Cập nhật: 21/12/2013 14:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sẽ có bao nhiêu vụ bạo hành trẻ em xảy ra nếu như không có sự vào cuộc mạnh mẽ và trách nhiệm của các cơ quan chức năng.

 

Bạo hành trẻ ở điểm trông giữ trẻ Phương Anh (Tp.HCM)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:  

[video]/upload/2013/Audio/RADIOVIETNAM/THANG-12/12.21DeKhongConBaoHanhTre.mp3[/video]

Trẻ khóc liền bị bảo mẫu đánh đập khiến cho bé tử vong ngay sau đó. Trẻ không chịu ăn, không nghe lời bị đánh vào miệng, vào mặt và bị bế thốc nhúng đầu vào bể chứa nước…. và kết quả là những bé này lúc nào cũng sợ đi học và luôn sống trong tình trạng sang chấn tâm lý, đêm ngủ luôn luôn la hét hoảng sợ. Hành vi tàn bạo này diễn ra tại nhóm trẻ gia đình và cơ sở giữ trẻ không phép ở quận Thủ Đức đã khiến người dân thành phố Hồ Chí Minh và cả nước bàng hoàng, phẫn nộ. “Thứ nhất phải xử phạt nặng, thứ hai giáo dục những người đó để họ biết cách khi gặp con bị như vậy thì ngay lập tức ngay từ lúc đầu”. “Đề nghị khởi tố, xử phạt thật nặng tại vì trên Thủ Đức cũng có một vụ bảo mẫu làm chết trẻ em, ngay sau đó lại tiếp tục bảo mẫu bạo hành trẻ em. Nên cần răn đe”.

 Không chỉ bức xúc trước sự bạo hành dã man mà người dân còn bức xúc vì sự thiếu kiên quyết và vô trách nhiệm của chính quyền địa phương nên mới dẫn ra sự việc đau lòng tại cơ sở giữ trẻ Phương Anh. Bởi lẽ, vào ngày 15/11 và 6/12, Ủy ban nhân dân phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức đã tiến hành kiểm tra hoạt động giữ trẻ trên địa bàn và đã phát hiện ra cơ sở này hoạt động không phép. Thế nhưng, không hiểu lý do gì mà cơ sở này vẫn ngang nhiên mở cửa hoạt động, cho đến ngày 13/12, vụ bạo hành trẻ em của bảo mẫu mới bị phanh phui từ một đoạn băng video.

 Khi vụ việc xảy ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức đã nhận trách nhiệm trước lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Ủy ban nhân dân phường Hiệp Bình Phước cũng sẽ kiểm kiểm trách nhiệm những cá nhân có liên quan đến công tác quản lý, xử lý cơ sở mầm non không phép này. Ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức cho biết: Thủ Đức là địa bàn xảy ra 2 vụ việc nghiêm trọng về bảo mẫu bạo hành trẻ em.

Ngay trong vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ ở phường Linh Trung, Ủy ban nhân dân quận đã tiến hành kiểm tra, xử lý các cơ sở giữ trẻ không phép. Tuy nhiên, khi đang tiến hành thực hiện thì lại tiếp tục xảy ra vụ việc của cơ sở Phương Anh. Ông Nguyễn Thọ Truyền thừa nhận: “Đây là sự việc rất đáng tiếc, thấy được trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lí còn lỏng lẻo. Tuy nhiên cũng có thể nói trách nhiệm của nhân dân với việc chăm sóc bảo vệ trẻ em còn hạn chế. Nếu chúng ta nghe tiếng khóc của trẻ, quát tháo của nơi giữ trẻ thì chúng ta kịp thời báo địa phương, cũng góp phần cùng địa phương giảm thiểu những sự việc đáng tiếc như thế”.

 Điều đáng nói là hiện nay trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có hơn 800 trường mầm non, gần 1.300 điểm giữ trẻ được cấp phép. Và theo thống kê sơ bộ hiện thành phố có gần 1.000 điểm giữ trẻ hoạt động không phép. Vậy ngành giáo dục đào tạo thành phố đã phối hợp với chính quyền địa thực hiện việc quản lý, kiểm tra, hoạt động của những cơ sở này như thế nào?

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trách nhiệm của chúng tôi theo quản lí của ngành dọc, chúng tôi năm nào cũng có chỉ đạo và phối hợp với các phòng giáo dục và đào tạo xuống tận các nhóm trẻ gia đình, các nơi đã có đăng kí cấp phép. Để có những chấn chỉnh kịp thời nếu xảy ra những vấn đề gì không đúng, chưa đúng theo quy định. Đồng thời phát hiện luôn những điểm giữ trẻ tự phép và không phép để đề nghị đóng của ngay để nghiêm khắc xử lí những trường hợp này”.

 Nói như ông Lê Hồng Sơn, Sở Giáo dục Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã làm đúng trách nhiệm của mình trong việc phối hợp kiểm tra, xử lý những điểm giữ trẻ không phép. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục đào tạo thành phố cũng đã thừa nhận một thức tế là việc kiểm tra các cơ sở nuôi giữ trẻ mầm non ngoài công lập hết sức phức tạp.

 Thành phố mỗi ngày một đông dân, dân nhập cư cao, nhu cầu gửi trẻ mỗi ngày một tăng, nhất là trẻ từ 6 đến 12 tháng, trong khi cơ sở giữ trẻ công lập và tư thục không đáp ứng xuể. Không còn cách nào khác, các phụ huynh là công nhân, người lao động có con độ tuổi này phải gửi con ở nhà trẻ tư hoặc chọn nhóm trẻ gia đình. Và dường như rất ít ai quan tâm đến cơ sở đó có phép hay không phép, chất lượng trông giữ trẻ ra sao mà cái chính là thỏa thuận đồng ý giữ trẻ theo yêu cầu đưa ra giữa đôi bên. Giải quyết nhu cầu về chỗ giữ trẻ bậc mầm non, nhất là từ 6 đến 18 tháng tuổi đang là bài toán nan giải của ngành giáo dục thành phố.

 Sắp tới, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổng rà soát kiểm tra nhóm trẻ em gia đình, xử lý nghiêm những cơ sở không phép, đồng thời tập huấn cách chăm sóc trẻ cho các bậc phụ huynh và những người làm nhiệm vụ chăm sóc trẻ.

 Tuy nhiên, giải pháp căn cơ, cấp bách nhất hiện nay là cần đẩy nhanh việc xây dựng các trường mầm non ở các khu chế xuất-khu công nghiệp. Vì theo chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố, các khu chế xuất-khu công nghiệp phải dành tối thiểu 5.000 m2 để xây dựng các nhà trẻ phục vụ con công nhân đang làm việc tại đây. Ông Lê Hồng Sơn cũng khẳng định ngoài những giải pháp căn cơ đó thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc trong việc tăng cường phối hợp kiểm tra các cơ sở chăm sóc trẻ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc xảy ra./.

Theo Radio Việt Nam

Tệp đính kèm