Bộ Y tế đã đưa ra nhận định virus sởi không có sự biến đổi về gen gây bệnh nhưng tại các bệnh viện đã có nhiều ca biến chứng viêm phổi, suy hô hấp do sởi nặng, trẻ tử vong khiến các bậc phụ huynh và cộng đồng băn khoăn, lo lắng.
Điều trị nội trú cho bệnh nhân sởi. (Nguồn: TTXVN)
Trước tình hình này, phóng viên đã trao đổi với phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về tình hình trẻ biến chứng do mắc bệnh sởi và những khuyến cáo của Bộ Y tế đối với các bậc phụ huynh.
- Tại cuộc họp trực tuyến về tình hình dịch sởi, Bộ Y tế đã đưa ra nhận định virus sởi không có sự biến đổi về gen gây bệnh, vẫn là gen sởi cổ điển nhưng trên thực tế tại các bệnh viện đã có nhiều ca bệnh biến chứng viêm phổi, suy hô hấp do sởi rất nặng, khiến trẻ tử vong. Cục trưởng đánh giá về vấn đề này như thế nào?
- Cục trưởng Trần Đắc Phu: Từ đầu năm 2014 đến nay, Việt Nam ghi nhận 6.611 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó 2.492 trường hợp được xác định mắc bệnh sởi và có 25 trường hợp tử vong vì sởi. Số ca mắc sở ở Việt Nam năm nay thấp hơn so với vụ dịch sởi năm 2009-2010 khoảng gần 2.000 trường hợp. Thực tế là hàng năm vẫn có nhiều trường hợp mắc bệnh sởi, không chỉ có trẻ em mà còn có cả người lớn.
Việt Nam hiện nay vẫn chưa công bố loại trừ bệnh sởi và đang cố gắng để đạt được mục tiêu tiến đến loại trừ bệnh sởi vào năm 2017.
Mặc dù số lượng mắc sởi tại cộng đồng thấp hơn so với năm 2009-2010 nhưng số trường hợp bệnh nhân lại cao cục bộ tại bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Nhi-Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Xanh Pôn của Hà Nội.
Trước tình hình đó, nhiều lần các Vụ, Cục liên quan của Bộ Y tế đã trực tiếp kiểm tra và làm việc tại bệnh viện. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã trực tiếp kiểm tra tình hình tại Bệnh viện Nhi Trung ương để tháo gỡ khó khăn vì quá tải bệnh nhân nặng, trong đó có bệnh nhân sởi.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã chỉ đạo bệnh viện bố trí khu vực điều trị riêng cho bệnh nhân sởi, tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly có thể được, bổ sung trang thiết bị, kinh phí cho bệnh viện…
Bên cạnh đó, mùa đông xuân là mùa của dịch bệnh đường hô hấp nên số bệnh nhân viêm phổi nhập viện trong dịp này thường tăng cao. Năm nay, do bệnh sởi xảy ra cùng lúc với thời điểm bệnh nhân viêm phổi nhập viện cao nên số bệnh nhân nặng cũng nhiều hơn. Thực tế theo dõi năm nay cho thấy phần lớn bệnh nhân mắc sởi nặng là do có bệnh lý ở phổi hoặc bị biến chứng viêm phổi sau sởi.
Cách đây một tháng, Hội đồng chuyên môn về điều trị của Bộ Y tế đã kết luận là chưa cần sửa đổi Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi. Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay, Hội đồng lại tiếp tục họp nghiên cứu thêm về vấn đề này để đánh giá, rút kinh nghiệm trong điều trị, tìm giải pháp điều trị tốt hơn.
- Đến nay, số bệnh nhân tử vong do sởi mà Bộ Y tế công bố là 25 trường hợp. Tuy nhiên, dư luận lại cho rằng số tử vong thực tế cao hơn nhiều lần con số này. Cục trưởng nhận định như thế nào về vấn đề này?
