Rất có thể sau khi ông Phạm Ngọc Viễn rời ghế Tổng GĐ VPF, VFF cũng nói lời chia tay với Chủ tịch Lê Hùng Dũng vì lý do sức khỏe.
Sau ông Phạm Ngọc Viễn (ngoài cùng bên trái) rút lui khỏi ghế
TGĐ VPF sẽ tới lượt ông Lê Hùng Dũng (phải) ở VFF? (Ảnh: VPF).
Chiều 28/10, sau khi kết thúc phiên họp thứ 4 nhiệm kỳ 2014-2017, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã thống nhất 16 điều khoản, trong đó có những điểm hết sức đáng chú ý.
Ngoài những dự kiến về lịch thi đấu V-League, Cúp Quốc gia, giải hạng Nhất QG 2016 cùng những con số dự thu, chi cho cả mùa giải mới, phiên họp lần này đánh dấu bước ngoặt lớn của VPF.
Cụ thể, điều 15 ghi rõ Hội đồng quản trị VPF thống nhất đơn xin thôi không kiêm nhiệm chức TGĐ của ông Phạm Ngọc Viễn để giữ chức Phó CT thường trực HĐQT và người sẽ thay thế là nhân vật còn rất trẻ Cao Văn Chóng.
Đây là gương mặt đầy triển vọng trong đội ngũ những người làm bóng đá nước nhà, bởi dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng ông Chóng đã “ghi điểm” trong vai trò TGĐ của B.Bình Dương, CLB đang giữ kỷ lục 4 lần vô địch V-League cùng những đóng góp quan trọng khác cho sự phát triển của bóng đá nước nhà.
Không lâu sau khi “từ chối” khéo việc xác nhận sẽ trở thành người “lèo lái” con thuyền VPF trong thời gian tới vào chiều qua (28/10) khi được PV VOV.VN liên lạc, ông Cao Văn Chóng chính thức đảm nhiệm chức vụ mới theo thông báo từ trang chủ của Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Việc bổ nhiệm một gương mặt đầy triển vọng và có tuổi đời còn rất trẻ so với người tiền nhiệm Phạm Ngọc Viễn, VPF cho thấy những mạnh dạn trong việc thay đổi từ “thượng tầng”, nhằm đưa bóng đá nước nhà lên tầm cao mới. Đáng chú ý, thay đổi đáng ghi nhận đầu tiên là điều 12 của phiên họp thứ 4 HĐQT VPF đã thông qua việc sẽ mua bảo hiểm cho các cầu thủ để tránh những vụ “lùm xùm” đáng tiếc như Quế Ngọc Hải - Anh Khoa thời gian qua.
Rất có thể, sau khi VPF có TGĐ mới, tới lượt VFF cũng sẽ có những thay đổi về “thượng tầng”, cụ thể là ở vị trí Chủ tịch Liên đoàn khi ông Lê Hùng Dũng nhiều khả năng sẽ rút lui vì vấn đề sức khỏe. Theo xác nhận của Phó Chủ tịch VFF, Nguyễn Xuân Gụ, ông Dũng bị đột quỵ nhưng đã xuất viện để về nhà nghỉ ngơi, tiếp tục điều trị.
Trước đó, trong ngày khai mạc vòng chung kết giải U21 báo Thanh Niên (22/10) trên sân Thống Nhất (TP.HCM) nhiều người không thấy ông Chủ tịch VFF dự khán. Kể từ sau trận ĐTVN gặp Thái Lan trên sân Mỹ Đình trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018, nhiều người không thấy ông Dũng xuất hiện ở các sự kiện bóng đá nước nhà như thường lệ.
Dù sức khỏe đã ổn định hơn nhưng khả năng Chủ tịch VFF “nhường ghế” là khá cao trong bối cảnh Đại hội thường niên cơ quan đứng đầu bóng đá nước nhà dự kiến diễn ra vào tháng 12 năm nay đã tiên liệu điều này. Nếu điều này xảy ra sớm hơn thì người dự kiến thay thế ông Dũng cũng là gương mặt còn trẻ nhưng nổi trội ở Liên đoàn là Phó Chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn.
Đây có thể xem là bước ngoặt trong việc phát triển bóng đá nước nhà khi cùng lúc cả VFF và VPF đều tiến hành “thay lái” với những gương mặt đầy triển vọng lên đảm nhiệm chức vụ đứng đầu. Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang đứng trước rất nhiều sức ép hiện tại, sự xuất hiện của ông Cao Văn Chóng hay Trần Quốc Tuấn lần lượt ở cương vị TGĐ VPF và Chủ tịch VFF sẽ là luồng gió mới, được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đổi thay tích cực.
Năm 1998, ông Alfred Riedl không lâu sau khi trở thành HLV trưởng dẫn dắt ĐTVN đã tuyên bố một câu “bất hủ” rằng “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”. 17 năm sau tuyên bố ấy, bóng đá Việt Nam đứng trước thời khắc lịch sử, với “hội nghị Diên Hồng” cùng sự xuất hiện của hai gương mặt còn trẻ là ông Trần Quốc Tuấn và Cao Văn Chóng và những kỳ vọng sẽ đi lên và phát triển bền vững từ gốc./.
Theo Ngọc Duy/VOV.VN