Cập nhật: 28/04/2025 13:20:00
Xem cỡ chữ

Trong 100 ngày đầu tiên kể từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã triển khai một chiến dịch đầy biến động và khó đoán, làm lung lay nhiều trụ cột của trật tự thế giới mà Washington đã góp phần xây dựng sau Thế chiến II.

Tổng thống Trump sẵn sàng đi xa đến đâu?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát động cuộc chiến thuế quan toàn cầu chưa từng có tiền lệ và cắt giảm mạnh viện trợ nước ngoài của Mỹ. Ông cũng đề cập đến việc sáp nhập Greenland, giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama và biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ.

trat tu the gioi lung lay chi sau 100 ngay ong trump quay lai nha trang hinh anh 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

"Ông Trump hiện quyết liệt hơn rất nhiều so với 8 năm trước", Elliott Abrams, một chính khách bảo thủ từng làm việc dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan và George W. Bush trước khi được bổ nhiệm làm đặc phái viên về Iran và Venezuela trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, nhận định.

"Tôi thực sự bất ngờ", ông Elliott Abrams cho hay.

Chính sách "Nước Mỹ trước tiên" trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump đã khiến Washington xa rời các đồng minh và định nghĩa lại về quan hệ với các đối thủ, đồng thời đặt ra câu hỏi về mức độ mà ông sẵn sàng đẩy mọi việc đi xa đến đâu. Những động thái này, cùng với sự khó lường của ông, đã khiến một số chính phủ nước ngoài lo ngại đến mức họ bắt đầu đưa ra các phản ứng phòng vệ - những bước đi có thể khó đảo ngược thậm chí cả khi một tổng thống Mỹ theo đường lối truyền thống hơn đắc cử vào năm 2028.

Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh một số ý kiến chỉ trích ông Trump cho rằng nước Mỹ đang có dấu hiệu thụt lùi về dân chủ - một vấn đề gây lo ngại ở nhiều nước trên thế giới. Những dấu hiệu này bao gồm việc công kích các thẩm phán, gây áp lực lên các trường đại học và đưa người nhập cư đến một nhà tù khét tiếng ở El Salvador trong khuôn khổ chiến dịch trục xuất diện rộng.

"Chúng ta đang chứng kiến một sự gián đoạn lớn trong các vấn đề quốc tế", Dennis Ross, cựu đặc phái viên về Trung Đông từng phục vụ dưới thời các tổng thống thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, nhận xét. Theo ông: "Hiện nay không ai có thể chắc chắn điều gì đang diễn ra hoặc chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo".

Nhiều ý kiến cho rằng, một số tổn hại đã gây ra có thể để lại hậu quả lâu dài nhưng tình hình hiện tại vẫn chưa phải là không thể cứu vãn nếu ông Trump mềm mỏng hơn trong cách tiếp cận. Theo một số nhà quan sát, thực tế là ông Trump đã có những bước lùi nhất định trên một số vấn đề, trong đó có việc điều chỉnh thời điểm và mức độ áp thuế.

Tuy nhiên, họ nhận định, khả năng ông Trump thực hiện một số thay đổi lớn về chính sách là rất thấp. Thay vào đó, nhiều quốc gia dự kiến sẽ thực hiện những điều chỉnh lâu dài trong quan hệ với Mỹ nhằm tự bảo vệ mình trước sự bất ổn khó lường trong chính sách của ông.

Những hệ quả đầu tiên

Chẳng hạn, một số đồng minh châu Âu đang tìm cách thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của mình để giảm phụ thuộc vào vũ khí Mỹ. Tại Hàn Quốc, các cuộc tranh luận về việc phát triển kho vũ khí hạt nhân riêng đang trở nên nóng hơn. Đồng thời, ngày càng có nhiều đồn đoán rằng sự xấu đi trong quan hệ với Mỹ có thể thúc đẩy các đối tác của Washington xích lại gần Trung Quốc, ít nhất là trên phương diện kinh tế.

Nhà Trắng bác bỏ quan điểm cho rằng ông Trump đã làm tổn hại uy tín của Mỹ trên trường quốc tế, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải "sửa chữa những hậu quả" dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden.

"Tổng thống Trump đang hành động nhanh chóng để đối phó với các thách thức, bằng cách đưa cả Ukraine và Nga đến bàn đàm phán nhằm chấm dứt xung đột, ngăn chặn dòng chảy fentanyl và bảo vệ người lao động Mỹ qua việc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm, đồng thời tái áp đặt chiến lược gây áp lực tối đa để đưa Iran trở lại bàn đàm phán", Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Brian Hughes nói.

