Trong tiến trình CNH, HÐH, đất nước ta phải đầu tư xây dựng rất nhiều công trình công nghiệp quan trọng. Chỉ tính riêng thiết bị đồng bộ cho các dự án nhiệt điện, hóa chất, khai khoáng... thì trong giai đoạn 2012-2025, Việt Nam phải nhập khẩu tới 150 tỷ USD. Nếu ngành cơ khí trong nước đảm đương được 30 đến 40% số này thì đã là rất lớn.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là, tại hầu hết các dự án, nhất là dự án nhiệt điện than, rồi cả xi-măng, có những tổng thầu tự cung tự cấp từ con bu-lông, ốc vít, thậm chí kể cả lao công, quét dọn. DN trong nước hầu như không tham gia chế tạo được phần nào. Tỷ lệ nội địa hóa của các dự án này hầu như bằng không. Chỉ một số rất ít các dự án tỷ lệ nội địa hóa đạt đến 25%.
Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng tựu chung lại một số nét chính là: các chủ đầu tư các dự án có vốn trong nước không "mặn mà" tạo điều kiện cho các nhà thầu trong nước tham gia; không muốn bóc tách các gói thầu để giao phần việc có khả năng làm được cho các nhà thầu trong nước đảm đương chế tạo. Cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm phát triển ngành cơ khí trong nước có khá nhiều, tuy nhiên, việc thực hiện lại chưa nghiêm; vai trò quản lý, kiểm tra, đề xuất và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách này còn hạn chế; năng lực tài chính, tư vấn, thiết kế và chế tạo của các DN cơ khí còn manh mún, công nghệ lạc hậu, thiếu khả năng cạnh tranh, thiếu sự liên kết; lãi suất tín dụng đầu tư và thuế thu nhập DN đối với ngành cơ khí còn khá cao; các quy định trong Luật Ðấu thầu còn nặng về đấu giá, chưa ưu tiên đúng mức tỷ lệ nội địa hóa...
Ðến nay, ngành cơ khí trong nước mới đảm đương chế tạo được khoảng 10% thiết bị toàn bộ các nhà máy. Trong đó, nội địa hóa được 90% thiết bị thủy công và 30% giá trị thiết bị cho nhà máy thủy điện; 20% dự án nhiệt điện than (cả xây dựng và chế tạo, lắp đặt thiết bị); 40% cho thiết bị nhà máy xi-măng; từ 50% đến 70% cho nhà máy tuyển quặng than hay bô-xít; 35% thiết bị giàn khoan tự nâng... Nhưng tính chung, con số này không đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam theo Quyết định số 186/2002/QÐ-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 26-12-2002. Có điều rõ ràng là với sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của Chính phủ thì một số lĩnh vực như thiết bị thủy công, nhà máy xi-măng lò quay, giàn khoan tự nâng 90m nước đạt kết quả khả quan tích cực. Thế nhưng, các dự án thủy điện lớn thì cũng đã hết, các dự án xi-măng đã bão hòa. Thủ tướng Chính phủ có giao các DN cơ khí trong nước đảm đương tổng thầu EPC ba dự án nhiệt điện than theo Quyết định số 1791/QÐ-TTg thì các chủ đầu tư lại chưa thu xếp được vốn, cho nên ước nguyện của các DN vẫn còn nằm trên giấy.
Ðể nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam, nâng cao năng lực chế tạo, góp phần quan trọng giảm nhập siêu, tạo điều kiện cho các DN cơ khí trong nước tham gia các dự án trọng điểm thì cần sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ tới các bộ, ngành và doanh nghiệp. Trước hết, phải thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách của Chính phủ phát triển ngành cơ khí; xử lý nghiêm những chủ đầu tư nào cố tình lách luật, không bóc tách các gói thầu cung ứng thiết bị mà trong nước đã chế tạo được với chất lượng bảo đảm và giá cả cạnh tranh. Sửa đổi Luật Ðấu thầu nhằm tạo điều kiện nhiều hơn cho các nhà thầu trong nước cũng như sản phẩm, dịch vụ của ngành cơ khí chế tạo trong nước. Nghiên cứu, mạnh dạn giao tổng thầu EPC các dự án trọng điểm cho liên danh các nhà thầu trong nước có đủ năng lực, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình này. Xem xét giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, lãi suất tín dụng cho ngành cơ khí bởi đặc thù là ngành đòi hỏi đầu tư vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, lợi nhuận thấp hơn so các ngành khác. Kiện toàn bộ máy, tổ chức quản lý nhà nước về cơ khí thuộc Bộ Công thương. Bản thân các DN cơ khí cũng phải tự chủ động vươn lên, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; tham gia tích cực chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết với các đơn vị, hạn chế kiểu đầu tư khép kín, dàn trải; tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp thu công nghệ, kinh nghiệm...
Theo Bảo Tùng/Nhân dân điện tử