Cập nhật: 17/02/2016 09:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc tổ chức nhiều cụm thi khiến các địa phương khó có thể đảm bảo tính nghiêm túc cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016.

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm 2015

Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 công bố gần đây của Bộ GD-ĐT khẳng định, các điều chỉnh trong tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2016 sẽ khắc phục được các bất cập trong kỳ thi năm 2015. Đặc biệt là tạo nhiều thuận lợi lớn cho thí sinh tham gia thi và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Năm 2016, Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia với kỳ vọng sẽ giảm tiêu cực, tiết kiệm được chi phí ngân sách của Nhà nước và người dân và khắc phục được những bất cập của kỳ thi năm 2015.

Nhiều cụm thi: Khó đảm bảo nghiêm túc

Điểm mới nổi bật trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 là Bộ GD-ĐT có sự điều chỉnh về cụm thi, công bố kết quả, cấp giấy chứng nhận và đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Nếu như năm 2015, kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức ở 38 cụm thi, tập trrung ở các tỉnh, thành phố thì năm 2016, Bộ GD-ĐT có sự điều chỉnh là mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều tổ chức cụm thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Sở dĩ Bộ đưa ra quy định này là nhằm giảm đáng kể lượng thí sinh phải di chuyển ra các cụm thi tập trung ở các thành phố như năm 2015.

Tuy nhiên, việc mỗi địa phương đều tổ chức cụm thi riêng sẽ khiến họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về việc tăng cường cơ sở vật chất, phòng thi, đội ngũ cán bộ coi thi. Nếu không triển khai, bổ sung tốt những  điều kiện cần thiết này thì rất khó có được một kỳ thi nghiêm túc. Bởi lẽ, những cụm thi mà do Sở GD-ĐT ở các địa phương tổ chức có thể vì áp lực tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hay chạy theo “bệnh thành tích” mà “nới lỏng” việc coi thi. Kết quả của kỳ thi rất khó để cho các trường đại học, cao đẳng thực hiện công tác xét tuyển.

Hơn nữa, nếu các địa phương đều tổ chức cụm thi thì có nhất thiết chia cụm thi do Sở GD-ĐT tổ chức hay các trường đại học, cao đẳng đảm nhiệm hay không? Năm 2015, những thí sinh thi ở cụm tốt nghiệp do Sở GD-ĐT chủ trì vẫn được xét vào đại học nên mục đích phân chia hai cụm thi do các đơn vị khác nhau thực hiện là không cần thiết.

Thậm chí, cách phân chia này khiến mọi người ngầm hiểu, thi ở cụm tốt nghiệp sẽ không được xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên,  sau đó, thí sinh thi ở cụm tốt nghiệp vẫn được xét vào đại học. Mặt khác, mục đích phân chia còn khiến dư luận có thể hiểu rằng, cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì sẽ nhẹ nhàng hơn ở cụm do các trường đại học, cao đẳng tổ chức.

Vì vậy, để giảm tốn kém kinh phí, mỗi tỉnh chỉ nên có một cụm thi mang tính chất như nhau, không nên tách rời thành cụm thi địa phương hay các trường đại học, cao đẳng đảm nhiệm.

Nguy cơ “vỡ trận” có thể lặp lại

Nhằm giảm áp lực cho thí sinh, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016, Bộ GD-ĐT đưa ra quy định mới là các đơn vị chủ trì cụm thi được quyền công bố kết quả thi. Điều này sẽ giúp thí sinh và người nhà tra cứu kết quả thi một cách nhanh chóng, không phải chờ đợi nhiều do có quá nhiều người truy cập tập trung vào một số máy chủ của Bộ GD-ĐT và các đơn vị được ủy quyền gây nên tình trạng nghẽn mạng như năm 2015.

Bên cạnh đó, năm nay, các trường đại học chủ trì cấp duy nhất một Giấy chứng nhận kết quả thi có mã số để sử dụng trong đăng ký xét tuyển sẽ giúp thí sinh có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến trên website của các trường đại học mà không cần phải đến nộp đăng ký xét tuyển trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT còn có sự điều chỉnh trong việc đăng ký xét tuyển của thí sinh. Theo đó, việc quy định mỗi đợt xét tuyển thí sinh được phép đăng ký xét tuyển ở nhiều trường (hai trường ở đợt 1, 3 trường ở các đợt sau). Mỗi trường tối đa hai ngành, vừa giúp thí sinh có nhiều lựa chọn để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành/trường phù hợp như năm 2015, vừa khắc phục tình trạng thí sinh liên tục và ồ ạt rút đăng ký xét tuyển từ trường này để nộp sang trường khác như đã xảy ra năm 2015.

Quy định đăng ký xét tuyển ở mỗi trường đại học chỉ được tối đa 2 ngành thay vì tới 4 ngành như quy định năm 2015 buộc thí sinh phải suy nghĩ nghiêm túc trong việc lựa chọn ngành học, tránh đăng ký theo kiểu “cứ ngành nào trúng tuyển là được” mà không quan tâm đến sở thích, sở trường và nhu cầu tuyển dụng lao động trên thị trường.

Tuy nhiên, nếu đơn vị chủ trì cụm thi là Sở GD-ĐT được công bố kết quả thi thì vẫn khó có thể lường trước được tình trạng tắc nghẽn mạng Internet vì năm nay chắc chắn sẽ có chục nghìn thí sinh ở cụm thi địa phương phải vào mạng Internet  của Sở cùng một lúc, cùng một ngày.

Còn nếu là đơn vị chủ trì cụm thi do các trường đại học, cao đẳng được phép công bố kết quả thì liệu rằng, các trường đã được trang bị đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác xét tuyển hay chưa?

Lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở khi năm 2015, nhiều trường rơi vào tình trạng lúng túng, “trở tay không kịp” khi thí sinh rút - nộp hồ sơ quá nhiều một cách đột ngột, đặc biệt là vào ngày cuối cùng của đợt xét tuyển nên có thể dẫn đến tình trạng “vỡ trận” khiến thí sinh và người nhà rơi vào cảnh hoang mang, hốt hoảng như chơi chứng khoán.

Mặt khác, năm nay, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng 3 trường ở các đợt sau. Mỗi trường, thí sinh được phép thay đổi 2 ngành học khác nhau thì rất có thể lặp lại tình trạng rút - nộp hồ sơ một cách ồ ạt như năm 2015 khiến các trường đại học xử lý không kịp và thí sinh rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm