Cập nhật: 13/03/2016 10:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đối với nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn Croquevielle, Việt Nam chính là quê hương thứ hai, là nguồn cảm hứng để anh sáng tạo nghệ thuật.

Anh Réhahn Croquevielle và bà Bùi Thị Xong bên bức ảnh "Nụ cười ẩn giấu".

Đi qua nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam, cho ra đời 50 nghìn bức ảnh về đất nước và con người hình chữ S, đối với nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn Croquevielle, Việt Nam chính là quê hương thứ hai, là nguồn cảm hứng để anh sáng tạo nghệ thuật.

Đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2007 trong một chuyến đi làm từ thiện, nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn Croquevielle đã bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của đất nước và con người nơi đây. Sau chuyến đi đó, mỗi năm, Réhahn quay lại đây một lần để thực hiện mong ước được khám phá những nét đặc sắc của văn hóa và con người Việt Nam.

Anh cho biết, mình đã đi qua nhiều vùng quê của Việt Nam, ở đâu cũng thấy người dân rất thân thiện và mến khách. Vì thế, anh đã chụp được rất nhiều ảnh, trong đó chủ yếu là ảnh chân dung về con người ở các vùng quê Việt Nam.

"Tôi thích chụp các bức chân dung hơn, bởi vì đối với tôi chân dung là phương tiện để chúng ta nắm bắt được khoảnh khắc đã đi qua, chúng ta không thể nào tìm lại khoảnh khắc đó một lần nữa. Trong khi đó nếu chụp ảnh phong cảnh thì ta có thể quay lại các nơi đó và vào một thời điểm tương tự như vậy thì ta cũng có một bức ảnh như vậy. Đối với tôi, bức chân dung luôn truyền tải được câu chuyện về một con người. Và tôi coi mình như một người sưu tầm những câu chuyện ấy", Réhahn Croquevielle chia sẻ.

Trong gần 10 năm rong ruổi khắp các vùng quê của Việt Nam bằng xe máy, nhiếp ảnh gia người Pháp đã chụp được 50 nghìn bức ảnh. Anh đã chọn ra 150 bức ảnh đẹp nhất để giới thiệu trong cuốn sách ảnh đầu tiên của mình về Việt Nam mang tên “Việt Nam - Những mảnh ghép tương phản”.

Qua cuốn sách, người xem có thể thấy những cuộc hành trình ở đất nước Việt Nam đã đưa lại cho Réhahn Croqueviellecơ hội gặp gỡ những con người bình dị, họ trở thành những nhân vật tuyệt vời trong các bức ảnh chân dung vừa tự nhiên vừa giàu chất nghệ thuật của anh.

Trong đó, bức ảnh “Nụ cười ẩn giấu” ghi lại một khoảnh khắc bà Bùi Thị Xong, 73 tuổi, người chèo đò ở Hội An, Quảng Nam lấy tay che mặt khi nhiếp ảnh gia giơ máy chụp đã được báo chí Mỹ bình chọn là bức ảnh “Bà cụ đẹp nhất thế giới”.

Réhahn Croquevielle chia sẻ về bức ảnh này: "Tôi đã dễ dàng có được một bức ảnh đẹp bởi vì bản thân bà Xong là một người rất vui vẻ và dễ gần. Tôi đã ngồi cùng với bà trên chiếc thuyền của bà và bây giờ bà vẫn làm nghề chèo thuyền. Chúng tôi đã đi và nói chuyện rất vui vẻ với nhau, cười vui với nhau trên thuyền. Trong 30 phút đó thì tôi chụp được rất nhiều ảnh và càng về sau thì các bức ảnh càng đẹp. Qua bức ảnh, tôi muốn nói rằng, người phụ nữ Việt Nam rất dũng cảm và họ rất chăm chỉ làm việc. Và vẻ đẹp không có tuổi tác, vẻ đẹp không nhất thiết gắn với quần áo thời trang, mà đây chính là vẻ đẹp của tâm hồn".

Chị Nguyễn Thị Thông, trợ lý của Rehahn cho biết: Sau mỗi bức chân dung mà nhiếp ảnh gia Rehahn chụp là một câu chuyện cảm động giữa anh và nhân vật. Rehahn đã từng đi cả ngày đường để tìm gặp một em bé dân tộc M’Nông, ở Buôn Ma Thuột mà anh đã chụp ảnh để cảm ơn, tặng em và gia đình cuốn sách mà anh đã xuất bản hay tặng một chiếc thuyền mới theo ước nguyện của bà Bùi Thị Xong để bà chèo thuyền chở khách cho đỡ vất vả

Đối với Rehahn, sau mỗi tác phẩm anh luôn luôn quay lại thăm nhân vật để cảm ơn nếu có thể và luôn luôn giúp đỡ những nhân vật mà anh đã chụp ảnh. Bởi vì anh nói rằng khi anh làm công việc bán sách ảnh và chụp hình thì những tác phẩm anh bán ra anh muốn đem lại cho nhân vật mà anh đã chụp có cuộc sống tốt hơn, chị Thông nói.

Với sự kết nối của Đại sứ quán Pháp, Viện Pháp tại Việt Nam, vừa qua, anh Rehahn quyết định trao tặng bức ảnh “Nụ cười ẩn giấu” cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đây là món quà, cũng một cách cảm ơn của nhiếp ảnh gia tới phụ nữ và đất nước Việt Nam, nơi đã cho anh bức ảnh ghi dấu ấn trên thế giới.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: "Mặc dù không phải là lần đầu tiên tác giả trao tặng bức ảnh này nhưng tôi cho rằng đây là địa chỉ phù hợp nhất, ý nghĩa nhất. Bởi lý do là tác giả đã sáng tác bức ảnh này ở đất nước Việt Nam và thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, vẻ đẹp không tuổi tác. Chính trong bức ảnh đó, ngoài giá trị nghệ thuật thì nó thể hiện một sức sống mãnh liệt của người phụ nữ Việt Nam. Một vẻ đẹp cương nghị nhưng rất đôn hậu. Có thể nói bức ảnh đó nói lên rất nhiều điều. Tôi tin rằng bản thân Bảo tàng Phụ nữ Việt nam có thể đủ sức làm nên một cuộc triển lãm từ một hiện vật như vậy".

Năm 2011, nhiếp ảnh gia 36 tuổi người Pháp Réhahn Croquevielle đã quyết định từ bỏ cuộc sống hiện đại và bận rộn của mình tại Pháp để sống một cuộc sống yên tĩnh tại phố cổ Hội An, Quảng Nam, theo đuổi giấc mơ của mình về nhiếp ảnh. Dự kiến trong 2 năm tới, anh sẽ xuất bản cuốn sách ảnh về văn hóa uống cà phê của Việt Nam. Thông qua nhiếp ảnh,  Réhahn muốn giới thiệu nét đẹp văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đây cũng là cách thể hiện tình yêu với đất nước và con người Việt Nam - nơi mà anh đã lựa chọn là quê hương thứ hai của mình./.

Theo Hồng Bắc/VOV.VN - Trung tâm Tin

Tệp đính kèm