Cập nhật: 28/12/2015 09:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các cơ quan chức năng vừa kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xử phạt hành chính 225 triệu đồng đối với chủ đầu tư Dự án Nha Trang Sao.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Khánh Hòa đang kiểm tra thực

 địa dự án Nha Trang Sao. (Ảnh: Kỳ Nam/Người Lao động)

Dự án Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao do Công ty Cổ phần Nha Trang Sao làm chủ đầu tư nhằm xây dựng bãi tắm, công viên công cộng và sử dụng một phần diện tích vào mục đích kinh doanh.

Sau khi dư luận bức xúc về hành vi lấn vịnh Nha Trang trái phép, UBND tỉnh Khánh Hòa mới lập đoàn kiểm tra liên ngành và phát hiện dự án có nhiều sai phạm.

Đó là, xây dựng hệ thống cây chống, vách tôn bao che dự án lấn chiếm vỉa hè dọc theo đường Phạm Văn Đồng, 5 hạng mục công trình không có trong giấy phép xây dựng, trong đó, có công trình căng-tin mà thực chất là nhà hàng kinh doanh hải sản.

Những hạng mục này từng được Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa kiểm tra và phát hiện từ đầu năm 2015 nhưng vẫn không được tháo dỡ. Sai phạm lớn nhất là chủ đầu tư là đã đổ đất lấn biển - tại danh thắng Quốc gia vịnh Nha Trang vượt quá diện tích được giao với hơn 22.900m2. Đáng nói là đơn vị thi công đã múc san hô lên, sau đó đổ đất, đá xuống để tạo thành một bờ kè lớn giữa biển.

Thế nhưng, ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Nha Trang Sao lại cho rằng, đây chỉ là giải pháp thi công: “Kè là trong biện pháp thi công trong diện tích được cải tạo san hô chết. Khi làm xong bờ kè trong chúng tôi sẽ bơm cát trắng phục hồi lại thành bãi biển. Chúng tôi sai là muốn làm gì thì phải có biện pháp thi công xin phép tỉnh. Có giấy phép xây dựng rồi tôi nghĩ là biện pháp thi công không phải xin”.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Tác An, Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học biển Việt Nam tỏ ra bất ngờ trước giải pháp thi công của chủ đầu tư.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Tác An khẳng định, việc san lấp vịnh Nha Trang sẽ làm xáo trộn hệ sinh thái tại khu vực này và việc khôi phục dường như không thể.

“San hô chết là một hiện tượng rất là bình thường, nó vốn là công trình tự nhiên bảo vệ cho vùng ven bờ. Đào xới lên thì toàn bộ những hệ sinh thái đáy, chu trình sinh lý hóa ven bờ là nó bị xáo trộn hết.

Tôi cũng hơi lạ, đổ dưới biển mà đào lên thì rất khó khăn, không an toàn được về môi trường. Khôi phục lại thì rất khó, về mặt khoa học thì không thể làm được”, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Tác An nói.

Trước hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư Dự án Nha Trang Sao, ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Nha Trang Sao 225 triệu đồng vì: Vi phạm môi trường; sử dụng trái phép di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; không lập phê duyệt, niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường dự án trước khi triển khai.

Chủ đầu tư phải dừng thi công phần vi phạm ở ngoài ranh giới dự án; đồng thời, hoàn thành giải pháp thi công trình trước ngày 10/1/2016 trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định: “Giải pháp thi công đó tích cực như thế nào thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá tác động môi trường, các cơ quan Nhà nước phải tăng cường việc giám sát kiểm tra phát hiện việc hành vi vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó thôi. Chúng tôi mới yêu cầu phải lập lại hồ sơ, vi phạm đó sẽ bị xử lý”.

Gần 23.000m2 tại danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang đã bị san lấp gần 1 năm qua, thế nhưng chỉ khi báo chí và người dân lên tiếng thì UBND tỉnh Khánh Hòa mới vào cuộc.

Dư luận băn khoăn, việc thiếu trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra của các cơ quan chức năng tỉnh này đã rõ ràng, nhưng lẽ nào cũng chỉ bị Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhắc nhở?!./.

Theo Thái Bình/VOV.VN - Miền Trung

Tệp đính kèm