Cập nhật: 14/12/2013 10:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cây táo ta, hay còn gọi là táo chua (Ziziphus mauritiana Lamk.) được trồng ở hầu hết các vùng miền trong cả nước. Từ lâu, táo ta đã trở thành một cây đem lại lợi ích kinh tế, vừa là cây ăn quả ngon, vừa làm thuốc. Nhiều bộ phận của cây có tác dụng  phòng trị bệnh tốt.

Táo nhân là nhân hạt quả táo. Sau khi ăn quả táo, cần thu lượm các hạt táo, phơi khô, xay hoặc đập, lấy nhân làm thuốc còn gọi là toan táo nhân. Do toan táo nhân có độc tính nên đều dùng dưới dạng sao chế thành hắc táo nhân. Theo YHCT, táo nhân có vị ngọt, tính bình; quy kinh tâm, can, tỳ, đởm. Táo nhân có tác dụng tĩnh tâm, an thần, bổ can, liễm hãn, sinh tân. Dùng trị tâm thần bất an, tim hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt, thần kinh suy nhược, mất ngủ, nhiều mồ hôi, tân dịch thương tổn, miệng khô khát. Dùng hắc táo nhân trị một số bệnh:

Trị mất ngủ, khó ngủ và sau khi ốm dậy: dùng 5 - 9g hắc táo nhân sắc riêng, hoặc phối hợp với lạc tiên, bình vôi, mỗi vị 12g, liên tâm 5g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần uống trước bữa ăn, uống liền 2 - 3 tuần lễ.

Trị ra nhiều mồ hôi trộm: hắc táo nhân, nhân sâm, phục linh đồng lượng, nghiền bột mịn, mỗi lần uống 6 - 8g với nước cháo, ngày một lần. Uống liền 3 - 4 tuần, tới khi các triệu chứng thuyên giảm.

Trị tim hồi hộp, bồn chồn, hoảng hốt, ngủ hay mê sảng: hắc táo nhân 6g, long nhãn, mạch môn, liên nhục, thảo quyết minh (sao đen), sinh địa, mỗi thứ 12g. Sắc uống, ngày một thang chia 3 lần, sau bữa ăn 1,5 - 2 giờ. Uống liền 2 - 3 tuần.

Lưu ý: Liều dùng chung của hắc táo nhân 9 - 15g/ ngày, dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Những người sốt cao, cảm nặng không nên dùng. Trên lâm sàng, hắc táo nhân có tác dụng chính như an thần, trấn tĩnh tốt, dùng cho những người mất ngủ, tinh thần hoảng loạn... Tuy nhiên, không nên sử dụng toan táo nhân một cách tùy tiện, với liều cao tới 10g, hoặc 25g toan táo nhân mà không qua sao chế. Nếu không sao chế thành hắc táo nhân, toan táo nhân vẫn có thể sử dụng để làm thuốc an thần, gây ngủ, nhưng chỉ hạn chế với liều 0,8 - 1,2g, hoặc 1,8g/ngày (tức khoảng 15 - 20 hạt cho người lớn). Do đó, khi dùng vị thuốc cổ truyền, không riêng gì toan táo nhân, dưới dạng dược thiện hay dạng thuốc uống, luôn phải nghĩ tới an toàn và hiệu quả cho người sử dụng. Tốt nhất phải tôn trọng cách chế biến cổ truyền cho từng vị thuốc.

Lá táo: chứa tanin, rutin, ancaloid berberin..., có tác dụng hạ huyết áp nhẹ, sát khuẩn, trừ mủ... Dùng trị ho, hen, khó thở lâu ngày: chọn lá táo bánh tẻ 200 - 300g, rửa sạch, để ráo nước, sao vàng, sắc đặc, uống ngày 1 thang, chia 2 lần trước bữa ăn 1,5 giờ. Uống liền 2 - 3 tuần. Có thể phối hợp với lá dâu, lá chanh đồng lượng, tán bột cùng với mật ong làm hoàn, trị ho, ho gà, hen suyễn. Ngoài ra, lá táo còn dùng ngoài trị mụn nhọt, dưới dạng cao mềm.

Vỏ thân cây táo: chứa mauritin A, B, frangufolin..., dùng trị đau nhức răng. Lấy vỏ thân, cạo bỏ lớp bần bên ngoài, thái nhỏ, sắc, ngậm khi đau răng, lợi.

Rễ táo thái mỏng, phơi khô, ngâm rượu 3 - 4 tuần. Lấy rượu này chấm vào nơi răng bị đau, nhức.

Quả táo: chứa nhiều vitamin, acid amin, anthranoid, các chất  đường, protein, chất béo... Quả táo ăn bổ, ngon và mát. Ăn táo tươi, bổ sung nguồn vitamin A, C... cho cơ thể, đồng thời giúp cho việc tiêu hóa được thuận lợi, nhất là đối với những người hay bị táo bón.   

GS.TS. Phạm Xuân Sinh

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm