Nhà báo Philippe Reltien đã nêu rõ hành động của Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974
Trong những ngày gần đây, nhiều tờ báo lớn của Pháp tiếp tục đăng tải nhiều bài viết phản đối hành động bá quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 cũng như hành động tiếp tục kéo giàn khoan vào Biển Đông.
Tờ Le Figaro số ra ngày 20/6 trong bài viết có tựa đề "Trung Quốc thổi bùng lên tranh cãi về biển đảo với Việt Nam", đã nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông đầu tháng 5/2014 chính là nguyên nhân dẫn tới các vụ tấn công bạo động chống Trung Quốc ở Việt Nam. Bài báo cũng khẳng định, với hành động đưa giàn khoan thứ 2 vào Biển Đông tuần vừa qua, Trung Quốc đang tiếp tục thổi bùng cuộc xung đột về biển đảo với Việt Nam.Trong khi đó, tờ báo Nhân đạo (l'Humanité) số ra ngày 20/6 cũng đăng tải việc Trung Quốc đã quyết định đưa 4 giàn khoan vào Biển Đông trong bài báo "Vì dầu khí: Trung Quốc muốn đặt 4 giàn khoan gần các đảo tranh chấp với Hà Nội".
Bài báo khẳng định hành động của Trung Quốc ngày càng thể hiện các tham vọng về lãnh thổ tại các vùng bờ biển chung với các nước láng giềng. Bài báo trích dẫn tuyên bố ngang ngược và thách thức dư luận quốc tế của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho rằng "Ai cũng có quyền làm mọi thứ trước nhà mình bất chấp những quan ngại của người khác". Hiện 2 trong số 4 giàn khoan của Trung Quốc đang được đặt ở ngoài khơi Hồng Kông và 1 giàn khoan khác đang trên đường tiến vào khu vực mà Trung Quốc đã lắp đặt các giếng khoan cách đây 5 năm.
Tờ Le Monde
Trang nhất của báo "Thế giới" (Le Monde) của Pháp số ra ngày 23/6 đã đăng tải bài viết của phóng viên thường trú tại Đông Nam Á của tờ "Thế giới" Bruno Philip - người vừa có chuyến đi thực tế tới khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điểm đặc biệt của bài phóng sự "Cuộc rượt đuổi ở quần đảo Hoàng Sa", đó là việc tác giả - với tư cách là nhân chứng có mặt trên tàu của Cảnh sát biển Việt Nam, đã miêu tả chân thực những sự kiện mà mình đã tận mắt chứng kiến khi các tàu của Trung Quốc, với màu sắc và số hiệu cụ thể đã rượt đuổi, đe dọa sự an toàn hàng hải đối với các tàu của Việt Nam và việc các lực lượng chấp pháp của Việt Nam đã mưu trí, dũng cảm thoát khỏi "cạm bẫy" của các tàu Trung Quốc, tránh những va chạm và thiệt hại không đáng có.Trong phóng sự, nhà báo, đặc phái viên Bruno Philip nêu rõ Trung Quốc chỉ khẳng định sự có mặt ở Hoàng Sa kể từ khi đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và trước đó, quần đảo này thuộc quyền quản lý của chế độ Việt Nam cộng hòa. Bài phóng sự đã trích dẫn khẳng định của nhà sử học Trần Đức Anh Sơn về việc Việt Nam có chủ quyền pháp lý đầy đủ của mình từ thời vua Gia Long (từ năm 1816) với việc chính quyền nhà Nguyễn áp dụng việc thu thuế đối với dân chài tại Hoàng Sa. Tới đầu những năm 1920, chính quyền thực dân Pháp cũng đã khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này với việc xây dựng hải đăng và trạm thu phát sóng TSF trên đảo Hoàng Sa (Pattle) và trạm khí tượng trên đảo Phú Lâm (Boisée).
