Với ông Châu cùng nhiều chiến sĩ khác ở Côn Đảo, ngày 30/4/1975 như là ngày họ được sinh ra lần thứ 2
Cứ mỗi dịp kỷ niệm 30/4, trong lòng mỗi người lính năm xưa lại dâng trào những cảm xúc, hoài niệm khó quên về những ngày tháng hào hùng của dân tộc. Ông Phạm Ngọc Châu, ở thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, một trong ba mươi hai tử tù bị biệt giam ở Côn Đảo từ năm 1966 đến năm 1975; bằng ý chí sắt thép và niềm tin vào cách mạng, ông Châu đã vượt qua những trận tra tấn dã man của kẻ thù, để cùng đứng lên giải phóng Côn Đảo ngay trong ngày 30/4/1975...
Tái hiện cuộc sống của những người tù trong nhà tù Côn Đảo
Đánh đạp dã man..,bỏ đói nhiều ngày…và những kiểu tra tấn đau đớn nhất ở nơi địa ngục trần gian-Tù Côn Đảo...luôn luôn là nỗi ám ảnh đối với ông Phạm Ngọc Châu. Tham gia cách mạng từ những năm kháng chiến chống Pháp, đến năm 1965, ông Phạm Ngọc Châu bị địch bắt và tuyên án tử hình và đưa ra Côn Đảo. Với ông Châu cùng nhiều chiến sĩ khác ở Côn Đảo, ngày 30/4/1975 như là ngày họ được sinh ra lần thứ 2 trong cuộc đời.
Ông Phạm Ngọc Châu nhớ lại: “Khi nghe được tin miền Nam giải phóng từ nguồn tin của Linh mục Vĩnh Thụy, tức Đại úy Dậu vào báo, lòng anh em tù và bản thân tôi thấy như mình đã sống lại. Đảng, Nhân dân và Quân đội đã sinh ra chúng tôi lần thứ 2. Vì tôi nhận bản án tử hình không có ngày trở về, cho nên lúc đó mình như được sống lại".
84 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, mỗi một ngày trôi qua, ông Phạm Ngọc Châu lại sống thêm với những hoài niệm, ký ức về những tháng năm gian khổ nhưng đầy hào hùng của dân tộc. Những hoài niệm, ký ức ấy được ông truyền dạy cho con cháu trong gia đình, bằng những câu chuyện thật về nơi địa ngục trần gian, về ngày mà ông cùng đồng đội như được sinh ra một lần nữa.
Bây giờ, mỗi lần treo lá cờ Tổ quốc kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, ông Châu lại nhớ về đồng đội, nhớ về những tháng ngày hào hùng. Lá cờ nhuốm bao máu xương của lớp lớp chiến sỹ vẫn sáng rực trên bầu trời quê hương./.
CTV Thoại Kỳ/ VOV.VN