Viêm não mô cầu có những thể bệnh tiến triển rất nhanh, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời không những dễ dẫn tới tử vong.
BN bị viêm màng não mô cầu điều trị tại bệnh viện.
Có thể gây chết người từ 24h đầu tiên
Tại Khoa cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, bệnh nhân (BN) Bùi Thanh B (30 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là trường hợp mắc chứng viêm màng não mô cầu đầu tiên ở Hà Nội, nhập viện ngày 29/2. Trước khi nhập viện 2 ngày, BN có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nhìn mờ dần.
Khi vào BV Tó (Đông Anh, Hà Nội), anh B được chẩn đoán là viêm màng não mô cầu, sau đó được chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới T.Ư. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa cấp cứu – BV Bệnh nhiệt đới T.Ư: “Khi BN được chuyển đến, chúng tôi đã cho cách ly.
Kết quả xét nghiệm cho thấy BN bị viêm màng não mô cầu. Sau quá trình điều trị, BN đã dần hồi phục và tiến triển tốt. Hiện BN đã hết sốt, tỉnh táo, có thể nói chuyện và sinh hoạt bình thường, xét nghiệm vi khuẩn đã âm tính nên không cần cách ly nữa”.
BN thứ hai là anh Nguyễn Văn V (24 tuổi, ở Quốc Oai, Hà Nội) vào viện từ ngày 4/3. Chị L - người nhà cho biết: “Khi thấy V có biểu hiện đau đầu, sau đó đau dữ dội và buồn nôn đã đưa BN vào cấp cứu ở một BV khác, đã được chẩn đoán là viêm màng não nên chuyển sang BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư luôn. Dù tình trạng anh V đã tỉnh táo và có khả năng hồi phục cao nhưng vẫn phải nằm điều trị và theo dõi ở phòng cách ly”.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, bệnh viêm não mô cầu do vi khuẩn não mô cầu gây ra. Ngay cả những người khỏe mạnh vẫn có một số người có loại vi khuẩn này ở vùng hầu họng. Khi vi khuẩn thay đổi độc lực, chúng có thể gây bệnh cho người đó và có thể lây lan sang người khác…
Vi khuẩn não mô cầu có thể gây ra nhiều bệnh lý trên người, trong đó 2 thể thường gặp nhất là viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết. Với thể viêm màng não mủ thì BN thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, sau đó chậm chạp, lơ mơ, hôn mê. Còn ở thể nhiễm trùng huyết, người bệnh có thể diễn biến tối cấp, cấp tính hoặc mạn tính.
Thể tối cấp rất hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong rất nhanh (ngay trong vòng 24h đầu tiên). Đa số các BN diễn biến cấp tính, BN thường sốt cao, có thể bị sốc và có ban hoại tử trên da, nếu được điều trị phù hợp và kịp thời thì có cơ hội hồi phục khá tốt.
Cần điều trị, cách ly và vệ sinh tốt
Các thể bệnh nặng của bệnh viêm não mô cầu như viêm màng não, nhiễm trùng huyết thường tiến triển nặng và nhanh nên cần phải nhập viện để xử trí kịp thời. Đặc biệt nếu ở địa phương từng có ca bệnh do viêm não mô cầu, khi người bệnh có tình trạng sốt, đau đầu, buồn nôn, thay đổi tri giác hoặc có ban hoại tử trên da thì nên đến BV ngay.
“Bệnh này lây qua đường hô hấp nên có nguy cơ trở thành dịch. Thể bệnh nhiễm trùng huyết tối cấp tuy hiếm gặp nhưng nguy cơ tử vong rất cao. Còn thể nhiễm trùng huyết cấp tính thì thống kê trên thế giới cho thấy tỉ lệ tử vong khoảng 15%”, Bs Cấp cho hay.
Trước thực trạng BV Bệnh nhiệt đới T.Ư tiếp nhận liên tiếp 2 BN mắc viêm não mô cầu (trong khi cả nước ghi nhận 7 ca từ đầu năm đến nay, trong đó 1 học sinh ở tỉnh Hải Dương đã tử vong) khiến người dân lo lắng khi 2 ca bệnh này cùng ở Hà Nội và liệu viêm não mô cầu có lây lan thành dịch và người dân có nhất thiết phải tiêm phòng viêm não mô cầu trong khi số vắc-xin ở các trung tâm y tế dự phòng chỉ còn rất ít (đủ cho trẻ từ 6-10 tuổi), còn vaccine dành cho trẻ nhỏ hơn và người lớn phải đến tháng 4 mới nhập khẩu vào Việt Nam?
Theo Bs Cấp: Người dân không quá lo lắng bởi gần đây mỗi năm cả nước có vài chục ca viêm não mô cầu. Hầu hết những ca này đã được phát hiện và điều trị kịp thời. Các địa phương đã tổ chức cách ly và dự phòng khá tốt nên đã khống chế các ca bệnh rải rác này không lây lan thành dịch. BN mắc bệnh nếu được phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời thì khả năng hồi phục rất cao.
Vì vậy, người dân không nên lo lắng đổ dồn đi tiêm vaccine ngay. Tốt nhất nên ưu tiên tiêm phòng cho những nhóm dân cư có nguy cơ cao. Còn khi xuất hiện những ca rải rác thì việc phát hiện các ca bệnh sớm và tổ chức điều trị cách ly tốt, không để mầm bệnh lây lan từ 1 ca bệnh thành 1 ổ dịch mới là điều quan trọng.
Những người dân trong vùng đã có ca bệnh nên thực hiện tốt các biện pháp dự phòng cần thiết như: Cách ly, đeo khẩu trang, dùng găng tay khi tiếp xúc người nghi ngờ bị bệnh. Súc họng miệng bằng những loại nước súc miệng sát trùng, rửa tay thường xuyên bằng nước xà phòng. Những người có tiếp xúc với người nghi bệnh cần tự theo dõi sát các dấu hiệu sốt, đau đầu, buồn nôn... để đến bệnh viện kịp thời và tuân thủ tốt các hướng dẫn của y tế dự phòng địa phương./.
Theo Lưu Hường/Báo VOV.VN