Tuy nhiên, bất chấp việc Việt Nam khẳng định và tuyên bố có đầy đủ bằng chứng khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc vẫn ngang nhiên hành xử không tuân thủ luật pháp quốc tế với ý đồ "độc chiếm" toàn bộ Biển Đông. Với tư cách là nhân chứng trực tiếp ra nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, tác giả đã vạch trần những lời vu cáo từ phía Trung Quốc về việc các tàu của Việt Nam "chủ động va chạm" với các tàu của Trung Quốc, và đưa ra sự thật như những thước phim về việc tàu của Trung Quốc phun vòi rồng và đặc biệt là đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam ngày 26/5. Cũng trong ngày 23/6, tờ báo "Thế giới" đăng tải bài bình luận có tựa đề "Trung Quốc áp đặt các điều kiện của mình trên Biển Đông" của nhà báo Brice Pedroletti. Tác giả khẳng định những hành động vừa qua của Trung Quốc với các nước láng giềng khu vực như Nhật Bản, Philippines và Việt Nam đang phá vỡ tính nguyên trạng và ổn định của khu vực và làm dấy lên những nghi ngờ và lo ngại về thực tế "trỗi dậy hòa bình" của nước này.Bài bình luận trích dẫn nghiên cứu của một chuyên gia phương Tây cho rằng, chủ nghĩa bá quyền biển của Trung Quốc nhằm thỏa mãn 4 nhu cầu: Thứ nhất, tìm một lối thoát ra vùng biển cao cho hạm đội và căn cứ tàu ngầm chiến lược ở Hải Nam. Thứ hai, bảo vệ và khống chế các tuyến đường thương mại và vận tải biển đi qua khu vực này. Thứ ba, đảm bảo an ninh cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên và dầu khí. Và thứ tư là nhằm thỏa mãn một bộ phận dư luận đang nuôi dưỡng chủ nghĩa quốc gia của Trung Quốc.Bài bình luận mỉa mai "giấc mơ Trung Quốc" về "một thời kỳ đại phục hưng" với việc khẳng định chủ quyền với "đường lưỡi bò 9 đoạn" trái với luật pháp quốc tế và bị các nước phản đối. Tác giả cũng trích dẫn lời của nhà nghiên cứu Yang Danzhi từ Trung tâm Nghiên cứu về an ninh khu vực thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Pháp cảnh báo nguy cơ Trung Quốc "đang cố gắng làm những việc chưa từng làm trong quá khứ" nhằm thực hiện "kỷ nguyên cơ hội chiến lược" với môi trường chính trị và kinh tế thuận lợi cho sự trỗi dậy của Trung Quốc.Đặc biệt, lần đầu tiên một bài báo của Pháp bình luận về ý đồ hiếu chiến của Trung Quốc với ý đồ và cách thức thực hiện sử dụng lực lượng dân sự thay thế cho lực lượng quân sự trong các xung đột về chủ quyền. Tác giả trích dẫn tuyên bố của Zhang Jiangang, Giám đốc Trung tâm chính sách hàng hải và nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Hải dương Quảng Đông đăng trên báo Hoàn cầu (Global Times) ngày 15/6 về việc "Trung Quốc không áp dụng một cách cứng nhắc khái niệm phát triển hòa bình trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ", "dùng 10% sức mạnh và 90% đàm phán để giải quyết xung đột"... Những điều này thể hiện cho hành động ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc trong việc giải quyết xung đột với các nước.
Trang web của Đài France Info đăng phóng sự
Trong lĩnh vực phát thanh, tuần qua cũng là lần đầu tiên Đài phát thanh France Info của Pháp đã phát đi trong chuyên mục thời sự chuỗi phóng sự của phóng viên Philippe Reltien - người đã trực tiếp ra khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Chuỗi phóng sự liên tiếp của nhà báo Philippe Reltien cùng với những âm thanh sống động về tiếng còi hú, giọng nói và những âm thanh hỗn độn với những miêu tả, trích dẫn là bằng chứng hùng hồn cho hành động hiếu chiến của các tàu Trung Quốc trong việc tấn công, rượt đuổi các tàu chấp pháp của Việt Nam.Nhà báo Philippe Reltien đã nêu rõ hành động của Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, thẳng thắn phê phán những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong việc áp đặt “đường lưỡi bò” 9 đoạn chiếm 80% diện tích Biển Đông.Đặc biệt, trái với những tuyên bố của người phát ngôn và báo chí Trung Quốc về nguyên nhân khiến Trung Quốc ngày 13/5 phải rút 3.000 công nhân sau các vụ bạo động ở Việt Nam, nhà báo Philippe Reltien khẳng định hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay đang cho thấy chính Trung Quốc mới là “kẻ gây sự”. Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông vừa qua cho thấy thực tế về một “chủ nghĩa bá quyền" nguy hiểm của Trung Quốc hiện nay./.
Theo Đào Dũng/VOV.VN