Cập nhật: 12/12/2013 09:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ cuối tháng 10 Âm lịch, giá một số loại thực phẩm tươi sống và rau xanh đã nhích lên.

Giá cả biến động nhẹ

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

[video]/upload/2013/Audio/RADIOVIETNAM/THANG-12/12.11DoiDaoThucPhamRauXanh.mp3[/video]

Mặc dù dao động giá cả không lớn nhưng người tiêu dùng vẫn lo ngại, đà tăng giá này sẽ tiếp tục đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

Không đáng lo ngại

Xác nhận giá thịt lợn, thịt bò… trên thị trường đã biến động trong những ngày gần đây, nhưng bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền, một doanh nghiệp cung cấp thực phẩm lớn trên địa bàn Hà Nội cho hay: “Chúng tôi đang tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố nên giá bán ra vẫn ổn định.

Theo kinh nghiệm của tôi, nếu sang tháng 11 mà giá thịt lợn tăng thì đến Tết giá sẽ ổn định, không gây sốc”. Giải thích cụ thể vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hiền cho biết, nếu hiện tại, giá thịt lợn rẻ thì người chăn nuôi sẽ bán ồ ạt nên đến Tết, lượng thịt cung cấp ra thị trường khan hiếm hơn, giá cả sẽ tăng đột biến. Bây giờ giá tăng nhẹ thì người chăn nuôi sẽ giữ hàng, nguồn cung Tết dồi dào hơn. Vì vậy, giá thịt tăng là không đáng lo ngại.

Nguyên nhân thứ hai là do mức chuyển dịch giá khá thấp nên người tiêu dùng ở thời điểm này vẫn chấp nhận được. Ở đầu nhập hàng vào, giá thịt lợn trước đó tăng thêm 3.000 đồng/kg lợn hơi, sáng 9-12, giá được cộng thêm 500 đồng/kg. Tương ứng với mức tăng giá đầu vào này, giá bán lẻ thịt tại các chợ đã tăng thêm từ 5.000- 10.000 đồng/kg trong hơn 1 tuần qua.

Với mặt hàng rau xanh, việc tăng giá khá mạnh một số loại rau như: su hào, cải bắp, súp lơ… cũng được khẳng định là theo quy luật hàng năm. Ông Nguyễn Tuấn Khanh- Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đặng Xá cho hay: “Giá rau tại đầu ruộng đã tăng thêm khoảng 1,5 lần so với trước đó.

Mặc dù nông dân gieo trồng gối vụ nhưng đợt rau vụ đông đầu tiên đã cho thu hoạch xong, đợt tiếp theo có số lượng ít hơn, các lứa gieo mới chưa cho thu hoạch”. Cụ thể, tại bờ ruộng, su hào đã tăng từ 3.000 đồng/củ lên 5.000 đồng/củ; cải bắp cũng lên mức 5.000-6.000 đồng/kg. “Rau xanh đến vụ thu hoạch là phải cắt ngay mang ra chợ bán, không có chuyện nông dân “găm” hàng gây sốt giá. Dịp Tết, rau xanh sẽ dồi dào hơn”- ông Nguyễn Tuấn Khanh khẳng định.

Người dân vẫn bất an

Trái ngược với dự báo khá lạc quan của nhà sản xuất và cung ứng hàng, người tiêu dùng vẫn bất an khi giá tăng bởi dự báo lương thưởng Tết năm nay thấp hơn năm ngoái. Giá tăng dù ít dù nhiều đều làm túi tiền của người tiêu dùng vơi thêm. Chị Nguyễn Thị Bằng (ngõ Văn Hương- Tôn Đức Thắng- Đống Đa) chia sẻ: “Từ mớ rau đến con cá chúng tôi đều phải mua, không tự sản xuất được nên mỗi thứ tăng thêm một chút, cộng lại thành nhiều. Thu nhập gia đình ổn định, không có thêm thắt nên nhìn chung, giá tăng là chúng tôi lo lắng”.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, giá thịt lợn trên thị trường chỉ tăng thêm khoảng 10%. Thịt bò cũng đang biến động nhẹ do nguồn nhập hàng từ Lào và Thái Lan gặp khó khăn. Tuy nhiên, nguồn cung hàng hóa từ nay đến Tết Nguyên đán vẫn đảm bảo và sức mua cũng khó tăng đột biến.

Đồng tình quan điểm này, chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội siêu thị thành phố Hà Nội cho hay: “Nếu không có dịch bệnh như: cúm gia cầm, bệnh lợn tai xanh và thời tiết thuận lợi thì thực phẩm tươi sống và rau xanh đều đảm bảo nguồn cung”.

Và như vậy, giá cả từ nay đến Tết có xu hướng ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý, các cơ quan quản lý cần có biện pháp theo dõi, kiểm soát hoạt động nhập lợn mỡ của các thương lái Trung Quốc. “Có thông tin cho biết, một số tỉnh miền Đông Nam bộ và tỉnh Hà Nam, thương lái Trung Quốc đang thu mua lợn mỡ. Tại Hà Nam, mỗi ngày có trung bình 4 xe thu mua, mỗi xe 200- 300 con. Số lượng thu mua hiện tại như vậy không nhiều, nhưng nếu không kiểm soát tốt, có thể tăng số lượng, ảnh hưởng nguồn cung”- ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Theo Radio Việt Nam

Tệp đính kèm