Trọng tâm của việc đổi mới ở các trường sư phạm là chuyển từ đào tạo trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của giáo viên.
Đổi mới việc giảng dạy của giáo viên sẽ góp phần
nâng cao chất lượng giáo dục. (Ảnh minh họa)
Chuẩn bị đội ngũ giáo viên giảng dạy được chương trình, sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục - Đào tạo dự kiến triển khai từ năm 2018, 7 trường sư phạm trọng điểm đã thực hiện đổi mới chương trình đào tạo, đồng thời xây dựng các chuyên đề để bồi dưỡng giáo viên phổ thông hiện có.
Bảy trường sư phạm trọng điểm được Bộ Giáo dục - Đào tạo “đặt hàng” xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên mới và bồi dưỡng giáo viên phổ thông hiện có gồm: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm TP HCM, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm Vinh và Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
Các trường này đã tham gia đóng góp xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; chủ động tham gia nghiên cứu, đổi mới công tác đào tạo, đào tạo lại giáo viên một cách toàn diện. Hiện 7 trường đã thành lập câu lạc bộ hiệu trưởng, có nhiều sinh hoạt, hội thảo xung quanh công tác nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên sư phạm, xây dựng, phát triển chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên.
Ông Phạm Hồng Quang Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cho biết, trường đang tập trung vào hai việc chính là xây dựng lại chương trình đào tạo giáo viên mới của tất cả các ngành và đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng việc giảng dạy theo chương trình mới. Trường cũng xây dựng được 153 chuyên đề bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông. Các chương trình đào tạo mới có nhiều điểm khác biệt so với trước đây, như: giảm tri thức hàn lâm, tăng thời gian thực hành cho sinh viên; tập trung đào tạo ra hệ thống giáo viên gồm hai nhóm chính là nhóm tự nhiên và nhóm xã hội.
“Người giáo viên trong giai đoạn mới, ngoài kỹ năng nghề nghiệp thì cần trách nhiệm nghề nghiệp. Trách nhiệm nghề nghiệp là nghiên cứu thông tin chương trình sách giáo khoa xung quanh mình, với con mắt của nhà thiết kế để tạo ra bài giảng mang tính chất là học vấn tổng hợp chứ không chỉ căn cứ vào sách giáo khoa, vào chương trình để dạy theo nó.
Một năng lực nữa của giảng viên sư phạm là năng lực phát triển chương trình, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, năng lực tổ chức cho học sinh nghiên cứu khoa học và năng lực đánh giá” - ông Phạm Hồng Quang nói.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm học 2016-2017, tất cả các cơ sở đào tạo giáo viên sẽ thực hiện chương trình đào tạo mới./.
Theo Minh Hường/VOV.VN - Trung tâm Tin