Cảnh tranh cướp phết tại lễ hội Phết (Tam Nông, Phú Thọ).
Đón Tết đến, xuân về, nhiều địa phương đang rục rịch chuẩn bị vào mùa lễ hội, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, tâm linh của người dân. Tuy nhiên, những năm qua, ở một số lễ hội đã bộc lộ nhiều hiện tượng tiêu cực, trong đó có những tập tục lạc hậu mang tính bạo lực, phản cảm gây bức xúc trong dư luận.
Năm nay, vấn đề đang “nóng” đối với các cơ quan quản lý nhà nước về lễ hội là xử lý thế nào những tập tục chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh), đập đầu trâu ở lễ hội Cầu trâu (Phú Thọ), cướp phết ở lễ hội Phết (Tam Nông, Phú Thọ), cướp lộc ở Hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội). Chỉ cần nghe tên các tập tục cũng đã thấy tính chất bạo lực.
Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng sau nhiều năm mai một, mới được phục dựng vào năm 1999. Nghi thức chém lợn được thực hiện ở sân đình trước đám đông người xem. Sau khi chém lợn xong, nhiều người còn quệt tiền lẻ vào máu lợn đem về “lấy may”. Năm 2012, một số tổ chức bảo vệ động vật quốc tế đã lên tiếng phản đối, cho đây là hành động đối xử độc ác, dã man với động vật. Năm sau, địa phương không tổ chức chém lợn ở sân đình, nhưng đến năm 2015, các bô lão địa phương lại tiếp tục khôi phục tập tục chém lợn như cũ. Việc này một lần nữa làm “dậy sóng” dư luận xã hội. Trước tình hình đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đã phối hợp Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học đồng thời làm việc với Sở VH, TT và DL tỉnh Bắc Ninh và chính quyền xã Khắc Niệm (nơi có làng Ném Thượng), yêu cầu địa phương không tổ chức chém lợn tại sân đình.
Nhiều nhà khoa học ủng hộ quan điểm, cần bảo tồn các lễ hội dân gian nhưng phải có chọn lọc để phát huy những mặt tích cực, đồng thời loại bỏ những yếu tố tiêu cực, lạc hậu; lễ hội không phải bất biến mà có thể điều chỉnh phù hợp với thời đại mới. Hướng giải quyết đã được xác định, thế nhưng tại hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội dân gian 2015, một cán bộ Sở VH, TT và DL tỉnh Bắc Ninh cho biết, các bô lão ở làng Ném Thượng vẫn giữ ý kiến lễ hội chém lợn ở Ném Thượng là của riêng làng Ném Thượng! Vị cán bộ này nói: “Nếu đối chiếu các quy định của pháp luật, các nghị định, thông tư trước đây thì lễ hội chém lợn ở Ném Thượng không vi phạm… UNESCO cũng công nhận sự khác biệt văn hóa”. Đã có nhiều ý kiến phản bác, Chánh Thanh tra Bộ VH, TT và DL Vũ Xuân Thành cho rằng: UNESCO thừa nhận tính đa dạng của văn hóa nhưng không thừa nhận tính bạo lực. Không thể bảo vệ lễ hội của làng mình mà tách biệt với các cộng đồng khác được. “Cứ nói lễ hội này chỉ diễn ra trong làng tôi, nhưng trong thời buổi công nghệ thông tin làm sao chỉ nói là trong làng tôi được!”. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa, Nghệ thuật Việt Nam) phân tích: “Không thể nói xã hội nghĩ thế nào là việc của họ, còn tôi vẫn giữ việc của tôi được. Trong một cộng đồng lớn của xã hội văn minh thì việc giết một con vật rồi lấy tiền quệt máu là phản cảm. Sự đa dạng trong văn hóa không có nghĩa mọi giá trị đều phải giữ lại, mà cần phải có sự chọn lọc, bởi mỗi giá trị phù hợp với từng vùng miền, từng thời đại. Đa dạng văn hóa không có nghĩa là làm sống lại tất cả các cổ tục. Nhiều cổ tục sinh ra trong một thời đại, hoàn cảnh lịch sử, cho nên chỉ còn phù hợp với niềm tin ở hoàn cảnh lịch sử ấy”.
Như vậy, để loại bỏ những nội dung lạc hậu, kích động bạo lực trong lễ hội có hiệu quả, trước hết cần sự thống nhất cao trong chủ trương và công tác chỉ đạo tổ chức lễ hội. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng là chủ thể lễ hội. Nếu quá đề cao vai trò chủ thể của cộng đồng, xem nhẹ công tác quản lý nhà nước để lễ hội phát triển tự phát sẽ dễ dẫn đến sự xô bồ, lệch lạc. Thực tế đã diễn ra, không ít nơi cụm từ “cộng đồng” không còn nghĩa bao hàm tất cả người dân, mà chỉ tập trung vào một số người nhân danh cộng đồng mà thôi. Theo Thanh tra Bộ VH, TT và DL, gần đây ngày càng nhiều địa phương đầu tư phục dựng các lễ hội dân gian truyền thống, nhưng sự phục dựng này lại mang tính thương mại. Cần có điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự nhìn nhận đánh giá khoa học đối với từng lễ hội, nhất quán trong công tác tổ chức, quản lý để từ đó đưa ra những biện pháp hiệu quả, triệt để. Nếu còn ở trong tâm thế bị động, bàn bạc nước đôi, né tránh trách nhiệm, không giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng thì sự kêu gọi, hô hào chỉ là nói suông, mọi chuyện sẽ tiếp tục lặp lại như cũ, năm này qua năm khác. Nhiều người đặt câu hỏi, nếu việc chém lợn ở sân đình làng Ném Thượng tái diễn, liệu có bị cắt danh hiệu Làng văn hóa và xử lý hành chính không? Đa số đồng tình với ý kiến của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Trong xã hội hiện đại, việc áp dụng quy chế hành chính là chấp nhận được, cơ quan quản lý của nhà nước không thể làm ngơ trước phản ứng của dư luận.
Cũng giống như tục chém lợn, tục cướp phết, cướp lộc… đang bị dư luận phê phán tính kích động bạo lực của nó. Hàng nghìn, hàng vạn người dự lễ hội, tham gia cướp phết, cướp lộc giẫm đạp lên nhau, gây ra sự lộn xộn, tiềm ẩn tai nạn khôn lường. Thảm kịch giẫm đạp lẫn nhau ở một số lễ hội trên thế giới làm chết hàng nghìn người là những cảnh báo, cần phải bảo đảm an toàn trong mùa lễ hội. Ngành văn hóa và các địa phương đang xem xét, chấn chỉnh tục cướp phết, cướp lộc theo hướng không được để xảy ra bạo lực như những năm trước.
Bộ VH, TT và DL vừa ban hành Thông tư số 15/2015/TTBVHTTDL quy định về tổ chức lễ hội. Theo đó, không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác, trong đó thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam; có nội dung mê tín dị đoan, làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức (cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép; lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, phù chú, cầu lợi lộc cho mình…). Đây là cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý và đơn vị tổ chức lễ hội thực hiện.
Theo Nguyễn Thu Hiền/ Báo nhân dân điện tử