Diễn đàn doanh nghiệp người Việt tại châu Âu lần 8 với chủ đề "Doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu: Hiện trạng và định hướng phát triển"
Trước những thay đổi của chính trị và thị trường ở Đông Âu, đặc biệt là căng thẳng hiện nay giữa Ukraine và Nga, các doanh nghiệp người Việt tại Đông Âu đứng trước đòi hỏi bắt buộc phải chuyển đổi mô hình và địa bàn kinh doanh. Làm thế nào để hợp tác kinh doanh giữa cộng đồng người Việt tại Đông và Tây Âu để bổ sung những lợi thế cho nhau, giúp mở rộng địa bàn sang khu vực thịnh vượng phía Tây ? Đây là chủ đề chính được thảo luận sôi nổi tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu lần thứ 8 với chủ đề "Doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu: Hiện trạng và định hướng phát triển" diễn ra hôm nay 23/8 tại thủ đô Rome, Italy.
Lựa chọn chủ đề "Doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu: Hiện trạng và định hướng phát triển", Diễn đàn doanh nghiệp người Việt tại châu Âu lần thứ 8 tập trung đi thẳng vào thảo luận các vấn đề lớn mà cộng đồng doanh nhân người Việt đang gặp phải tại Đông và Tây Âu.
Toàn cảnh Diễn đàn
Phát biểu mở đầu diễn đàn, ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp doanh nghiệp người Việt tại châu Âu nêu ra một số vấn đề lớn để các đại biểu cùng trao đổi. Ông Hoàng Mạnh Huê nói:"Thứ nhất, cộng đồng tại châu Âu đang trong quá trình chuyển đổi thế hệ, lớp người như chúng ta khai phá thị trường vài chục năm sau nhưng chúng ta đang thiếu một thế hệ trẻ tiếp nối. Thứ hai, hội nhập và tư duy kinh doanh. Có một số doanh nghiệp làm ăn tốt, dù nhìn chung cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Vậy thì họ khác phần còn lại ở những điểm nào? Chúng tôi thấy đó là những doanh nghiệp có khả năng hội nhập với thị trường sở tại rất chắc. Thế thì khả năng hội nhập của doanh nghiệp chúng ta còn rất kém.
Thứ 3 là về con em của chúng ta, làm sao truyền lại kinh nghiệm cho các cháu để tiếp nối hoạt động kinh doanh theo phong cách mới. Và thứ 4 là vấn đề liên kết giữa các doanh nghiệp chúng ta với doanh nghiệp trong nước, liên kết giữa Đông và Tây Âu, liên kết với các cơ quan quản lý và hỗ trợ ở trong nước."
Hơn 300 đại biểu tham dự Diễn đàn
Tại diễn đàn, các đại biểu đều thống nhất rằng văn hóa kinh doanh "Chợ" từng đem lại thành công vang dội cho người Việt tại các nước Liên bang Nga và Đông Âu như Ukraine, Czech, Balan... nay không thể tiếp tục duy trì, khi bản thân các quốc gia này cũng chuyển đổi và hệ thống siêu thị trở nên phổ biến. Trong bối cảnh đó, thay đổi phương thức làm ăn kinh doanh bài bản, có tổ chức hơn trở thành một đòi hỏi bắt buộc.
Ông Trần Đăng Trung, Chủ tịch Hội doanh nhân người Việt tại Liên bang Nga thẳng thắn chỉ trích tâm lý bầy đàn, kinh doanh theo phong trào của người Việt, khiến hiệu quả thấp và chậm chuyển đổi theo hoàn cảnh mới.
Ông Phạm Ngọc Chu, Chủ tịch Hội doanh nghiệp người Việt tại Hungary thì đặt câu hỏi: "Ở Tiệp (Czech), có không dưới 2000 cửa hàng giống nhau cùng kinh doanh một mặt hàng; ở Hungaria cũng có không dưới 1000 cửa hàng như thế. Vậy tại sao chúng ta không xây dựng một thương hiệu chung của người Việt, khi đó sẽ được mua hàng giá rẻ và bán được hàng giá cao và có được uy tín lớn ở thị trường."
