoại quốc ưu tú trong giao lưu “cộng sinh” ra cái mới.

Đối với Việt Nam giao lưu văn hóa cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế là một trong ba trụ cột chính nhằm xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh”.

Với ý nghĩa đó, hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước luôn được coi trọng, thường xuyên các hoạt động giao lưu được diễn ra, góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước.

Từ năm 2000 trở đi, có bước tiến lớn trong quan hệ văn hóa giữa hai nước, khi các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật song phương nở rộ. Hàng năm, Festival Văn hóa - Du lịch Việt Nam được tổ chức tại nhiều thành phố của Nhật Bản, và ngược lại Lễ hội văn hóa Nhật Bản cũng được tổ chức ở Việt Nam, thu hút sự chú ý của nhân dân hai nước.

Năm 2005, Chính phủ Nhật Bản cử phái đoàn giao lưu văn hóa đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Chuyến viếng thăm của phái đoàn lần này được thực hiện dựa trên đề xuất của Thủ tướng Nhật Bản Koizumi trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Phan Văn Khải vào cuối năm 2004 tại Hà Nội. Sau chuyến viếng thăm Việt Nam, phái đoàn đã soạn thảo và trình Chính phủ hai nước Bản kiến nghị mang tính trung và dài hạn về các vấn đề và phương sách trong giao lưu Nhật - Việt.

Năm 2006 được coi là Năm Xúc tiến giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản với sự kiện Festival Nhật Bản 2006 được tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô lớn chưa từng có. Phía Nhật Bản có tới 800 người tham gia trong các chương trình giao lưu thể thao, giao lưu văn hóa - nghệ thuật, giao lưu nhạc nhẹ và Giao lưu kinh tế.

Đặc biệt, năm 2008 - là năm diễn ra nhiều hoạt động giao lưu văn hóa quan trọng để chào mừng kỷ niệm 35 năm Quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Trước hết phải kể đến Diễn đàn giao lưu văn hóa Nhật - Việt được tổ chức vào tháng 3/2008 với sự tham gia của đông đảo giới tri thức hai nước thuộc các lĩnh vực: đào tạo nguồn nhân lực, bảo tồn di sản văn hóa, giao lưu tri thức, giao lưu văn hóa, văn nghệ…, bàn về việc thúc đẩy hơn nữa giao lưu văn hóa Việt - Nhật, Đại nhạc hội Nhật - Việt (2008)…

Có thể nói, các sự kiện giao lưu văn hóa giữa hai nước trong những năm gần đây là phương tiện tốt nhất để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, góp phần xây dựng mối quan hệ “từ trái tim đến trái tim”. Nổi bật là những sự kiện được tổ chức định kỳ sau:

 Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản

Là sự kiện quan giao lưu văn hóa quan trọng nhất giữa Việt Nam và Nhật Bản, được tổ chức hàng năm tại Nhật Bản và Việt Nam. Lễ hội Việt Nam tại Nhật lần đầu được tổ chức vào năm 2008 nhằm trao đổi văn hóa giữa hai quốc gia và cũng là hoạt động để chào mừng 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, thu hút khoảng 150.000 người tham gia và đặc biệt Thái tử Nhật Bản cũng đã tới tham dự.

Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản năm 2012 đã được tổ chức vào các ngày 15 và 16/9 tại công viên Yoyogi ở Tokyo. Lễ hội lần này đánh dấu chặng đường 5 năm và củng cố thêm mối quan hệ thân thiết giữa hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỉ niệm 40 năm thiết lập mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản vào năm 2013.

Ông Iwao Matsuda, cựu Thượng Nghị sỹ cho rằng: “Lễ hội này chính là do các bạn tạo dựng nên. Qua lễ hội này, những người Nhật Bản  yêu Việt Nam chắc chắn sẽ yêu Việt Nam hơn, những người Việt Nam yêu Nhật Bản sẽ yêu Nhật Bản hơn. Lễ hội Việt Nam 2012 đã bắt đầu với giấc mơ lớn lao về một thế giới tuyệt vời hơn mà Việt Nam và Nhật Bản cùng chung tay xây dựng”.

Lễ hội giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản

Đây là một lễ hội được tổ chức vào tháng 8 hàng năm tại Hội An. Lần đầu tiên lễ hội được tổ chức vào tháng 8 năm 2002. Mục đích của lễ hội là gợi nhớ lại chặng đường quan hệ lâu đời, gắn bó, thân thiết giữa Việt Nam và Nhật Bản.


Lễ hội là cơ hội giới thiệu nghệ thuật truyền thống Nhật như: múa Yasukoi, gấp giấy Origami... trà đạo, văn hoá ẩm thực... và giới thiệu văn hoá đặc sắc của Việt Nam. Qua 10 lần tổ chức Lễ hội giao lưu văn hoá Hội An- Nhật Bản cùng với Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản trở thành biểu hiện sinh động nhất của giao lưu văn hoá hai nước, giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, góp phần nâng cao tầm quan hệ chính trị, kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Một số hoạt động khác

Đáng chú ý đó là Lễ hội hoa Anh đào tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Lễ hội hoa Anh đào được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 8/4/2007 đã gây xúc động cho nhiều người. Đến nay lễ hội hoa Anh đào mới đầu dự định sẽ tổ chức thường niên, nhưng do một số khó khăn nên đã không được tiến hành như dự định mà chỉ tổ chức khi điều kiện có đủ.