Ông cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump đang "buộc lực lượng Houthi phải trả giá vì các hành động khủng bố và siết chặt an ninh biên giới phía Nam sau 4 năm bị mở toang".

Theo một cuộc khảo sát do Reuters/Ipsos thực hiện và hoàn tất ngày 21/4, hơn một nửa người dân Mỹ, bao gồm cả 1/5 cử tri đảng Cộng hòa cho rằng, ông Trump "có quan hệ quá gần gũi" với Nga. Công chúng Mỹ cũng tỏ ra ít mặn mà với chương trình nghị sự mở rộng lãnh thổ mà ông Trump đã đề ra.

Canh bạc lớn của Tổng thống Trump

Theo các chuyên gia, điều đang bị đặt cược lúc này chính là tương lai hệ thống toàn cầu đã định hình trong suốt 8 thập kỷ qua dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Hệ thống đó được xây dựng trên nền tảng tự do thương mại, thượng tôn pháp luật và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ. Thế nhưng, dưới thời Tổng thống Trump, trật tự thế giới này đang bị lung lay mạnh mẽ.

Cáo buộc các đối tác thương mại "đã bóc lột Mỹ trong nhiều thập niên", ông Trump triển khai một chính sách thuế quan quy mô lớn, gây xáo trộn thị trường tài chính, làm suy yếu đồng USD và làm dấy lên những cảnh báo về nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như khả năng xảy ra suy thoái. 

Ông Trump gọi các mức thuế này là "liều thuốc cần thiết", song ngay cả khi chính quyền của ông đang đàm phán các thỏa thuận riêng lẻ với hàng chục quốc gia, mục tiêu cuối cùng của chính sách này vẫn chưa thực sự rõ ràng.

trat tu the gioi lung lay chi sau 100 ngay ong trump quay lai nha trang hinh anh 2

Kinh tế thế giới chao đảo sau quyết định tuyên bố áp thuế của ông Trump (Ảnh: Reuters)

Đồng thời, ông cũng gần như đảo ngược chính sách lâu nay của Mỹ đối với cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua tại Ukraine, thậm chí còn xảy ra một cuộc tranh cãi gay gắt tại Phòng Bầu dục với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào cuối tháng 2/2025. Ông Trump cũng làm ấm quan hệ với Moscow, làm dấy lên lo ngại rằng ông có thể buộc Kiev phải chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ để nhanh chóng hoàn tất thỏa thuận hòa bình.

Sự coi nhẹ vai trò của châu Âu và NATO, vốn từ lâu được xem là trụ cột an ninh xuyên Đại Tây Dương nhưng nay bị ông Trump và các trợ lý cáo buộc "dựa dẫm" vào Mỹ, đã gây ra tâm lý bất an sâu sắc. 

Thủ tướng sắp nhậm chức của Đức Friedrich Merz, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 2, đã bày tỏ lo ngại về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhận định rằng tình hình sẽ trở nên khó khăn nếu những người theo đuổi khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" thực chất lại theo đuổi "Nước Mỹ đơn độc". 

Ông Trump cũng tuyên bố Mỹ sẽ "giành được" Greenland - hòn đảo tự trị thuộc Đan Mạch, cũng như khiến Canada nổi giận khi nói rằng nước này "không có lý do để tồn tại" và nên trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ. Ông cũng đe dọa chiếm lại Kênh đào Panama, vốn đã được Mỹ trao trả cho Panama năm 1999. Ngoài ra, ông còn đề xuất biến Gaza thành một "khu nghỉ dưỡng kiểu Riviera".

Một số nhà phân tích nhận định rằng ông Trump dường như đang tìm cách hồi sinh một cấu trúc toàn cầu kiểu Chiến tranh Lạnh, trong đó các cường quốc phân chia các khu vực ảnh hưởng địa lý với nhau.  Tuy nhiên, ông chưa đưa ra bất kỳ chi tiết nào về cách thức Mỹ có thể thâu tóm thêm lãnh thổ và một số chuyên gia cho rằng những lập trường cực đoan này có thể chỉ là chiến thuật mặc cả.

Dẫu vậy, một số quốc gia đã tỏ ra lo ngại thực sự. 

