Cập nhật: 29/10/2015 10:14:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên để kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho các sở làm, giao tuyển sinh đại học cho các trường tự chủ. Cần tách bạch việc thi và xét tuyển.

Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Đó là ý kiến của hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo Thi tốt nghiệp trung học phổ thông - Tuyển sinh đại học, cao đẳng. Hội thảo do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức mới đây, tại Hà Nội.

Giao thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho các sở

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Thiện Dụ, nguyên Hiệu trưởng Đại học Phương Đông cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham gia quá nhiều khâu và Bộ cũng đã tự nhận không lường trước hết được các tình huống.

“Bộ vẫn đang quá cầu toàn trong khi lại không tin tưởng vào các cơ sở giáo dục của mình, dẫn đến làm không xuể. Bộ giao cho các sở phụ trách đào tạo học sinh suốt 12 năm học thì không có lý gì họ lại không tổ chức được một kỳ thi cuối khóa,” ông Dụ nói.

Đây cũng là ý kiến của ông Võ Thế Quân, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Đông Đô. Ông Quân cho rằng việc tổ chức một kỳ thi với hai mục đích như cách làm của Bộ là một ý tưởng sai lầm.

“Tốt nghiệp trung học phổ thông là đánh giá đầu ra và mang tính đại trà, chỉ yêu cầu đạt. Còn tuyển sinh đại học lại là tuyển chọn đầu vào, đòi hỏi tính phân loại cao. Ghép hai mục tiêu trong một là khiên cưỡng,” ông Quân nhấn mạnh.

Cũng theo ông Quân, việc Bộ huy động các lực lượng tham gia kỳ thi cũng không phù hợp với nguyên tắc phân quyền và giao quyền tự chủ. Cụ thể, các sở giáo dục được giao quyền đào tạo nhưng lại không được giao quyền kiểm định chất lượng đào tạo. Các trường đại học có nhiệm vụ đào tạo bậc đại học nhưng lại được huy động làm việc không phải của mình là kiểm tra, đánh giá giáo dục phổ thông.

“Đề nghị Bộ trả kỳ thi về cho các sở. Bộ chỉ ban hành quy chế thi, tổ chức thanh kiểm tra và ra đề thi. Thậm chí, sau năm 2020 Bộ có thể không cần ra đề thi nếu các sở có thể tự làm được,” ông Quân nói.

Cùng quan điểm này, giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ cần ở mức đạt nên đòi hỏi đề thi có tính phân hóa là không cần thiết. Trong khi đó, vào đại học lại yêu cầu tuyển chọn lọc, không phải chỉ cần đạt. Vì thế, việc gộp hai yêu cầu này trong một kỳ thi là không hợp lý.

Để các trường tự chủ tuyển sinh

Đối với xét tuyển đại học, các đại biểu cho rằng Bộ chỉ nên ban hành quy chế và giám sát việc các trường thực hiện đúng quy chế, không nên đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Hiện nay Bộ đang có hai ngưỡng điểm sàn cho hai phương thức tuyển sinh đại học. Nếu dựa vào điểm thi trung học phổ thông quốc gia thì tổng điểm của thí sinh phải trên 15 điểm. Nếu dựa vào điểm học bạ thì điểm tổng kết của thí sinh phải đạt từ 6 điểm.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Thiện Dụ, điều kiện để thí sinh vào đại học chỉ nên ở mức tốt nghiệp trung học phổ thông.

Không nên có điểm sàn cũng là ý kiến của ông Lâm Quang Thiệp. “Điểm sàn chính là tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc tuyển sinh để các trường tự chủ,” ông Thiệp nói.

Theo ông Thiệp, khi tự chủ, hình thức tuyển sinh của các trường có thể đa dạng, có trường sẽ xét tuyển, có trường sẽ thi hoặc thêm các tiêu chí riêng phù hợp với đặc thù đào tạo của mình.

Đây cũng là kiến nghị của nhiều đại biểu khác tại hội thảo như ông Trần Hữu Nghị (Hiệu trưởng Đại học Hải Phòng), ông Lê Viết Khuyến (Trưởng Ban Đào tạo, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)…

"Trả thi tốt nghiệp cho các sở, trả tuyển sinh đại học cho các trường. Bộ chỉ thuần túy làm công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, đánh giá. Như hiện nay, Bộ quá vất vả, mệt mà còn bị kêu," giáo sư Trần Hồng Quân kiến nghị.

Trước các ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng cho rằng “nói Bộ ôm đồm tất cả kỳ thi là không đúng.”

Ông Hùng cho rằng kỳ thi là sự hợp sức của toàn xã hội, từ người dân đến các ban ngành đoàn thể đều tham gia.

Ông Hùng cũng cho rằng Bộ đã giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, tuy nhiên có nhiều trường chưa sẵn sàng tự chủ. “Nếu là hiệu trường một trường đại học tôi cũng sẽ rất cân nhắc. Chẳng hạn riêng việc tự ra đề cũng không đơn giản vì đề phải đảm bảo không sai sót…”

“Bộ sẽ lắng nghe tất cả các ý kiến đóng góp và cân nhắc, tiếp thu với tinh thần cầu thị đồng thời sẽ có trao đổi lại,” Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nói./.

Theo PHẠM MAI (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/om-xet-tuyen-dai-hoc-bo-giao-duc-dang-om-rom-ram-bung/352022.vnp

Tệp đính kèm