- Cục trưởng Trần Đắc Phu: 25 ca tử vong nêu trên được khẳng định là các trường hợp tử vong do biến chứng của sởi. Còn trên thực tế tại bệnh viện có thể có những trường hợp bệnh nhân tử vong do các nguyên nhân khác, bao gồm cả bệnh nhân vừa mắc sởi, vừa mắc các bệnh khác.
Thời điểm hiện tại có nhiều dịch bệnh song hành, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết giao mùa đông-xuân là điều kiện để các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi ở trẻ em phát triển với nhiều triệu chứng tương tự như bệnh sởi và cũng có thể là biến chứng của bệnh sởi.
Bệnh viêm phổi là nguyên nhân cao nhất gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm ghi nhận khoảng 1,1 triệu trẻ tử vong. Bệnh viêm phổi cũng do nhiều tác nhân virus hoặc vi khuẩn gây bệnh khác nhau, trong đó không phải ca nào cũng xác định được chính xác tác nhân gây bệnh. Một vấn đề nữa là số trường hợp tử vong chỉ tập trung chủ yếu ở phía Bắc mà phía Nam chưa có.
Chính vì vậy, Bộ Y tế đang tiếp tục tìm hiểu nghiên cứu về virus học, đặc điểm lâm sàng, dịch tễ học của bệnh để có những kết luận chính xác nhất. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với các bệnh viện ở phía Bắc, Viện Pasteur Hồ Chí Minh phối hợp với các bệnh viện ở phía Nam đã và đang khẩn trương thực hiện các nghiên cứu này.
- Các ca tử vong do mắc bệnh sởi tập trung tại địa phương nào, thưa ông?
- Cục trưởng Trần Đắc Phu: Hiện nay, số bệnh nhân đông chỉ tập trung ở Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Xanh Pôn của Hà Nội. Các trường hợp tử vong đã báo cáo (25 trường hợp) là của một số tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Nội.
Bộ Y tế cũng đang phân tích thêm sự khác biệt về thời tiết giữa hai miền Nam-Bắc trong thời gian vừa qua xem có ảnh hưởng đến mức độ nặng của bệnh sởi hoặc có vấn đề nguyên nhân khác liên quan ở khu vực miền Bắc không.
- Nhìn nhận thực tế diễn biến sởi tại các bệnh viện có nhiều trẻ biến chứng nguy hiểm, Cục trưởng cho biết thêm về vấn đề công bố dịch?
- Cục trưởng Trần Đắc Phu: Hiện nay việc công bố dịch thực hiện theo Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện công bố dịch.
Sởi là dịch bệnh nhóm B nên việc công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh và khả năng kiểm soát của địa phương. Hiện nay các địa phương thấy rằng dịch vẫn trong tầm kiểm soát nên chưa công bố.
Khi có 2 tỉnh trở lên đồng thời yêu cầu công bố dịch, Bộ Y tế sẽ xem xét để công bố dịch theo thẩm quyền được giao. Còn về các điều kiện khác như vấn đề biến đổi gen, thay đổi độc lực… của virus sởi thì các nghiên cứu của Bộ Y tế cũng như thông báo của Tổ chức Y tế thế giới cũng chưa có gì bất thường.
Việc Bộ Y tế chưa công bố dịch sởi không có nghĩa là không triển khai các hoạt động phòng chống dịch sởi hoặc không cung cấp tình hình bệnh sởi đến người dân. Thực tế trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế cùng các địa phương đã tập trung cao độ, huy động các nguồn lực vào công tác phòng chống bệnh sởi.
Ngay từ đầu năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trực tiếp chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong đó có bệnh sởi. Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị trong ngành y tế phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng, thực hiện quyết liệt chiến dịch tiêm vắcxin sởi và tiêm vét vắcxin sởi với mục tiêu đạt trên 95% số trẻ dưới 2 tuổi (đối với Thành phố Hồ Chí Minh là dưới 3 tuổi) chưa được tiêm vắcxin sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi được tiêm vắcxin sởi trong dịp này.
Đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai chiến dịch tiêm vắcxin sởi và quyết tâm hoàn thành trong tháng 4/2014. Các đơn vị y tế cũng đã tập trung điều tra, giám sát để xử lý triệt để các ổ dịch. Đến nay, một số tỉnh miền núi ở phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang… trước đây có số mắc sởi cao tại một số xã nay đã giảm mạnh, chỉ còn ghi nhận một vài ca lẻ tẻ hoặc không còn ghi nhận ca bệnh.
Dịch bệnh luôn có những diễn biến phức tạp, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để cung cấp thông tin cho người dân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp; đồng thời tiếp tục đôn đốc triển khai quyết liệt chiến dịch tiêm vắcxin sởi nhằm kiểm soát hoàn toàn một cách chủ động bệnh sởi trên phạm vi toàn quốc.
- Dịch sởi đang diễn biến bất thường nên khi trẻ xuất hiện dấu hiệu sốt, phát ban các bậc phụ huynh đều vội vàng đưa con đến viện. Ông có khuyến cáo gì với các cha mẹ trong thời điểm này?
- Cục trưởng Trần Đắc Phu: Đúng là như vậy, hiện tượng quá tải chỉ xảy ra ở Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Xanh Pôn của Hà Nội. Trong khi đó, bệnh viện ở các tỉnh lân cận lại không có bệnh nhân sởi hoặc rất ít.
Sởi là một bệnh dễ lây qua đường hô hấp. Nếu trẻ chưa có miễn dịch với sởi lại tiếp xúc với trẻ mắc sởi thì nguy cơ lây bệnh rất cao gần như 100%. Tất cả trẻ bị nhiễm với virus sởi đều có biểu hiện lâm sàng. Chính vì thế, nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh nào đó trong đó có cả mắc sởi, người dân nên khám trước ở tuyến cơ sở để được hướng dẫn điều trị hợp lý chứ không nên đến thẳng lên bệnh viện tuyến Trung ương.
Thực tế hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện có đủ năng lực điều trị bệnh sởi và có đủ giường bệnh để thực hiện việc cách ly, phòng chống lây nhiễm, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện không chuyển các bệnh nhân lên tuyến trên để tránh các trẻ em bị mắc các bệnh khác mà không bị mắc sởi sẽ dễ bị lây nhiễm sởi khi tiếp xúc với bệnh nhân sởi (kể cả ngay từ phòng khám bệnh chứ chưa cần vào điều trị trong bệnh phòng). Hoặc ngược lại, các trẻ em mắc sởi nhẹ chỉ cần điều trị tuyến dưới nếu lên tuyến trên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác nặng hơn vì tuyến trên bao giờ cũng có bệnh nhân nặng và nguy hiểm.
Trong lúc này mặc dù đã rất cố gắng, bệnh viện tuyến trung ương vẫn tiếp tục quá tải, không đủ giường bệnh để thực hiện cách ly, phòng chống lây nhiễm nên nguy cơ nhiễm virus sởi hoặc các bệnh nhiễm trùng khác trong bệnh viện là rất lớn.
Thực tế tại Bệnh viện Nhi Trung ương sau khi đã dành các phòng làm việc của bác sỹ cho điều trị bệnh nhân sởi, số trẻ phải nằm ghép vẫn cao. Điều này không thể đảm bảo việc phòng chống lây nhiễm chéo. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên cho trẻ khám tại các bệnh viện tuyến cơ sở, phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc theo dõi sát diễn biến của con mình để điều trị kịp thời.
Đồng thời các gia đình cũng lưu ý trong việc chăm sóc về dinh dưỡng và vệ sinh cho trẻ để tránh nguy cơ mắc các biến chứng do sởi gây ra. Đặc biệt, để trẻ em không mắc sởi, biện pháp duy nhất là các bà mẹ phải đưa trẻ đi tiêm phòng sởi đầy đủ và đúng lịch./.
Theo Thu Hương (TTXVN/VIETNAM+
http://www.vietnamplus.vn/bo-y-te-len-tieng-ve-thuc-trang-dien-bien-va-tu-vong-do-benh-soi/254609.vnp