Cập nhật: 20/02/2016 10:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một số hiệu trưởng trường đại học cho rằng, cách tính điểm ưu tiên trong việc xét tuyển đại học chưa công bằng nên Bộ GD-ĐT cần điều chỉnh lại.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2015

Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016 với nhiều điểm đổi mới. Song theo đánh giá của nhiều trường, việc đổi mới vẫn chưa quyết liệt.

Với tổng cộng 12 điểm điều chỉnh so với quy chế tuyển sinh năm 2015, quy chế tuyển sinh năm nay có cơ chế thoáng hơn cho các trường đại học tổ chức cụm thi cũng như sự thuận lợi cho thí sinh.

Không chỉ dự kiến bỏ hình thức nộp hồ sơ xét tuyển trực tiếp tại trường để chấm dứt tình trạng nhốn nháo; thay đổi thời gian đăng ký, số nguyện vọng, số trường trên cơ sở rút kinh nghiệm từ lần tổ chức đầu tiên, năm nay, chỉ tiêu các khối thi và chính sách ưu tiên khu vực cũng có sự điều chỉnh.

Tiến sĩ Trần Thế Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM cho biết: “Việc Bộ Giáo dục - Đào tạo rút ngắn đợt xét tuyển đầu tiên từ 20 ngày xuống còn 12 ngày là hợp lý.

Trên cơ sở tìm hiểu thí sinh, phụ huynh và trên cơ sở đáp ứng hạ tầng về công nghệ thông tin, nhà trường tin rằng 12 ngày là đủ thời gian để giải quyết khâu đăng ký. Các trường sẽ có phương án chủ động trong việc xác định điểm chuẩn cũng như chỉ tiêu xét tuyển để tránh tình trạng ảo có thể xảy ra khi một thí sinh giờ có thể đăng ký nhiều trường.”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần điều chỉnh điểm ưu tiên, vì cách tính hiện nay chưa công bằng.

Ông Đỗ Văn Dũng dẫn chứn, kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015, trong số hơn 4.600 thí sinh trúng tuyển vào Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố, có gần 3.00 em trúng tuyển nhờ cộng điểm ưu tiên. Điều đáng chú ý là số thí sinh trúng tuyển được ưu tiên theo chính sách đối tượng chỉ có 26 em, còn trên 2.900 em là ưu tiên theo khu vực. Điều này tạo ra sự bất công vì không ít thí sinh thi điểm rất cao vẫn rớt.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng kiến nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo nên giảm một nửa điểm ưu tiên lại. Lấy ví dụ như trước kia, mức ưu tiên tối đa theo khu vực là 3 điểm thì bây giờ còn 1,5 điểm là vừa vì sự chênh lệch về điều kiện học tập của các trường THPT ở khu vực nông thôn, miền Tây... hiện nay so với thành thị đã được thu hẹp dần”.

Đồng thuận với những đổi mới trong quy chế tổ chức thi và tuyển sinh năm nay của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm TP HCM cho rằng, điểm nhấn của chính sách đổi mới trong tuyển sinh năm nay chính là việc Bộ đồng ý cho tăng số trường đăng ký trong đợt 1 và quy định “không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển”. Đây là điều kiện buộc thí sinh phải cân nhắc kỹ lưỡng năng lực, sở trường và kết quả để lượng sức vào ngành phù hợp, góp phần giảm số hồ sơ ảo cho các trường.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Đình Lý cho rằng, trước tiên, Bộ phải giải quyết thấu đáo những bất ổn còn tồn đọng trong kỳ tuyển sinh trước. Mong rằng năm nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ nghiên cứu, cân nhắc để giải quyết 2 vấn đề mà các em thí sinh và phụ huynh bức xúc trong năm vừa rồi. Bên cạnh đó là công tác công bố kết quả. Nên chăng khi các trường được giao nhiệm vụ tổ chức hội đồng thi, Bộ hãy để các cụm thi công bố kết quả. Ngoài ra, công tác xét tuyển cần phải đảm bảo nguyên tắc các trường xét tuyển phải có dữ liệu. Như vậy, công tác xét tuyển sẽ khắc phục được những khó khăn mà năm 2015 đã vấp phải”.

Những nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016 sẽ được Bộ Giáo dục - Đào tạo lấy ý kiến chuyên gia và nhân dân trong vòng một tháng trước khi hoàn thiện và ban hành. Hy vọng, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của dư luận để có những thay đổi kịp thời, đảm bảo đúng tiêu chí mà kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia đặt ra là tiết kiệm, trung thực và hiệu quả./.

Theo Mỹ Dung/VOV.VN - TP HCM

Tệp đính kèm