Cập nhật: 25/10/2014 16:39:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nên giao Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện vận hành quỹ này thì sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Về việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội, tại điều 74, dự án Luật Nhà ở sửa đổi quy định: Quỹ phát triển Nhà ở xã hội được thực hiện ở Trung ương do Bộ Xây dựng quản lý, nhằm mục đích hỗ trợ cho các đối tượng thuộc diện được hưởng các chính sách nhà ở xã hội vay để thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội và cho các chủ đầu tư vay xây nhà.

Khi cho ý kiến về điều này, đại biểu Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, nếu thành lập quỹ thì quỹ này sẽ huy động các nguồn vốn, trong đó có cả huy động vốn dân cư, là những người được hưởng chính sách nhà ở xã hội; huy động vốn của tổ chức qua phát hành trái phiếu, công trái và thực hiện cấp tín dụng cho vay đối với các tổ chức. Các hoạt động huy động vốn và cho vay diễn ra thường xuyên nên những hoạt động này chính là những hoạt động của ngân hàng theo qui định tại điều 4 của Luật Các tổ chức tín dụng. “Và do vậy, nó tiềm ẩn rủi ro như với một tổ chức tín dụng” – đại biểu Trần Văn Minh nhấn mạnh.

Mặt khác, theo đại biểu Trần Văn Minh, việc tổ chức quỹ phát triển nhà xã hội sẽ gặp phải những khó khăn, tốn kém rất lớn trong việc tổ chức bộ máy từ trung ương đến cơ sở, trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị cũng như cơ chế vận hành, quản lý. Nếu theo phương án thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội và giao Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện thì sẽ có những thuận lợi hơn.

Cụ thể, theo đại biểu Trần Văn Minh, về chức năng, hoạt động của quỹ này thực chất là hoạt động của ngân hàng thực hiện chính sách xã hội của nhà nước về nhà ở. Do vậy, việc ủy thác cho ngân hàng chính sách xã hội thực hiện thì cũng giống như việc bổ sung thêm đối tượng phục vụ, mở rộng phạm vi, qui mô hoạt động cho ngân hàng này. Vì vậy, hoàn toàn phù hợp và không có khó khăn, trở ngại lớn. Thực tế hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang thực hiện cho vay xây dựng, cải tạo nhà ở cho người nghèo, cận nghèo.

Cũng theo hướng này, sẽ sử dụng được mạng lưới phòng giao dịch, trang thiết bị kỹ thuật sẵn có từ trung ương tới địa phương của Ngân hàng Chính sách xã hội, chỉ cần xây dựng thêm một số chính sách đặc thù, qui chế huy động các nguồn vốn khác, qui chế cho vay, mua, thuê mua nhà ở xã hội… nhanh hơn rất nhiều so với phương án thành lập quỹ.

Về tổ chức bộ máy, sẽ sử dụng bộ máy của Ngân hàng chính sách xã hội hiện có và các cơ quan, tổ chức liên quan sẵn có và nay chỉ cần bổ sung thêm lãnh đạo của Bộ Xây dựng với vai trò là thành viên của Hội đồng quản trị quản lý và giám sát.

Liên quan tới việc lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội, theo đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM), chúng ta cần quỹ nhà ở nhưng phải theo nguyên tắc khuyến khích chính quyền địa phương, trung ương có nhiệm vụ hỗ trợ lập quỹ nhà ở cho dân. Trong tương lai Luật về chính quyền địa phương, thì công việc lo nhà cho dân chủ yếu là địa phương. “Do đó tôi đề nghị thiết kế lại, đưa quỹ nhà ở thành 3 loại: Một là, quỹ Ngân sách; Thứ hai, là từ DN; Thứ 3, Người mua nhà góp tiền để nhận nhà trong tương lai”- đại biểu Trần Du Lịch nói.

Còn đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) chia sẻ với ban soạn thảo về tính nhân văn. Nhưng đại biểu Tiến Sinh cho rằng, việc thành lập quỹ không thực sự cần thiết. Đặc biệt, việc hình thành quỹ do ngân sách Trung ương cấp và phát hành Trái phiếu Chính phủ là không khả thi. Hơn nữa chính sách nhà ở xã hội đã được quy định ở nhiều văn bản khác. Trong khi giải quyết về vốn cho nhà ở thì đã có các NHTM, NHCSXH hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu này. “Việc hình thành quỹ đóng góp, làm cho quản lý ngân sách quốc gia phân tán, thiếu công khai minh bạch. Do đó tôi đề nghị không thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội theo phương án 1 mà UBTVQH đã đề xuất” – đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nhấn mạnh.

Cùng chung các quan điểm này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) đề nghị cân nhắc việc có lập quỹ hay không, có nhất thiết thành lập quỹ ở cả 63 tỉnh, thành hay chỉ thành lập ở những đô thị lớn, nơi tập trung nhiều KCN…

Về các nội dung khác, cụ thể là việc kê khai khi giao dịch nhà ở, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng: Tại khoản 1, Điều 12: Nếu theo dự thảo Luật, người mua nhà có cần phải kê khai làm trước bạ không? Theo tôi không cần. Tiền trao cháo mức, nhưng bất động sản không phải là cháo. Thời nào cũng vậy, BĐS quyền sở hữu chỉ được xác lập về pháp lý khi anh đăng ký với nhà nước và nộp phí mang tính bắt buộc. Thời điểm kê khai bắt buộc nộp thuế trước bạ là được pháp luật thừa nhận, nếu phá nguyên tắc này thì gây rối loạn về pháp luật. Nếu qui định như dự thảo, chúng ta xúi người dân không cần trước bạ gì hết.

Thứ hai, theo Luật Dân sự, thì vấn đề sở hữu nhà ở là cực kỳ quan trọng trong quan hệ bất động sản. Nếu có gì bất cập mà Luật Dân sự chưa phù hợp, thì hiện nay đang sửa, tách ra Luật chuyên ngành.“Vừa rồi thảo luận Luật Dân sự tôi thấy rất cập, bắt buộc Luật Dân sự tuân thủ Luật chuyên ngành. Chúng ta phá nguyên tắc về những quan hệ dân sự.

Tôi mong rằng, chúng  ta phải đặt vấn đề này nghiêm túc, tôi đề nghị vấn đề sở hữu bất động sản để Luật Dân sự quy định”. Đối với nhà ở công vụ, nhiều ý kiến cho rằng, cần thu hẹp đối tượng sử dụng nhà công vụ. Với chức danh ở Trung ương chỉ nên bố trí nhà công vụ từ Bộ trưởng, tương đương trở lên. Đối tượng, điều kiện  cụ thể do UBTVQH quy định. Ở các địa phương chỉ xây dựng nhà ở công vụ cho những nơi chưa có nhà ở thương mại, đối tượng cụ thể phân cho Hội động nhân tỉnh quyết định. Còn các đối tượng khác, địa phương đã có nhà ở thương mại, nhà nước cần căn cứ vào khả năng ngân sách để hỗ trợ nhà ở theo lương, khoản kinh phí nhất định, để cán bộ có chỗ ở công tác. Theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh: “Làm như vậy, vừa đảm bảo điều kiện cho cán bộ công chức có nhà ở, vừa tránh thất thoát lãng phí đất đai, đồng thời thực hiện chủ trương tăng thẩm quyền phân cấp cho địa phương”./.

 

Theo Vũ Hạnh/VOV.VN

Tệp đính kèm