Cập nhật: 31/10/2014 09:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Có 5 lý do trả lời cho câu hỏi vì sao năng suất lao động của Việt Nam thấp tương đương với câu hỏi vì sao Việt Nam còn nghèo.

Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên họp ngày 30/10 (Ảnh: Q.T)

Vừa qua, phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Giang đề cập vấn đề năng suất lao động thấp của Việt Nam và thu nhập của người nông dân thấp cũng như các giải pháp để giải quyết tình trạng này.

Năng suất thấp không hẳn do trình độ nghề nghiệp

Về thông tin đề cập năng suất lao động của người Việt Nam năm 2013 được xếp vào nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch UBTW MTTQ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng do không được thông tin đầy đủ về cách tính năng suất lao động của ILO nên có ý kiến cho rằng do trình độ nghề nghiệp của lao động Việt Nam thấp là nguyên nhân chính của tình trạng trên.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nhận định như vậy là chưa phản ánh đúng bản chất kinh tế của khái niệm năng suất lao động và thực tế của Việt Nam vì năng suất lao động là kết quả phát triển lâu dài của một đất nước và do một hệ thống nhiều yếu tố chi phối, không phải chỉ do trình độ nghề nghiệp lao động.

 “Tổ chức ILO tính năng suất như sau: năng suất lao động bằng tổng sản phẩm nội địa chia cho tổng số người làm việc trong nền kinh tế, tức là năng suất lao động được đo bằng sản phẩm nội địa theo đầu người. Như vậy, khi tỷ lệ người làm việc trong dân số các nước xấp xỉ nhau thì so sánh năng suất lao động giữa các nước cũng tương đương như so sánh tổng sản phẩm nội địa theo đầu người giữa các nước”, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Theo phân loại của WB, một quốc gia đạt dưới 1.000 USD/năm được xếp vào nước nghèo. Việt Nam đã thoát nghèo vào năm 2008, lúc đó sản phẩm nội địa đầu người của Singapore là gần 40.000 USD, gấp Việt Nam hơn 34 lần; của Nhật Bản gần 38.000 USD, gấp 33 lần của Việt Nam; của Hàn Quốc gấp Việt Nam 18 lần; Malaysia gấp 7 lần; Thái Lan gấp 3,6 lần.

Vì sao năng suất lao động của Việt Nam thấp?

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, có 5 lý do trả lời cho câu hỏi vì sao năng suất lao động của Việt Nam thấp tương đương với câu hỏi vì sao Việt Nam nghèo.

Trước hết, xuất phát điểm của Việt Nam và các nước rất khác nhau: trình độ phát triển, hạ tầng cơ sở, nhân lực, thiết bị công nghệ, cơ cấu nền kinh tế, trình độ khoa học, mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật.

Khả năng tự tích lũy của nền kinh tế còn thấp. Ông Nguyễn Thiện cho rằng để sản xuất không chỉ cần lao động mà phải có thiết bị công nghệ, xu hướng phát triển của nhân loại là từ sản xuất thủ công, chi phí công cụ sản xuất thấp chuyển sang sản xuất cơ khí hóa, chi phí thiết bị công nghệ cao hơn và tiến lên sản xuất tự động hóa thì chi phí máy móc thiết bị còn cao hơn, sử dụng ít lao động hơn. 

 

Năng suất lao động của người Việt thuộc nhóm thấp nhất khu vực. Ảnh: AP

"Quá trình tăng năng suất lao động của loài người luôn đi đôi với điều kiện tăng mức trang bị kỹ thuật công nghệ cho lao động. Như vậy phải có vốn đầu tư, phải tăng vốn đầu tư, cơ khí hóa, tự động hóa, tin học hóa sản xuất. Một nước nghèo thì khả năng tự tiết kiệm để đầu tư là hạn chế, do vậy phải có một quá trình tích lũy vốn và đầu tư hàng chục năm mới thực hiện được cơ khí hóa, tự động hóa và tin học hóa nền kinh tế. Khả năng tự tích lũy để tái đầu tư thấp dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia vào đầy đủ các khâu, chuỗi sản xuất hàng hóa, do đó giá trị gia tăng chưa cao”, ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trình độ công nghệ thấp, lạc hậu. Các DN sử dụng công nghệ trung bình thấp chiếm gần 29%; các doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình cao 10%; DN sử dụng công nghệ cao chỉ khoảng 2%. Như vậy, thực trạng 88% DN Việt Nam có công nghệ trung bình và trung bình thấp là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng năng suất lao động thấp và thu nhập đầu người thấp ở Việt Nam. Để khắc phục tình trạng này, phải tăng đầu tư, phải bổ sung hiện đại hóa thiết bị công nghệ ở hầu hết các DN trong nước.

Một nguyên nhân khác là nền kinh tế của ta vẫn sử dụng nhiều lao động trong nông nghiệp và trình độ lao động nói chung còn thấp. Mặc dù cơ cấu kinh tế nước ta chuyển dần từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ nhưng lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Và cuối cùng chính là khoa học chậm phát triển, đầu tư cho KHCN còn thấp.

Ngoài các lý do trên, theo Chủ tịch UBTW MTTQ Nguyễn Thiện Nhân còn nhiều yếu tố khác liên quan tới câu hỏi vì sao một quốc gia lại nghèo, năng suất lao động thấp: Đó là sản xuất công nghiệp theo phương thức gia công là chủ yếu; sản xuất nông nghiệp chủ yếu bán nguyên liệu và xuất khẩu thô; tiến độ cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN còn chậm; chính sách kinh tế vĩ mô còn bất hợp lý, chưa khai thác đầy đủ cơ hội của thị trường thế giới trong quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

Đặt vấn đề và trả lời câu hỏi liệu lao động Việt Nam có khả năng làm chủ công nghệ hiện đại năng suất cao hay không, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong lĩnh vực công nghiệp tại các nhà máy do người nước ngoài đầu tư như Intel, Toyota, Samsung… người Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ kỹ thuật hiện đại đạt nâng suất kỹ thuật không thua kém lao động các nước trong khi chi phí lao động chỉ bằng 1/10, 1/20 các nước./.

 

Theo Thanh Hà - Ngọc Thành/VOV.VN

Tệp đính kèm