Cập nhật: 14/04/2014 15:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đại diện T.Ư Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm thăm, tặng quà người tàn tật và trẻ mồ côi.

Đại diện T.Ư Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm thăm, tặng quà người tàn tật và trẻ mồ côi.

Đến hết năm 2013, 44 tỉnh, thành hội Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã có gần 20 nghìn lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi (NKT-TMC) tại 124 xã xây dựng nông thôn mới được hỗ trợ bằng nhiều hình thức để cải thiện điều kiện sinh hoạt và giảm nghèo, nâng cao cuộc sống.

Năm 2009- 2010, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam triển khai xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình hỗ trợ sinh kế cải thiện sinh hoạt cho NKT-TMC bằng các hình thức trợ giúp vốn chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, trồng rau, nuôi ong, trợ giúp xe lăn, xe lắc gắn hỗ trợ xây dựng đường tiếp cận tại gia đình, cộng đồng.... Kết quả bước đầu đáng khích lệ, năm 2011, T.Ư Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã đưa mô hình này vào một trong sáu chương trình hoạt động trọng tâm của Hội, được triển khai sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm, trở thành phong trào thi đua trong toàn hệ thống Hội.

Với phương thức "trao cần câu", năm 2013, T.Ư Hội phối hợp các tỉnh, thành hội hỗ trợ vốn cây, con giống cho các hộ gia đình có NKTTMC để họ có điều kiện tự phát triển kinh tế.Nhờ có đồng vốn, các hộ gia đình được hỗ trợ đã vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Trong số 3.579 hộ được hỗ trợ phát triển nghề và vốn phát triển kinh tế, có 116 hộ đã thoát nghèo.Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Nguyễn Đình Liêu, khẳng định: Việc làm này đã tạo ra một "cú huých" cho gia đình NKT-TMC sống ở nông thôn, vốn phần lớn thuộc diện nghèo, có cơ hội vươn lên. Thông qua các mô hình đã động viên, khích lệ NKT vượt qua mặc cảm, cam chịu, tự tin vào khả năng của mình, tham gia lao động, sản xuất phù hợp với sức khỏe, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đồng thời, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương cùng tham gia thực hiện chính sách, pháp luật đối với NKT-TMC. Khơi dậy, phát huy được "nguồn vốn nội tại" chính là tình cảm, sự đùm bọc và trách nhiệm của gia đình, người thân, họ hàng, xã hội đối với NKT-TMC.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ NKT- TMC tại các xã xây dựng nông thôn mới còn bộc lộ một số hạn chế do đội ngũ cán bộ, hội viên và cán bộ chính quyền cơ sở còn thiếu kiến thức về hoạt động, cho nên quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng. Số người có nhu cầu được trợ giúp lớn, trong khi nguồn lực xã hội hóa, cũng như nguồn từ ngân sách nhà nước còn ít. Một số địa phương chưa tổ chức trợ giúp được rộng khắp, đồng đều và chưa quan tâm xây dựng đường tiếp cận tại các công trình phúc lợi theo quy định của Luật NKT, tạo ra những khó khăn cho người khuyết tật trong đi lại, làm ăn tự chủ trong cuộc sống.

Cải thiện đời sống cho NKT-TMC rất cần sự tham gia tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của nhân dân, gia đình NKT-TMC.

 

Theo Trịnh Sơn/Nhân dân điện tử

Tệp đính kèm