Công an Hà Nội bắt 4 đối tượng sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt trên 2 tỷ đồng, tháng 4/2014. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Hàng loạt những vụ án về tội phạm sử dụng công nghệ cao bị lực lượng công an bóc gỡ thời gian qua cho thấy, loại tội phạm này đang hoạt động ngày càng công khai, táo tợn, tình hình vi phạm pháp luật thông qua mạng internet, mạng viễn thông đang diễn biến hết sức phức tạp.
Thủ đoạn mới, đủ mọi chiêu trò
Giữa tháng Sáu, dư luận chấn động trước thông tin phát hiện vụ hơn 14.000 điện thoại bị cài đặt phần mềm nghe lén. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Hồng, cùng nhân viên của công ty này là Lê Thanh Lâm, Trưởng phòng kỹ thuật và Trần Minh Ngọc, nhân viên hỗ trợ khách hàng.
Riêng Nguyễn Thị Nga, nhân viên tư vấn của Công ty Việt Hồng, do đang trong thời kỳ mang thai nên được cho tại ngoại nhưng áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng Phòng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC 50) Công an thành phố Hà Nội cho biết số tiền mà Hùng và Công ty Việt Hồng thu được từ Ptracker kể từ tháng 9/2013 đến nay là 900 triệu đồng.
Các hành vi của Công ty Việt Hồng như lập trình, cài đặt và phát tán phần mềm Ptracker để thực hiện thu thập thông tin riêng của người sử dụng điện thoại và lưu giữ tại máy chủ, chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị số, làm mất an toàn, bí mật thông tin của người sử dụng điện thoại... đã vi phạm hàng loạt các quy định, điều khoản của Luật Công nghệ thông tin. “Tác hại của việc cài đặt phần mềm này là những đối tượng bị theo dõi đời tư mà không hề biết. Từ chuyện sinh hoạt, chuyện làm ăn lúc nào, ở đâu đều bị người khác giám sát chặt chẽ từng giây, từng phút” - Đại tá Sơn cho hay.Một cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng cho hay, hơn 14.000 thuê bao di động bị cài phần mềm nghe lén chỉ là một trong nhiều vụ việc vi phạm trên lĩnh vực mạng internet và viễn thông thời gian gần đây. Thực tế, tình trạng sử dụng các thiết bị nghe lén, quay lén đã xâm nhập vào xã hội nhiều năm nay. Điều kiện để các loại thiết bị này dễ dàng tồn tại là do việc quản lý bị buông lỏng. Không ít người biết về sự hiện diện của các loại máy móc, công nghệ quay chụp, ghi âm lén nhưng đến nay chưa có văn bản pháp quy nào quy định việc quản lý, hạn chế, ngăn ngừa lưu hành các loại thiết bị dạng này. Khi đã có thiết bị trong tay, việc kẻ xấu sử dụng nó vào các mục đích phi pháp sẽ khó phát hiện hơn nhiều.
Bịt những kẽ hở
Từ vụ việc trên, lần theo các trang hồ sơ vụ án tội phạm công nghệ cao của PC50 Hà Nội cho thấy, thời gian qua, tội phạm công nghệ cao đã gia tăng các hoạt động phi pháp như đột nhập vào hệ thống máy tính của các công ty, ngân hàng để đánh cắp dữ liệu khách hàng, từ đó làm giả Thẻ tín dụng để rút tiền hoặc ra lệnh giả để chuyển tiền; Lắp đặt thiết bị tại máy ATM để sao chép, trộm cắp dữ liệu, thông tin thẻ tín dụng, sau đó làm giả thẻ để rút tiền. Đặc biệt, tội phạm sử dụng công nghệ cao đã không giới hạn trong nước mà vươn ra nước ngoài với tính chất hoạt động xuyên quốc gia.Điển hình là vừa qua, Công an Hà Nội đã triệt phá hàng loạt ổ nhóm người Trung Quốc móc ngoặc với người Việt Nam sử dụng công nghệ cao để gây án. Mới đây ngày 3/7, Công an thành phố Hà Nội đã bắt giam 2 đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) là Chang Khai Yeu và Hsieh Ming Hsin, trú tại Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội để điều tra làm rõ về hành vi “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet.Chang và Hshi đã móc ngoặc với một số đối tượng người Việt Nam, gọi điện thoại thông báo nợ tiền cước điện thoại hoặc giả danh là công an đang điều tra án để đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng sử dụng một phần mềm giả mạo số điện thoại của cơ quan công an để lừa đảo, dụ người bị hại chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để “phục vụ điều tra.” Khi có cuộc điện thoại đến, các nạn nhân sẽ thấy trên màn hình điện thoại hiện đầu số +83 và các số sau trùng với số điện thoại của một cơ quan công an. Qua xác minh sơ bộ, cơ quan công an xác định đã có tối thiểu 7 tỷ đồng bị các đối tượng rút ra từ số thẻ ngân hàng này.
Nhưng điều đáng lo là tội phạm công nghệ cao gia tăng các hoạt động phạm pháp đã khiến các nhà mạng viễn thông lộ ra kẽ hở qua việc sử dụng các thiết bị hiện đại kết nối vào mạng điện thoại trong nước. Tội phạm thường dùng thủ đoạn là dẫn dụ thuê bao vào mê cung kết nối đến các đầu số giả của các cơ quan chức năng nhằm mục đích đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những vụ việc có tính chất như trên liên tục xảy ra trong thời gian gần đây, trong khi đó hiệu quả đấu tranh triệt phá của lực lượng chức năng còn khiêm tốn.Đơn cử như vụ việc cuối tháng Sáu vừa qua, một người đàn ông ở quận Hai Bà Trưng bị kẻ xấu giả danh nhân viên nhà mạng, lừa kết nối đến các số điện thoại giả để rồi cuối cùng mất trắng hơn 700 triệu đồng khi chuyển tiền vào tài khoản của tội phạm. Theo thống kê của cơ quan công an, trong khoảng một tháng qua đã có 16 người dân ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc bị lừa đảo với phương thức tương tự, trong đó có 7 người ở Hà Nội và 2 người ở Thành phố Hồ Chí Minh bị chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng cho biết, thực tế hiện nay đang cho thấy, đảm bảo an ninh mạng cũng như an ninh máy tính vốn không phải là một việc đơn giản nhưng truy tìm xử lý các tội phạm công nghệ cao lại càng khó khăn, phức tạp, cần phải có nỗ lực chung, sự kết hợp giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thế nhưng, cho đến trước năm 2005, ở Việt Nam vẫn chưa có cơ quan, đơn vị nào tiến hành nghiên cứu về những phương pháp phát hiện tội phạm máy tính, các quy trình phát hiện điều tra và chưa có những định danh cụ thể, cũng như chưa có những điều luật cụ thể cho từng dạng của loại tội phạm này mà mới chỉ có 3 điều luật chung trong Bộ Luật Hình sự quy định về các hình thức sử dụng trái phép thông tin trên mạng hoặc lan truyền virus máy tính: "Tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình virus tin học" (Điều 224); "Tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử" (Điều 225); "Tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy vi tính" (Điều 226).Như vậy, nhiều hành vi khác như tấn công trái phép vào máy tính, mạng máy tính, cơ sở dữ liệu... bị hầu hết các nước phát triển coi là hành vi phạm tội nhưng chưa được Bộ luật Hình sự Việt Nam điều chỉnh. Đối với những tội có quy định trong Bộ luật Hình sự thì chế tài răn đe kẻ phạm tội cũng chưa đủ nghiêm khắc. Ngoài ra, các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này cũng còn thiếu hoặc chưa đủ sức răn đe, có thể khiến tội phạm coi thường.
Những khe hở này gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi phối hợp với các nước phòng chống tội phạm Việt Nam tấn công mục tiêu ở nước ngoài và ngược lại, đồng thời cũng là những điểm yếu dễ bị tội phạm lợi dụng.
Theo HẠNH QUỲNH (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/ngan-chan-toi-pham-cong-nghe-cao-can-che-tai-du-manh/269821.vnp