Cập nhật: 28/05/2014 16:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2013, được ghi nhận là năm kỷ lục trong vòng 50 năm về số lượng cũng như cường độ các trận bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, rét đậm, rét hại, dông, lốc cũng xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề. Năm 2014 thời tiết được nhận định tiếp tục có những diễn biến bất thường. Thực tế đang cho thấy điều đó. 

Cơn bão số 11 năm 2013 gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền trung. Ảnh: QUANG HUY

Trong năm 2013, thiên tai trên phạm vi cả nước diễn biến phức tạp, bất thường, bão xuất hiện sớm và nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Ðây là năm ghi nhận được số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) hoạt động trên Biển Ðông ảnh hưởng đến nước ta đạt mức kỷ lục trong 50 năm qua. Trong đó có ba cơn bão cường độ mạnh hơn cấp 12 đổ bộ trực tiếp vào đất liền. Ðặc biệt, bão số 14 - siêu bão HaiYan là cơn bão rất mạnh về cường độ có thể so sánh với bão Katrina đổ bộ vào nước Mỹ. Ngoài ra, lũ đặc biệt lớn do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 15 tại các tỉnh miền trung và Tây Nguyên gây ngập úng trên diện rộng, một số sông đã vượt mức lịch sử. Mưa đá, lốc xoáy gây thiệt hại lớn ở các tỉnh miền núi phía bắc cuối tháng 3; trận lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra vào đầu tháng 9 tại xã Bản Khoang, huyện Sa Pa và các đợt rét đậm, kèm theo mưa tuyết lớn lần đầu xuất hiện trong vòng 30 năm trở lại đây vào nửa cuối tháng 12-2013 tại một số tỉnh miền núi phía bắc, trong đó ảnh hưởng lớn nhất tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.Các loại hình thiên tai xảy ra trong năm 2013 đã làm 285 người chết và mất tích, trong đó, 254 người chết (do bão là 52 người; do lũ, lũ quét là 163 người; do các thiên tai khác 39 người) và 31 người mất tích; 859 người bị thương; 12.185 nhà bị đổ, sập, trôi; 893.435 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 345.802 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu m3 đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp... Ước tính thiệt hại về vật chất khoảng 28 nghìn tỷ đồng.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, năm 2014, số lượng bão và ATNÐ hoạt động trên Biển Ðông có khả năng ở mức thấp hơn so trung bình nhiều năm (TBNN), chỉ khoảng 9-10 cơn (TBNN khoảng 10-12 cơn) và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta cũng ở mức thấp hơn so TBNN, khoảng bốn đến năm cơn (TBNN khoảng năm đến sáu cơn). Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, bão và ATNÐ đã xuất hiện, biểu hiện của hiện tượng thời tiết bất thường. Chính vì vậy, cần đề phòng những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và không theo quy luật khí hậu, hoặc ATNÐ, bão ảnh hưởng dồn dập trong thời đoạn ngắn.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư Lê Thanh Hải cho biết, diễn biết thời tiết năm nay hết sức phức tạp, khó lường. Ngay từ đầu năm, bão, ATNÐ đã xuất hiện trên Biển Ðông, điều này hoàn toàn không theo quy luật. Ðặc biệt, đến tận tháng 4, thời tiết tại các tỉnh miền bắc vẫn còn hết sức ẩm ướt và đến 10 ngày đầu của tháng 5 trời vẫn mát mẻ, hầu như ngày nào cũng xuất hiện mưa rào và dông. Tuy nhiên, từ ngày 11-5 đến nay, cả nước đã xuất hiện một đợt nắng nóng kéo dài, hiếm thấy. Theo lý giải của Phó Giám đốc Lê Thanh Hải, đợt nắng nóng kéo dài này ở Bắc Bộ và Trung Bộ khác biệt với mọi năm. Những năm trước, mỗi đợt nắng nóng chỉ xảy ra từ ba đến năm ngày, hoặc từ bốn đến bảy ngày, sau đó sẽ dịu mát khoảng hai hoặc ba ngày rồi mới quay trở lại, nhưng đợt nóng này kéo dài 10 ngày liên tục. Nếu như ở Bắc Bộ, nắng có bị gián đoạn do có tác động của khối không khí lạnh yếu không đáng kể thì ở Trung Bộ, nắng nóng chưa dừng ngày nào. Nhiệt độ cao nhất đo được là 41oC tại Hòa Bình vào ngày 14-5, Thủ đô Hà Nội, nhiệt độ cao nhất đo được ngày 22-5 là 39,7oC.

Nhận định về tình hình nắng nóng năm nay, Phó Giám đốc Lê Thanh Hải cho biết, nắng nóng gay gắt sẽ tập trung vào tháng 5 đến tháng 7, giá trị nhiệt độ có thể vượt giá trị lịch sử. Nắng nóng gay gắt nhất ở Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ xảy ra vào tháng 6, tháng 7, riêng với Trung Bộ có thể vẫn xuất hiện nắng nóng vào tháng 8. Nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36 đến 39oC, một số nơi ở vùng núi các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La... có thể hơn 40oC. Tình trạng thiếu mưa và khô hạn cục bộ tại Tây Nguyên, Nam Bộ và tỉnh Bình Thuận có khả năng kéo dài đến cuối tháng 5 và đầu tháng 6.

Ngoài ra, đỉnh lũ năm 2014 trên các sông Bắc Bộ có khả năng xuất hiện đúng với quy luật chung (đầu tháng 8) và có khả năng nhỏ hơn đỉnh lũ năm 2013. Tuy nhiên, một số sông suối nhỏ, ở miền núi phía bắc cần đề phòng đỉnh lũ có nơi vượt mức báo động 3. Từ tháng 5 đến tháng 8, dòng chảy trên các sông từ Nghệ An đến Ninh Thuận tiếp tục giảm dần và có khả năng thấp hơn TBNN cùng kỳ 30- 50%; trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc. Cần đề phòng xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ và xâm nhập mặn sâu vào cửa sông ở các tỉnh ven biển miền trung, tuy nhiên tình trạng khô hạn không nghiêm trọng như năm 2013...

Thực tế đã chứng minh tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước năm nay sẽ có diễn biến phức tạp. Các địa phương cần chủ động đề phòng bão mạnh có hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn trong thời đoạn ngắn, gây lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực, đặc biệt tại các khu vực miền núi thuộc Bắc Bộ, ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên. Tình hình khô hạn và xâm nhập mặn tại các cửa sông ở các tỉnh ven biển Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến cuối tháng 8.

 

Theo TIẾN ÐẠT/ Báo điện tử Nhân dân

 

Tệp đính kèm