Tháng 6/2014 đã trở thành tháng Sáu nóng nhất trong lịch sử khí tượng thế giới kể từ khi các chuyên gia bắt đầu thu thập và ghi chép dữ liệu về nhiệt độ trung bình của Trái Đất năm 1880.
Theo số liệu của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) công bố ngày 21/7, nền nhiệt trung bình trên toàn cầu trong tháng Sáu vừa qua đạt 16,2 độ C, cao hơn 0,72 độ C so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20 và vượt qua cả tháng Sáu nóng kỷ lục của năm 2010. Cũng theo NOAA, tháng qua cũng là tháng thứ 352 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn mức nhiệt trong thế kỷ 20. Trước đó, tháng Năm vừa qua cũng ghi nhận mức nhiệt kỷ lục là 15,54 độ C.
NOAA nhận định một nguyên nhân khiến nền nhiệt trong tháng Năm và tháng Sáu năm nay đạt ngưỡng kỷ lục là sự gia tăng nhiệt độ bất thường tại các đại dương trên thế giới, đặc biệt là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Theo đó, nhiệt độ bề mặt đại dương trong tháng Sáu đã tăng mạnh lên mức 17 độ C, vượt mức kỷ lục được ghi nhận trong năm 1998. Hiện tượng băng tan tại Bắc cực cũng diễn ra nhanh hơn bình thường trong tháng qua, khiến tỷ lệ băng tan ở mức thấp hơn khoảng 5% so với mức trung bình trong giai đoạn 1981-2010.
Các số liệu trên được đưa ra dựa trên việc phân tích và đánh giá nhiệt độ trung bình trên bề mặt đại dương và đất liền trên phạm vi toàn cầu, trong đó ghi nhận nhiệt độ trung bình ở phần lớn các khu vực trên Trái Đất đều cao hơn mức trung bình hàng năm, thậm chí còn lên mức cao kỷ lục ở New Zealand, một số vùng bang Greenland (Mỹ), nhiều nơi ở khu vực phía Bắc thuộc Nam Mỹ, cũng như ở Trung Phi và Đông Nam Á.
Nhiệt độ tăng đều trong những thập kỷ gần đây khiến các chuyên gia môi trường và khí tượng ngày càng lo ngại rằng những khí thải ô nhiễm do hoạt động của con người gây ra đang góp phần làm khí hậu Trái Đất ấm lên nhanh chóng. Hồi tháng Năm vừa qua, Cơ quan khí tượng học thế giới (WMO) cũng thông báo nồng độ khí dioxide carbon (CO2) trong khí quyển đã vượt mức 400 phần triệu ở Bán cầu Bắc, đồng thời dự đoán nồng độ CO2 trung bình trên toàn cầu sẽ vượt ngưỡng 400 phần triệu vào năm 2015 hoặc 2016, so với 393,1 phần triệu trong năm 2012. Giới chức WMO nhấn mạnh sự thay đổi này cho thấy tính cấp bách của các nỗ lực hạn chế lượng khí thải gây biến đổi khí hậu, đồng thời hối thúc chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế cần triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn chiều hướng này gia tăng.
Nồng độ CO2 trong khi quyển thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp là 278 phần triệu và tăng trung bình 2 phần triệu mỗi năm trong thập kỷ qua./.
Theo Nguyễn Thơ/Chinhphu.vn