Cập nhật: 21/08/2015 09:17:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiều 20/8, các trường khóa sổ nộp hồ sơ nguyện vọng 1, kết thúc 20 ngày thí sinh và phụ huynh hoang mang vì việc “nộp - rút” hồ sơ.

Đến thời điểm này, nhiều em dù điểm cao vẫn lo trượt vì mùa xét tuyển năm nay như một “canh bạc” may rủi…

Tưởng trượt lại đỗ, tưởng đỗ hóa trượt

Trong những ngày xét tuyển vừa qua, dường như sự căng thẳng, bất an bao trùm lên không chỉ hàng triệu thí sinh (TS), người nhà mà còn cả các trường ĐH, CĐ. Nếu như những năm trước TS đạt 20 điểm trở lên có thể cầm chắc “tấm vé” ĐH trong tay thì năm nay, ngay cả những TS điểm cao cũng trong tâm trạng ngồi trên đống lửa vì nếu “đặt cửa” sai thì cũng sẽ trượt.

Bởi vì, dù có quá nhiều thông tin nhưng thông tin TS cần là họ đứng ở vị trí nào trong danh sách thí sinh có khả năng trúng tuyển lại không có, khiến TS rơi vào tình trạng càng tìm kiếm càng bị mất phương hướng, hoang mang. “Nộp-rút-nộp…” hồ sơ khiến cho việc xét tuyển đối với TS chẳng khác nào tham gia vào “canh bạc” đầy may rủi. Nếu TS không bình tĩnh và tính toán kỹ thì nhiều khi tưởng trượt lại đỗ, tưởng đỗ lại trượt.

Đến ngày cuối cùng nhiều TS đã phải thay đổi 360 độ nguyện vọng của mình. Lê Thị Bích Huyền (ở Thanh Hóa) được 23,5 điểm. Mấy hôm trước, Huyền nộp hồ sơ tại ĐH Kinh tế Quốc dân ngành Kế toán, nhưng đến ngày 17/8, Huyền bị bật ra khỏi ngưỡng an toàn, em quyết định rút hồ sơ về nộp tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

“Ban đầu em nghĩ, con gái sẽ hợp với kế toán hơn nhưng giờ em thấy kỹ thuật cũng được. Mục tiêu của em là phải đỗ được đại học” - Huyền chia sẻ. Có thể nói, sự bất cập trong tuyển sinh năm nay chính là nhiều em sẽ không học đúng ngành nghề mình yêu thích vì phải lo trúng tuyển vào một ngành đại học nào đó! Thế nên tiêu chí về chất lượng đào tạo đại học sẽ giảm sút nghiêm trọng.

Bộ cần nhìn thẳng vào thực tế

Theo PGS. Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cách làm mới này của Bộ GD&ĐT đã khiến cho các trường và TS đều vất vả.

Thứ nhất, Bộ đã không lường hết được những phát sinh nên các chính sách thay đổi liên tục. Sự thay đổi này đã khiến phần mềm tuyển sinh của ngành không phát huy được tác dụng trong lọc hồ sơ TS ảo.

Thứ hai, Bộ cần giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Bộ chỉ cần “nắm” hai vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh của các trường và ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu. Còn lại, tuyển sinh thế nào là việc của các trường, thậm chí trường có thể tuyển hai lần/năm. Những gì đang xảy ra trong khâu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ đã được nhiều người làm công tác tuyển sinh lâu năm của các trường dự báo. Tuy nhiên, tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Bộ GD&ĐT có những quyết định mà không nhìn từ gốc của vấn đề: Tuyển sinh là việc của các trường nên cần phải để các trường chủ động. Bởi vì, từng trường có những đặc thù nên việc xét tuyển cũng không thể giống nhau.

Mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí về kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: “Việc tổ chức kỳ thi có những nét tiến bộ, nhẹ nhàng, đơn giản, tiết kiệm hơn và cũng nghiêm túc, có độ tin cậy cao. Tuy nhiên về xét tuyển, xã hội còn những băn khoăn lo lắng…”. Nhưng thực tế cho thấy, Bộ mong muốn đổi mới tuyển sinh, song lại không dự liệu, không lường hết những bất cập nảy sinh nên chính sách thay đổi liên tục. Điều này đã khiến cho cả phụ huynh và TS căng thẳng, khổ sở vì ăn chực nằm chờ để rút, rồi lại nộp hồ sơ. Hậu quả sẽ còn tai hại hơn vì sẽ có nhiều TS phải học trái ngành hoặc “mất trắng” nguyện vọng 1 do không xác định được vị trí của mình.

Dù đã ra nhiều công văn khẩn để huy động cả bộ máy cơ sở cùng giải quyết những sai sót, rối rắm nguy cơ vỡ trận, sự thất bại của Bộ trong đổi mới tuyển sinh đã bộc lộ khá rõ. Đã đến lúc, Bộ GD&ĐT cần nhìn nhận thẳng vào thực tế, nghiêm túc tiếp thu ý kiến để có hướng khắc phục cho mùa tuyển sinh năm sau./.

Theo Thu Hằng/Báo VOV.VN

Tệp đính kèm