Tuy nhiên đến 2012 đã có 3 lần lễ hội hoa Anh đào được tổ chức ở Việt Nam. Anh đào vốn là quốc hoa của Nhật Bản (Hoa thiêng), do vậy lễ hội hoa Anh Đào mang ý nghĩa thiêng liêng, mong muốn quan hệ hữu nghị hai nước giống như quan hệ anh em, máu mủ ruột già.


Ngoài ra, còn có các hoạt động như “
Đêm nhạc cổ điển Toyota’’ là một hoạt động âm nhạc thường niên do các tài năng âm nhạc của Việt Nam, Nhật Bản và thế giới biểu diễn. Năm 2012 là năm kỷ niệm sinh nhật lần thứ 15 của đêm nhạc này. Đêm nhạc là một hoạt động nghệ thuật mang tính xã hội. Toàn bộ số tiền trong đêm hoà nhạc này với mục đích đào tạo tài năng âm nhạc trẻ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các hoạt động như triển lãm tranh, ảnh của nghệ sĩ hai nước thường xuyên được diễn ra tại hai nước, và một số cuộc thi “Người đẹp hoa Anh Đào”, “Miss áo dài” làm tăng thêm sự phong phú của hoạt động giao lưu văn hoá - nghệ thuật giữa hai nước.

Giới thiệu sách dịch

Theo thống kê ban đầu đến nay các tác phẩm của Nhật Bản mới chỉ được dịch sang tiếng Việt khoảng hơn 150 cuốn. Trong số đó, những cuốn có tầm ảnh hưởng tới văn hóa đọc của độc giả Việt Nam như “Rừng Na Uy” (Norway no Mori), “Kafka bên bờ biển” (Umible no Kafka)…

Trong khi đó, con số tác phẩm Văn học Việt Nam được xuất bản tại Nhật Bản cũng rất khiêm tốn hơn khi chỉ có 64 cuốn như “Truyện Kiều” (Nguyễn Du), “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” (Đặng Thùy Trâm), “Thời xa vắng” (Lê Lựu), “Hòn đất” (Anh Đức), “Gánh hàng hoa” (Khải Hưng, Nhất Linh)…

Có thể nói, việc dịch các tác phẩm văn học Nhật Bản sang tiếng Việt hiện tại dường như vẫn còn chưa toàn diện. Một mảng sách dịch cũng phải chú ý đến đó là truyện tranh (Manga - 漫画). Các tác phẩm như “Doraemon”, “Kẹo cao su biến hình’’ trở thành những cuốn sách truyện gối đầu giường của các em nhỏ Việt Nam.

Đặc biệt truyện tranh Doraemon (F. Fujio cha đẻ của truyện tranh Nhật Bản) được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản lần đầu tiên từ cuối năm 1992, đến năm 2012 đã có khoảng hơn 100 triệu bản Doraemon được phát hành tại Việt Nam. Bộ truyện đã để lại dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ độc giả.

Quỹ học bổng Doraemon, còn gọi là quỹ hỗ trợ giáo dục trẻ Việt Nam do ông Nguyễn Thắng Vu và tác giả Fujiko Fujio sáng lập năm 1996. Đến năm 2012, tổng số vốn của quỹ lên đến 4,8 đồng.

Quỹ này đã trao trên 10.000 suất học bổng cho các học sinh nghèo trên khắp Việt Nam. Đầu năm 2011, phong trào chế truyện Doraemon nở rộ trên cộng đồng mạng Việt Nam. Nhiều hội chế truyện trên các mạng xã hội, các diễn đàn được thành lập, các cuộc thi chế được tổ chức, chỉ tính riêng "Hội những người thích chế Doraemon" trên Facebook đã có trên 250.000 thành viên.

Thực sự sách dịch Nhật Bản đang ảnh hưởng lớn tới đời sống tinh thần của nhiều tầng lớp người Việt Nam.

Nhằm tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai nước, năm 2008, Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam đã được thành lập. Đây là một số ít Trung tâm giao lưu văn hóa của Nhật được thành lập tại nước ngoài, nhấn mạnh vai trò đặc biệt của văn hóa trong việc tăng cường quan hệ hai nước trên các lĩnh vực khác.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong một phát biểu cho rằng, Trung tâm giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam sẽ là cầu nối thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa hai nước, là địa chỉ tin cậy để người Việt Nam học hỏi, trao đổi văn hóa với Nhật Bản.

Với sự cống hiến tích cực của Trung tâm văn hóa Nhật Bản, chắc chắn một “cây văn hóa Nhật Bản” sẽ được vun trồng và mãi xanh tươi trên đất Việt Nam.

Kết thúc bài viết này xin trích dẫn lời nói của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Tanizaki Yasuaki: “Ngoại giao được ví như là một người làm vườn giỏi. Hoa dù đẹp thì cũng cần phải được chăm sóc thường xuyên thì mới có thể giữ được. Tôi nghĩ rằng, chúng ta không những phải giữ cho hoa không héo mà còn phải trồng thêm hoa mới. Hoa là rất cần thiết nhưng đất để trồng hoa thì cũng rất quan trọng. Đất trong trường hợp này chính là sự tin cậy lẫn nhau vốn có giữa hai nước. Sự tin cậy lẫn nhau này đã được xây dựng trong một thời gian dài với công sức đóng góp của rất nhiều người. Để tăng cường hơn nữa quan hệ này, tôi nghĩ rằng mỗi con người chúng ta cần phải có thêm được nhiều người bạn mới”./.

Theo Bùi Hùng/VOV online 

 

 

Tệp đính kèm