Đến bao giờ, các ngành chức năng mới kiên quyết, có biện pháp đủ mạnh để các cơ sở chế biến cà phê chấp hành việc bảo vệ môi trường?
Người dân đang thực hiện quy trình sơ chế cà phê
Như VOV.VN đã thông tin, ngay đầu vụ thu hoạch cà phê, các cơ sở thu mua chế biến cà phê tại địa bàn các xã đầu nguồn của thành phố Sơn La đã gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hơn 10.000 hộ dân. Các ngành chức năng của tỉnh Sơn La sẽ vào cuộc thế nào để xử lý dứt điểm tình trạng này?
Ngày 1/12/2012, Nhà máy cấp nước thành phố Sơn La đã phải dừng 30 tiếng đồng hồ để xử lý do nguồn nước bị ô nhiễm từ các cơ sở chế biến cà phê đầu nguồn. Đến tháng 12/2013, Nhà máy cũng phải dừng hoạt động 2 đợt cũng do hoạt động sơ chế cà phê ở vùng đầu nguồn gây ô nhiễm nguồn nước và mới đây nhất trong 2 ngày 15 và 16/9/2014, Nhà máy tiếp tục phải dừng cấp nước cũng vì nguyên nhân nguồn nước cung cấp về nhà máy bị ô nhiễm chất thải sơ chế cà phê.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Hòa, Giám đốc Xí nghiệp cấp nước số 1 thành phố Sơn La cho biết: Sự việc xảy ra lần này cũng như những lần của năm 2012 và 2013, khi phát hiện nguồn nước về có mùi hôi thối và đen đậm, đơn vị đã đi kiểm tra thực tế và báo cáo lên Công ty. Sau đó Ban chỉ đạo cấp nước an toàn tỉnh Sơn La đã thành lập đoàn kiểm tra, kết quả cho thấy: Cơ sở sơ chế cà phê tại bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu do ông Bùi Văn Công làm chủ đang sơ chế cà phê.
Nước thải khu vực sân bãi đã chảy trực tiếp vào suối đầu nguồn Nhà máy cấp nước thành phố Sơn La, bể chứa nước thải không đảm bảo yêu cầu như cam kết bảo vệ môi trường, cơ sở không có biện pháp cụ thể khắc phục mà các biện pháp chỉ mang tính đối phó. Không chỉ các cơ sở này, khi vào vụ thu hoạch thì hàng trăm hộ dân ở các xã trên cũng sơ chế cà phê và tất cả đều đổ về hang chứa nước của thành phố.
Sân phơi cà phê của doanh nghiệp
Ông Phan Thanh Hòa nói: “Trong 2, 3 năm gần đây, tốc độc chế biến cà phê phát triển rầm rộ. Thường là vào mùa cà phê thì nguồn nước hay bị ô nhiễm, nước có mùi khó ngửi, không thể bơm cấp cho dân được. Qua kiểm tra chúng tôi thấy, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Khi nước ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước, chúng tôi không thể cấp được, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng làm sao quy hoạch vùng chế biến cà phê để khỏi ảnh hưởng đến nguồn nước của thành phố”.
Đã 2 năm trôi qua, mặc dù đã bị đình chỉ sản xuất, xong các cơ sở chế biến cà phê lớn ở Muổi Nọi, Thuận Châu vẫn không có biện pháp xử lý môi trường như cam kết. Ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: “Huyện cũng đã có kế hoạch đi kiểm tra các xã trong vùng cà phê, nếu cơ sở nào có đăng ký kinh doanh và cam kết bảo vệ môi trường mà vi phạm thì chúng tôi sẽ tiến hành xử lý”.
Tuy nhiên khi hỏi về cơ sở đang gây ô nhiễm ở xã Muổi Nọi thì ông Khuyên cho hay, bây giờ mới đang kiểm tra đến địa bàn đó, còn cơ sở đó chưa kiểm tra đến. Những tưởng, ngay sau khi sự việc gây ô nhiễm ngày 15 và 16/9 vừa qua, huyện Thuận Châu đã có biện pháp và hướng xử lý cụ thể. Tuy nhiên cho đến ngày 28/9, phóng viên đi kiểm tra thực tế thì cơ sở này vẫn sản xuất bình thường, chưa hề có động tác nào về khắc phục xử lý gây ô nhiễm.
Người dân sơ chế cà phê
Ông Khuyên nói: “Để khẳng định là từ đầu vụ có hiện tượng vi phạm xả thải nước thải, chất thải ra môi trường gây ô nhiễm thì huyện đến giờ đang thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, mới chỉ tiến hành kiểm tra theo thứ tự từng xã một. Để xác định cơ sở gây ô nhiễm hay chưa thì phải có thời gian kết luận. Nếu có cơ sở nào sai cam kết bảo vệ môi trường do huyện cấp, thì huyện sẽ cương quyết xử lý nghiêm minh, có thể tước giấy chứng nhận kinh doanh của cơ sở đó”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Sơn La cho biết: Sau khi xảy ra sự việc, Chi cục cũng đã tham gia đoàn đi kiểm tra và kết luận nguồn nước ô nhiễm là do sơ chế cà phê đầu nguồn. Việc sơ chế cà phê như hiện nay ở địa phương là sơ chế ướt, tạo ra chất thải rắn, khó phân hủy nên độ ô nhiễm rất cao.
Là cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh về bảo vệ môi trường, Chi cục cũng đã tham mưu các giải pháp để khắc phục. Trước mắt phải có giải pháp xử lý tạm thời, về lâu dài thì phải quy hoạch lại vùng sản xuất tập trung, quy hoạch ở những nơi không phải đầu nguồn nước. Nhưng tất cả những giải pháp trên cũng mới chỉ trên giấy, chưa có quyết định của tỉnh xử lý về việc này.
Ông Nguyễn Quang Thiên cho biết thêm: “Qua xem xét chúng tôi thấy chưa có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn trên địa bàn. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo khảo sát cụ thể, nếu cơ sở nào không có điều kiện xử lý môi trường thì quan điểm của tôi là: di dời cơ sở sản xuất đó đi ra khỏi vùng này để giữ nguồn nước; nếu cần thiết thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu dừng sản xuất để giữ đảm bảo giữ nguồn nước”.
Những ngày này, cơ sở sơ chế cà phê ở xã Muổi Nọi,Thuận Châu vẫn hoạt động bình thường. Mỗi ngày hàng trăm tấn cà phê quả tươi được sơ chế, điều đó có nghĩa hàng trăm khối nước thải đang được trực tiếp thải ra đầu nguồn. Cho đến thời điểm này, đoàn liên ngành đi kiểm tra mới chỉ có biên bản làm việc và nhắc nhở, chưa có biện pháp nào khác, mạnh tay hơn.
Vậy cho đến bao giờ, các cấp, các ngành chức năng ở tỉnh Sơn La mới kiên quyết, có biện pháp đủ mạnh để các cơ sở chế biến cà phê chấp hành việc bảo vệ môi trường? Hay chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở qua loa?./.
Theo Tuyết Lan/VOV.VN