Đặc biệt, căng thẳng Ukraina và Nga khiến các doanh nghiệp người Việt phải tìm hướng phát triển kinh doanh khác, hoặc đầu tư về trong nước, hoặc tìm thị trường mới, như ở các nước Tây Âu.
Ông Hoàng Đàm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Kiev, Ukraine
Về điều này, ông Hoàng Đàm, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt nam tại Kiev, Ukraine cho biết: "Căng thẳng lên cao, chiến sự vẫn xảy ra ở miền Đông, ở một phần nhỏ, nơi đó chỉ có khoảng 200 người Việt. Đến nay người Việt tại đó đã di tản hết. Người Việt ở các vùng khác thì không bị đe dọa về an ninh nhưng bị ảnh hưởng nặng nề do đồng tiền mất giá, sức mua giảm sức, thuế gia tăng thì ảnh hưởng nặng nề đến kinh doanh của người Việt. Doanh nghiệp người Việt ở Ukraina đã trải qua nhiều biến động về khó khăn, mất giá, khủng hoảng kinh tế đã trải qua nhiều và có nhiều kinh nghiệm, nên có nhiều kế hoạch dự bị ví dụ như các anh em đầu tư ở Việt nam, ví dụ như trứng bỏ nhiều giỏ, nên hy vọng cũng sẽ vượt qua được khó khăn."
Về việc hợp tác giữa Đông và Tây Âu, ông Hoàng Đàm cho biết một số doanh nghiệp Ukraine cũng có ý tưởng nhưng mới chỉ đang giai đoạn "nghe ngóng" và cũng có nhiều lo lắng, do chưa có nhiều thông tin, kinh nghiệm về thị trường Tây Âu.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng
Đáp lại những e ngại của các doanh nghiệp tại Đông Âu, đại biểu đoàn doanh nghiệp các nước Tây Âu đã bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ về thông tin, pháp lý để thúc đẩy hợp tác. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt nam tại Pháp Dương Chí Dũng nói: "Có thể nói văn hóa chợ dần dần được thay thế bởi văn hóa kinh doanh bài bản và bền vững, định hướng của chúng ta có thể đưa dù chỉ một phần nhỏ vốn, ra tập trung thử nghiệm ở châu Âu. Chuỗi nhà hàng Việt ở châu Âu rất nhỏ lẻ, trong khi các doanh nghiệp người Việt ở Đông Âu có hàng nghìn cửa hàng ẩm thực.
Có thể triển khai thử tại Pháp, địa bàn người dân Pháp rất gần gũi với Việt nam, văn hóa Việt nam được ủng hộ và hưởng ứng sâu sắc. Trong các nhà hàng, chúng ta có thể quảng bá văn hóa Việt nam, có những gian triển lãm ngay tại đó. Tại Pháp, chúng ta đang hợp tác với Casino và Auchan, hai tập đoàn bán lẻ lớn của Pháp. Nếu anh chị em Đông Âu có thể tiếp cận, chuyển hàng sang Pháp vào hai hệ thống siêu thị này có thể phát huy tốt. Xuất từ Ukraine và những nước Đông Âu đã vào EU rồi thì sẽ thuận lợi hơn nhiều, để anh chị em làm tốt hơn và bền vững hơn nữa vốn liếng và lợi nhuận của mình."
Chủ tịch Hội doanh nhân người Việt tại Pháp Nguyễn Hải Nam thì nêu ra ý tưởng về việc xây dựng một cửa hàng trực tuyến, ban đầu là bán Áo dài Việt nam, rồi hàng may mặc và sau đó có thể mở ra ẩm thực... Luật sư Chử Lan Phương của công ty luật DS cũng giới thiệu với diễn đàn những ưu đãi mới về cung cấp vốn của Liên minh châu Âu mà các doanh nghiệp người Việt có thể tận dụng và mở rộng đầu tư tại EU.../.
Theo Thùy Vân/VOV.VN