Cập nhật: 01/12/2013 11:52:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đại lễ tưởng niệm 705 ngày nhập niết bàn và khánh thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông diễn ra từ 1- 3/12

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đặt tại khu An kỳ sinh, Yên Tử, với tổng kinh phí trên 75 tỷ đồng, được huy động từ sự đóng góp của các phật tử trong và ngoài nước.

Theo Đại đức Thích Thanh Quyết, Chủ tịch Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, đại lễ tưởng niệm 705 năm nhập niết bàn và khánh thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông là dịp để tăng ni, phật tử, đồng bào các dân tộc Việt Nam học tập, phát huy tinh thần nhập thế, tinh thần yêu nước của Phật giáo Việt Nam.

Trần Nhân Tông là một “tên thiêng” kết tinh nhiều phương diện. Ông là vị vua duy nhất đồng thời là giáo chủ, sáng lập ra một giáo phái- dòng thiền Trúc Lâm, được suy tôn là Phật hoàng.

Từ mẫu hình hoàng đế…

Trần Nhân Tông sinh năm Mậu Ngọ 1258, tính tình hiền từ, thông minh, học Phật từ nhỏ, ngộ đạo từ người người bác là Tuệ Trung Thượng sĩ. Năm 16 tuổi được lập làm Hoàng thái tử. Tuy được sống trong cung vàng điện ngọc nhưng Thái tử vẫn muốn xuất gia tu Phật.

Năm 21 tuổi Trần Nhân Tông lên ngôi Hoàng đế trong tâm thế… bị làm vua. Bản thân ông, sách Thánh đăng ngữ lục thuật rằng  “ngài từng muốn nhường ngôi cho em trai là Đức Việp, chỉ đến lúc vua cha khóc mà yêu cầu thì ngài mới nguôi ý định ấy.”

Trần Nhân Tông làm vua được 7 năm thì xảy ra cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai  năm 1285, được 10 năm thì phải tiến hành cuộc chiến thứ ba năm 1288. Dù rằng trong cả hai cuộc kháng chiến này, cạnh vua còn có Thượng hoàng (Trần Thánh Tông), nhưng cả về danh chính ngôn thuận cả trên thực tế phản ánh qua chính sử, Trần Nhân Tông thực sự là vị quốc chủ toàn quyền đưa ra những quyết định tối hậu và giành được thắng lợi rực rỡ, lập chiến công hiển hách, đạp tan 50 vạn quân Nguyên Mông ngay trên đất Đại Việt.

PGS.,TS Nguyễn Hữu Sơn- Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong bài tham luận của mình tại Hội nghị quốc tế Phật giáo mới đây cho rằng: Có thể nhận diện về Trần Nhân Tông như một nhân vật lịch sử, một mẫu hình hoàng đế phương Đông… Trong thời bình, Trần Nhân Tông thực hiện chủ trương “khoan sức dân”, mở rộng sản xuất, đưa ra chính sách thi cử, tuyển dụng nhân tài tiến bộ, thúc đẩy kinh tế, văn hóa phát triển ổn định. Với tầm nhìn xa trông rộng, ngay cả sau chiến thắng và khi đã nhường ngôi cho con và bản thân làm Thượng hoàng (1293), Trần Nhân Tông vẫn đích thân đi đánh dẹp nơi biên ải, trực tiếp giám sát, khuyên bảo Anh Tông và tham gia cắt đặt chính sự. Trần Nhân Tông cũng là người trực tiếp điều binh khiển tướng củng cố vững chắc vùng biên giới phía Tây và phía Nam đất nước.

Năm 1294, Ngài đã xuất gia ở hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình này nay), nhưng liền đó vẫn đích thân đi đánh dẹp phía Tây và tiếp tục chỉ bảo răn đe vị vua kế nghiệp ông là Trần Anh Tông.

… Đến mẫu hình thiền sư

Năm 1293 Trần Nhân Tông quyết định nhường ngôi cho Hoàng thái tử Thuyên- tức Trần Anh Tông. Đến tháng 8 năm Kỉ Hợi 1299, Trần Nhân Tông mới chính thức từ phủ Thiên Trường lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh, lấy đạo hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà, lập nên thiền phái mới và trở thành vị tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Là một vị vua thấu hiểu Phật lý với đầy đủ tinh thần Bi –Trí - Dũng, lên ngôi trong lúc đất nước có giặc ngoại xâm, chứng kiến bao cảnh thương tâm của cuộc sống nhân gian, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã chủ trương xây dựng một phái Thiền thuần Việt – Thiền phái Trúc Lâm, nhằm tìm một con đường giải thoát cho chính mình, đồng thời giải thoát cho những người khác, quy tụ nhân tâm về một mối, vừa giúp cho phong hóa được thuần hậu, người dân sống tốt đời đẹp đạo, đồng thời tăng cường sợi dây liên kết lòng người trong một thời buổi đất nước có chiến tranh, rất cần sự đoàn kết, tập trung sức mạnh.

Nổi bật lên trong tư tưởng thiền học Trần Nhân Tông là sự phong phú, đa dạng, bao hàm mọi tư tưởng Đại thừa và Tiểu thừa với nhiều phương pháp tu tập đốn-tiệm. Ngoài ra còn có cả tư tưởng Nho giáo- Lão giáo kết hợp với văn chương thơ phú.

Con đường từ một vị Hoàng đế đến một Thiền sư là con đường của giác ngộ và  giải thoát. Trong lịch sử Việt Nam, hiếm có vị hoàng đế nào tích tụ được những phẩm chất của một hoàng đế và một Thiền sư  - để rồi trở thành một Phật hoàng như Trần Nhân Tông.

PGS Trần Ngọc Vương từng viết về Trần Nhân Tông rằng: “Hoàng đế Trần Nhân Tông thực thi bổn phận đế vương của mình trên nền tảng của một thiền sư đã đắc đạo sớm. Và với một chân dung như vậy, Trần Nhân Tông trở nên là một điểm ngưng kết tuyệt đẹp của tâm thức lịch sử cộng đồng, một mẫu người cầm quyền lạ lẫm, kết hợp được tối đa chủ nghĩa vị tha, tinh thần “từ, bi, hỉ, xả”của nền đạo đức và cũng là sản phẩm của sự tu hành, nghiệm sinh và chứng ngộ theo Phật giáo với những phương diện tích cực lịch sử mà lý thuyết và thực tiễn cai trị của các bậc đế vương thành công nhất theo Nho giáo đã đúc kết được./.

Theo Lan Anh- Đặng Khanh/VOV.VN

Tệp đính kèm