"Khi Mỹ đòi thâu tóm một phần lãnh thổ của Vương quốc Đan Mạch, khi chúng tôi đối mặt với sức ép và những lời đe dọa từ đồng minh thân cận nhất của mình, chúng tôi phải đặt câu hỏi: liệu chúng tôi còn có thể tin tưởng vào quốc gia mà chúng tôi đã ngưỡng mộ suốt bao năm qua không?", Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen phát biểu trong cuộc họp báo tại Greenland hồi đầu tháng 4. Theo ông: " Đây không chỉ là chuyện riêng của Greenland mà là câu hỏi về trật tự thế giới chúng ta đã cùng nhau xây dựng qua nhiều thế hệ”.

Nỗ lực thích ứng với chính quyền Trump 2.0

Các chính phủ trên thế giới đang bắt đầu điều chỉnh lại chính sách của mình. Liên minh châu Âu đã chuẩn bị một loạt các biện pháp áp thuế trả đũa nếu các cuộc đàm phán thất bại.

Một số quốc gia như Đức và Pháp đang xem xét tăng chi tiêu quốc phòng theo đúng yêu cầu lâu nay của ông Trump. Tuy nhiên, điều này cũng có thể đồng nghĩa với việc các nước này sẽ đầu tư nhiều hơn vào ngành công nghiệp quốc phòng trong nước thay vì mua vũ khí từ Mỹ.

Giữa bối cảnh quan hệ hữu nghị lịch sử với Mỹ đang chịu áp lực, Canada đã tìm cách củng cố các liên kết kinh tế và an ninh với châu Âu. Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử tại Canada sắp tới, nơi làn sóng chủ nghĩa dân tộc và tâm lý bất mãn với các chính sách của ông Trump đã trở thành những chủ đề nổi bật, làm dấy lên nhận thức rằng Mỹ không còn là đối tác đáng tin cậy như trước.

Hàn Quốc cũng cảm thấy bất an trước các chính sách của ông Trump, đặc biệt là những đe dọa về việc rút quân Mỹ. Tuy nhiên, Seoul vẫn cam kết sẽ nỗ lực duy trì mối quan hệ đồng minh mà họ coi là thiết yếu trong việc đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nhật Bản, một đồng minh thân cận khác của Mỹ, cũng đang lo lắng. Tokyo đã bị bất ngờ trước quy mô các mức thuế của ông Trump và hiện đang "gấp rút tìm cách ứng phó", một quan chức cấp cao trong chính phủ Nhật Bản thân cận với Thủ tướng Shigeru Ishiba cho biết.

Một câu hỏi then chốt hiện nay là liệu một số chính phủ có âm thầm "đặt cược kép" bằng cách thắt chặt hơn quan hệ thương mại với Trung Quốc, quốc gia đang là mục tiêu chính trong cuộc chiến thuế quan của ông Trump hay không.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào đầu tháng 4 và gần đây, Bắc Kinh cũng tuyên bố đã trao đổi với EU về việc tăng cường hợp tác kinh tế.

Trung Quốc đang cố gắng tự định vị mình như một giải pháp thay thế cho các quốc gia cảm thấy bị Mỹ "bắt nạt" trong chính sách thương mại. Bắc Kinh cũng đang tìm cách lấp đầy khoảng trống do các cắt giảm viện trợ nhân đạo của Washington để lại.

Ông Aaron David Miller, cựu nhà ngoại giao kỳ cựu từng phục vụ trong cả hai chính quyền đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, cho rằng vẫn chưa quá muộn để ông Trump điều chỉnh đường lối đối ngoại, đặc biệt nếu ông cảm thấy áp lực từ các thành viên đảng Cộng hòa đang lo ngại về những rủi ro kinh tế khi họ chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới.

Nếu ông Trump tiếp tục giữ vững lập trường hiện tại, tổng thống kế nhiệm có thể sẽ phải nỗ lực tái lập vai trò của Washington như một bên đảm bảo cho trật tự thế giới nhưng những trở ngại có thể sẽ rất lớn.

"Những gì đang diễn ra hiện nay chưa phải là điểm không thể quay đầu", ông Miller, học giả cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington, nhận định. Theo ông: "Tuy nhiên, mức độ tổn hại mà chúng ta đang gây ra trong quan hệ với các đồng minh và mức độ mà các đối thủ có thể hưởng lợi thì có lẽ không thể đo đếm nổi".

Theo Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/trat-tu-the-gioi-lung-lay-chi-sau-100-ngay-ong-trump-quay-lai-nha-trang-post1195447.vov